Thỉnh thoảng tôi gặp vài người từng cư ngụ nhiều năm ở không gian sống đặc biệt này. Họ quen với không khí buôn bán tấp nập, cảnh trai thanh gái lịch dạo chơi cuối tuần và chứng kiến những biến động của thành phố. Họ tình cờ trở thành người lưu giữ ký ức về thành phố này.
Sài Gòn đối với chú bé Phú Nguyễn của thời gian trước và sau 1945 là thành phố của những biến động thời lụi tàn của nhà nước thực dân. Nhà Phú trong con hẻm số 4 đường Espagne (Lê Thánh Tôn). Từ nhà, chỉ mấy bước đi bộ là đến cửa hàng của mẹ ở chợ Bến Thành. Từ trước năm 1945, bà đã có một gian hàng chuyên bán giày dép các loại, từ bình thường đến cao cấp.
Những ngày đó, Sài Gòn còn yên bình. Sáng sáng trên đường Espagne gần chợ Bến Thành có quán cà phê và điểm tâm của người Hoa. Hầu như mọi người ở khu này trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới, đều ghé vô, gọi “tài phú” mang đồ ăn ra: bánh bao, xíu mại, dầu cháo quẩy và một ly cà phê “xây chừng”. Khách ngồi xổm trên chiếc ghế đẩu thô sơ, cầm ly “cà phê vớ” cho vô muỗng đường, ngoáy lên rồi đổ cà phê ra dĩa để húp. Húp hết lại đổ tiếp. Tiệm này buổi sáng rất đông thực khách, nếu người đến trước kêu món mà tài phú bưng ra cho người đến sau, khách phát hiện chẳng cần khiếu nại mà thẳng thừng tát bốp vô mặt tài phú rồi mới lên tiếng chỉ cho thấy lỗi của anh ta. Tài phú vừa xoa má, vừa xin lỗi không một tiếng cự cãi và cũng không ai can thiệp. Tuy nhiên, khi có trường hợp một anh Chà Và (người Ấn) hay một anh Tây civil (dân sự) ăn uống xong bỏ chạy, chỉ cần tài phú la lên một tiếng, cả chục người rượt theo nắm đầu tên ăn quỵt đó, nện cho ra trò…! Đó là ý thức về sự công bằng và sòng phẳng của người Sài Gòn thuở đó.
Thời đó, nếu ai có việc cần đi lại trong nội đô thì nên đi vào giờ hành chánh. Sau bữa ăn trưa, khó mà tìm được một chiếc xích lô để di chuyển. Gặm xong ổ bánh mì hay tô hủ tiếu, lưng lửng bao tử rồi, các bác tài xích lô đạp hoặc xích lô máy sẽ tìm bóng cây rợp mát, kéo mui lên, ngồi chéo nguẩy trên xe, mở tờ báo ra đọc. Nếu có ai gọi xe đi sẽ nhận được câu trả lời gọn lỏn: “Đủ sở hụi rồi, đang nghỉ trưa, hổng có đi!”. Vào giờ nghỉ trưa, hầu hết chủ các sạp bán báo và sách truyện, quán xá vỉa hè nằm dài ngay bên cạnh hàng hóa của mình đánh giấc ngon lành, chẳng sợ ai đi ngang qua thó món này món kia.
Do biến động thời cuộc năm 1945, sạp hàng của mẹ Phú bị cháy, đành chia tay ngôi chợ Bến Thành. Cha dượng mua được căn kiosque ở số 2 đường Lacotte (Lê Lai). Phú được mẹ cho 100 đồng làm vốn mua mấy chục bao thuốc lá các hiệu Bastos, Camelia, Cotab... ngồi bán trước cửa nhà ga Sài Gòn, cách kiosque chừng 50 mét. Một ngày tháng 5 năm 1949 hay 1950, lính Lê Dương thẩy một trái lựu đạn vô trước cửa "nhà" (kiosque) của gia đình Phú rồi ào vô cướp phá. Hôm đó, chúng được chính phủ Pháp cho tự do phá phách một ngày ở Sài Gòn. Chúng đập cửa tiệm vàng nổi tiếng Nguyễn Thế Tài ngoài mặt tiền đường Espagne, hốt hết đồ nữ trang rồi ra bồn binh (không gọi bùng binh như sau này) trước cửa chợ Bến Thành trải báo ra bán từ một đến năm, mười đồng một món nữ trang.
Khoảng thời gian đó, suốt từ đầu đến cuối con đường Amiral Courbet (Nguyễn An Ninh) là xóm gái mại dâm được phép hành nghề. Xóm này thường chỉ có lính Tây lui tới. Ban ngày, các cô ngủ vùi, đến 5, 6 giờ chiều họ bắt đầu trang điểm, ra đứng đón khách dọc hai bên đường. Đúng ngày lính Lê Dương được tự do phá phách ở nội thành, xế chiều, sau khi say bí tỉ, bọn lính tấn công vô xóm này. Các chủ tiệm gọi điện thoại cầu cứu hiến binh. Sau một lúc, một chiếc GMC của hiến binh chạy đến đậu ngay đầu đường, cỡ một tiểu đội hiến binh người Pháp và Việt chạy vào xóm. Có một tên quan ba chệnh choạng chạy ra. Mấy tay hiến binh tiến lại gần đứng nghiêm giơ tay phải lên chào và thò tay trái giật phăng cái lon ba gạch (quân hàm đại úy) bỏ túi rồi chia làm tứ trụ quây tên quan ba vô giữa, mỗi anh tặng cho hắn những quả đấm hết sức mình, sau đó cùng nắm hai tay, hai chân nhấc tên quan ba lên đánh võng lấy trớn và quăng lên thùng xe GMC chở về đồn. Lúc đó kiosque của nhà Phú ở số 2 Rue Lacotte (Phạm Hồng Thái) ngay đầu đường Amiral Courbet (Nguyễn An Ninh) nên chứng kiến từ đầu. Thằng nhóc khoái quá, thấy đến "ông" quan ba người Pháp mà còn bị một anh lính trơn hiến binh nện cho một trận về tội phá rối trật tự công cộng.
Đến đầu thập niên 1950, cuộc sống khu vực trung tâm yên ổn hơn. Đến năm 1953 khi Phú rời Sài Gòn, các cửa hàng buôn bán vẫn chưa rầm rộ như sau này, lưu thông rất êm đềm chứ không bon chen như sau thời gian chiến tranh giữa hai miền. Thời đó chạy trên đường phố chủ yếu là xe “máy” (xe đạp), một vài chiếc vélo soleX, xích lô, xe ngựa, chưa có xe Lambretta, rất ít xích lô máy. Taxi thì có nhưng cũng chưa nhiều, xe điện thì chạy trong nội thành suốt ngày. Không khí buôn bán không nhộn nhịp như ở chợ Cũ đường Hàm Nghi...
Bình luận (0)