Sacombank kỳ vọng xử lý dứt điểm nợ xấu trong vòng 5 năm

30/05/2017 12:39 GMT+7

Tối 29.5, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chính thức công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Điều này phần nào giải tỏa lo ngại về con số nợ xấu của Sacombank đồn đoán trong thời gian qua trên thị trường.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán, cuối năm 2016, nợ xấu Sacombank là 13.166 tỉ đồng (tương đương 6,8% tổng dư nợ). Đó là chưa kể con số nợ xấu bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC), lãi dự thu và tài sản cấn trừ nợ.
Nói về số nợ xấu này, ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, cho hay số nợ xấu này phần lớn tồn đọng từ đơn vị sáp nhập Ngân hàng Phương Nam với những yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Trước đây, Ngân hàng Phương Nam cho vay dựa vào tài sản đảm bảo, khi kinh tế gặp khó khăn, khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm dẫn đến nợ xấu kéo dài. “Trong đề án tái cấu trúc Sacombank, chúng tôi phản ánh đúng thực trạng ngân hàng để có hướng xử lý. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những nhìn nhận Sacombank có nền tảng tốt, tín nhiệm của khách hàng tốt… nên NHNN vừa thông qua đề án tái cơ cấu Sacombank”, vị này cho hay.
Đề án tái cơ cấu được thực hiện đến hết năm 2025, có 3 điểm chính. Đó là lãi dự thu được khoanh và xử lý theo năng lực tài chính, trích lập trái phiếu VAMC trong 10 năm hoặc theo năng lực tài chính và trong trường hợp xử lý tài sản thấp hơn giá trị sổ sách thì được phân bổ trong 5 năm. Thời gian thực hiện đề án 10 năm, kể từ năm 2015 và kết thúc năm 2025.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, trong điều kiện kinh tế vĩ mô tốt, việc tái cấu trúc Sacombank sẽ được giải quyết trong vòng 5 - 6 năm. Quốc hội hiện đang bàn về Nghị quyết xử lý nợ xấu và nếu Nghị quyết được thông qua, cùng với đề án tái cấu trúc, Sacombank định hướng xử lý nợ xấu đẩy nhanh, 3 năm xử lý được 70% và sau 5 năm sẽ xử lý dứt điểm.

tin liên quan

Ai sẽ ngồi vào 'ghế nóng' Sacombank?
Nova Group rút lui, “cha đẻ” Đặng Văn Thành cùng nhóm cổ đông đối tác nước ngoài bỏ cuộc, ai sẽ ngồi vào chiếc ghế nóng Chủ tịch Sacombank vẫn đang bỏ ngỏ chờ đại hội cổ đông tháng 5 tới?
Sở dĩ lạc quan như vậy, theo ông Tuấn, nợ xấu của Sacombank đều có tài sản đảm bảo là bất động sản. Năm 2013 - 2014, thị trường bất động sản đóng băng nên việc xử lý tài sản thế chấp bất động sản gặp nhiều khó khăn, hơn nữa việc xử lý nợ chậm do chưa có cơ chế. Thị trường bất động sản hiện nay đã hồi phục nên với những tài sản đang thế chấp, Sacombank tự tin thu hồi nợ gốc và một phần dự thu. Hơn nữa, nền tảng Sacombank tốt. Từ năm 2015, Sacombank đã ngưng dự thu nhưng với khoản nợ lớn, Sacombank vẫn có khả năng sinh lãi để trả cho người gửi tiền do ngân hàng tập trung đẩy mạnh lĩnh vực bán lẻ. Từ đầu năm 2017 đến nay, dư nợ tín dụng Sacombank tăng 15.000 tỉ đồng thì có đến 11.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân vay. Ngoài ra mảng dịch vụ hiện nay tăng khá tốt, tăng bình quân 20% mỗi năm.
Liên quan đến việc kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia rót vốn xử lý những tồn đọng nợ xấu, ông Nguyễn Miên Tuấn chia sẻ: “Thông qua báo chí, chúng tôi cũng có nghe thông tin một nhóm nhà đầu tư muốn tham gia vào thực hiện đề án tái cấu trúc Sacombank. Thực tế chưa có nhóm nhà đầu tư nào đề cập, làm việc trực tiếp với Sacombank về việc tham gia này. Tại thời điểm hiện nay Sacombank cần cơ chế để xử lý nợ xấu nhiều hơn là tiền. Tất nhiên nếu có nhiều tiền giải quyết những tồn đọng của Sacombank từ nhiều năm nay càng tốt. Hội đồng quản trị mới sẽ thực hiện điều này để việc tái cơ cấu thành công và Sacombank có dư địa phát triển”. Ông Nguyễn Miên Tuấn còn cho biết thêm danh sách ứng cử vào Hội đồng quản trị hiện nay không có gì thay đổi so với danh sách được công bố gần đây nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.