Sai chính tả: Chuyện nhỏ?

09/12/2014 14:55 GMT+7

Sai chính tả tràn lan, be bét, từ học trò cấp một cho đến cử nhân, cao học, thậm chí tiến sĩ. Sai từ trong nhà ra ngoài phố, từ những các bảng hiệu quảng cáo, chiếc pa nô tuyên truyền hùng hồn cho đến tên danh nhân đặt cho đường phố. Nhưng chuyện ấy có phải là chuyện nhỏ…?

Sai chính tả tràn lan, be bét, từ học trò cho đến cử nhân, cao học, thậm chí tiến sĩ. Sai từ trong nhà ra ngoài phố, từ bảng hiệu quảng cáo, pa nô tuyên truyền cho đến tên danh nhân đặt cho đường phố. Nhưng chuyện ấy có phải là chuyện nhỏ…?


Những câu tiếng Việt viết sai chính tả, ý tứ lủng củng, pha trộn từ nước ngoài xuất hiện
khắp nơi - Ảnh: Minh Luân

Chỉ là một con dấu

Suy cho cùng, việc viết sai chính tả phổ biến hiện nay đa số chỉ là sai chệch một con dấu, một vài chữ cái thôi mà, chẳng hạn dấu hỏi hay ngã, u hay o, x hay s, chữ tr hay ch, có “g” hay không… Có gì mà ghê gớm thế khi ai đọc rồi khắc cũng sẽ hiểu…!?

Vả lại ngôn ngữ “hiện đại” bây giờ là theo “chủ nghĩa tối giản”, đã “văn minh” thì không cần rườm rà, văn hoa bóng bẩy, như trên các mạng vi tính hay điện thoại di động. Viết sao cũng được, thậm chí cứ như những “mật mã” mà chỉ trong nhóm, lứa hiểu thôi là được rồi.

Thậm chí dù có rành chính tả đi chăng nữa thì cũng cố viết cho sai đi, cho “dị” đi để thể hiện mình, lâu dần thành quen, như ngôn ngữ của tuổi “teen” trên mạng. Nhớ có một thời, người ta còn tổ chức cả những “hội thảo khoa học” tranh luận sôi nổi để xem xét đưa ngôn ngữ “chát chít” của lứa tuổi “teen” này vào cả tự điển!

Một cái hiện trạng phổ biến là cả những người có học, thậm chí học cao nữa, như… cao học chẳng hạn, mà “luận văn riêng lỗi chính tả có thể thống kê thành năm trang đánh máy”, như lời của một giáo viên một trường đại học tại TP.HCM. Việc dốt chính tả, lạ lùng thay, theo một cuộc điều tra của TS Nguyễn Quý Thành, khoa Giáo dục tiểu học và mầm non trường đại học Quy Nhơn, có xu hướng “ngược dòng”: lớp một ít dốt hơn lớp năm!

Vì sao lại… dốt?

Trên mạng, có một diễn đàn đưa ra câu hỏi: Vì sao con người thời bây giờ (cỡ 8x, 9x) thường viết sai chính tả hơn thời trước (cỡ 6x, 7x)? Có người thắc mắc thời này có điều kiện học tập hơn, lại được có năm năm mài đũng quần trên ghế tiểu học để “sạch nước cản” về chính tả, nhưng sao lại vẫn viết sai chính tả ngày càng nhiều?

Lý do lý trấu chắc phải nhiều, nhưng chính yếu nhất có thể là do thế hệ sau này ít đọc hơn thế hệ trước. Việc viết sai chính tả chính là một dấu hiệu không thể chối cãi cho việc ít đọc, ít viết.

Ai đã từng là người đọc sách nhiều hẳn những con chữ sẽ “nhập tâm” vào người, chỉ cần có một chữ đọc hay viết ra mà sai chính tả thì hẳn đã thấy ngờ ngợ hay có cảm giác bị “sượng”, một cảm giác cực kỳ khó chịu như khi đang ăn cơm mà bị vướng phải một hạt sạn. Bởi vì không thể mỗi chữ mỗi xách tự điển ra mà tra, chỉ có vô thức làm việc ấy mà thôi.

Chính vì cái cảm giác bị “lộm cộm” đến khó chịu này mà trước đây, hầu như mọi tờ báo đều có mục “nhặt sạn” hay “nhổ cỏ vườn văn”. Bài báo nào, tác giả nào mà viết sai chính tả hay văn phong, câu cú lộn xộn đều bị “bắt giò” rất kỹ. Ngày nay, chuyên mục “điểm báo” này đã bị “tuyệt chủng”, và báo chí giờ thì lỗi morat cũng đầy rẫy…

Con người ngày nay đã đọc ít mà còn viết ít. Đa số không còn viết tay nữa khi không còn đi học mà đánh máy vi tính và có phần mềm sửa lỗi chính tả hỗ trợ…

Chuyện nhỏ mà không nhỏ…

Có ai đã từng thắc mắc là vì sao các chương trình giáo dục đều bắt trẻ em phải rị mọ học chính tả trong suốt 5 năm trời và nhiều hơn thế nữa không? Vì sao mà các thế hệ trước cứ ra sức kêu gào là “Hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”?

Đơn giản là vì ngôn ngữ không đơn thuần là những mã, cốt chỉ để truyền thông, mà còn là văn hoá, là niềm tự hào của cả một dân tộc. Gìn giữ, lưu truyền và phát huy sự trong sáng và hay đẹp của ngôn ngữ chính là nhiệm vụ của bao thế hệ.

Sâu xa hơn, ngôn ngữ giúp mở rộng thế giới. Ludwig Wittenstein, một triết gia nổi tiếng người Áo, có viết: “Những giới hạn ngôn ngữ của tôi có nghĩa là những giới hạn thế giới của tôi”. Chính khi kỹ thuật in của Gutenberg phát triển mà ở Anh, từ vài nghìn từ, vốn từ tiếng Anh đã mở rộng đến hàng triệu từ nhờ việc xuất bản đại trà sách báo. Thế giới được mở rộng không ngừng và người Anh đã trở thành một cường quốc số một của thế giới cho đến tận thời cận đại.

Không đâu xa, chỉ nhìn những du khách nước ngoài đến nước ta mà thôi, hầu như đi đâu họ cũng kè kè theo bên mình những cuốn sách.     

Thâm thuý hơn, triết gia hiện sinh người Đức Martin Heidegger còn viết: “Ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể”.

Một “ngôi nhà” mà ngày càng bị thu hẹp và thủng lỗ chỗ, sai be bét thì lấy gì mà các “hữu thể” che chắn trước các cuộc “xâm thực” văn hoá từ bên ngoài?

Đoàn Đạt*

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân TP.HCM

>> Tiếng Việt hổ lốn?
>> Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
>> Cần định chuẩn cách dùng tiếng Việt
>> Tiếng Việt đang méo mó
>> Viết tiếng Việt để kết nối người Việt
>> Cấp bằng sai chính tả, trường kèm theo quyết định điều chỉnh
>> Huy chương sai chính tả
>> Học sinh sai chính tả tràn lan
>> Sai ngữ pháp + sai chính tả = mật khẩu mạnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.