Hôm rồi viết bài đầu tiên trong loại bài Sài Gòn cố lên, có bạn đọc phản hồi dưới bài viết trên Thanh Niên Online: “Mấy hôm nay ngày nào cũng thấy Sài Gòn lập đỉnh mới, có ngày lên cả nghìn ca Covid-19. Mỗi người đều động viên thành phố thương mến của tôi: Sài Gòn cố lên! Nhưng tôi thì không muốn! Sài Gòn đừng lên đỉnh nữa!”.
Đọc phản hồi này, tôi cảm nhận được mong mỏi của bạn đọc đó. Tôi thấy nhiều người mong Sài Gòn cố lên, là cố lên về mặt tinh thần, động viên nhau lúc nguy khó.
Và, có lẽ hết thảy mọi người đều mong mỏi, mong mỏi lớn hơn hết, là phần dịch bệnh Covid-19 không những đừng “lên nữa”, mà “sạch bóng” hẳn.
Có một đặc thù...
|
Theo thống kê, 3 đợt dịch đầu, tính từ đầu năm 2020 đến đầu tháng 4.2021, thành phố chỉ gói gọn trong vòng chưa tới 200 ca, trong đó tính cả số ca nhập cảnh, mãi trong vòng 16 tháng. Đợt dịch thứ 4 này, từ 27.4 đến 6 giờ ngày 14.7 (trong vòng 2 tháng rưỡi), có 17.239 ca nhiễm trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố, 168 ca xuất viện. Riêng trong tháng 7, tính từ ngày 1.7 đến sáng 14.7, bình quân mỗi ngày phát hiện 1.140 ca nhiễm bệnh. Và riêng từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 14.7, tăng thêm hơn 2.200 ca nữa.
Cứ qua mỗi đợt xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trong cộng đồng, số ca nhiễm được phát hiện mỗi ngày mỗi nhiều, chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Xin nói thêm, đầu đợt dịch 4, số ca ban đầu cũng chỉ tính hàng đơn vị, sau đó lên hàng chục, hàng trăm, rồi đến hàng ngàn. “Đỉnh” của ca nhiễm trong vòng 2 tháng rưỡi qua, khi tôi viết bài này, là ngày 14.7, có đến hơn 2.200 ca nhiễm. Một thông tin không mấy vui, thậm chí có không ít người đã “hoảng”.
|
Thực tế cho thấy, giải pháp phong tỏa rộng, hẹp, đến giãn cách xã hội, đều được chính quyền thành phố tính toán áp dụng tùy theo thời điểm, căn cứ trên quy mô dịch, cụ thể là số ca nhiễm.
Như các bài viết trước tôi có chia sẻ, đặc thù ở TP.HCM rất khác các nơi khác. Nôm na là, nơi này cường độ kinh tế quá lớn, hoạt động giao thương quá sầm suất, nếu áp phong tỏa, hay giãn cách xã hội, mà thời điểm không đúng, không trúng, ảnh hưởng dây chuyền vô cùng lớn, không chỉ đối với thành phố này, mà còn cả nước, cả kinh tế lẫn dân sinh... Còn khi ở mức, dù rất không mong muốn, vẫn buộc phải áp dụng, đó là tình huống bất khả kháng rồi. Lựa chọn ưu tiên số 1. Và sự lựa chọn ưu tiên số 1 đó, là bất khả kháng.
Nói đến vai trò rất quan trọng của thành phố, sẽ dễ hình dung khi nhắc đến một chuyện. Đó là, trong 3 tháng 5 ngày kể từ khi Chính phủ được kiện toàn (tính đến chiều 11.7), Chính phủ, Thủ tướng đã có tới 3 cuộc làm việc trực tiếp và 2 cuộc làm việc trực tuyến với thành phố. Chưa có một địa phương nào mà cường độ làm việc giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lại thường xuyên và nhiều như thế.
Đó là chưa kể đến hàng chục cuộc làm việc của các Phó thủ tướng, các bộ ngành trong quãng thời gian đó. Tất cả, đều hướng đến mục tiêu lớn, cao nhất, là đồng hành, giúp tất cả cho thành phố để sớm khống chế được dịch, và vừa chống dịch hiệu quả vừa lo được phát triển kinh tế xã hội.
|
Điều đó cũng nói lên điều gì? Tôi nghĩ nhiều người cũng nhận diện được, là việc phòng chống dịch tại thành phố, chưa bao giờ bị xem nhẹ. Chống dịch cho bằng được, không chỉ đơn thuần cho riêng thành phố, mà còn quyết định thành công trong phòng chống dịch của cả nước, nhất là các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh...
“Cố xuống” được không?
Tự trả lời cho câu hỏi này, tôi cũng tự nghĩ, nghĩ nôm na về một thực tế. Thực tế, đó là, chúng ta đang căng hết sức mình lo phòng chống dịch, lo khống chế, ngăn chặn dịch, dập dịch quy mô, trong tình thế, cũng rất thực tế, đó là không có đủ đầy vắc xin - được xem là phép màu, chiến lược căn cơ nhất để vượt qua Covid-19.
Trong tình thế không đủ đầy ngay một lúc vắc xin để đạt được điều kiện cần và đủ cho mục tiêu miễn dịch cộng đồng, chúng ta sẽ chống ra sao cho hiệu quả trước “bão” dịch? Phát hiện được F0, và kịp thời phát hiện F0 trong cộng đồng, truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị, giãn cách, phong tỏa…, các giải pháp này đã làm hết, làm triệt để, làm liên tục, không ngơi nghỉ. Không có “thần dược”, buộc phải tập trung đến giải pháp cơ học, làm tổng lực, đồng bộ, kiên trì, cả ngày lẫn đêm, tháng này qua tháng khác. Vi rút gây dịch, nó như bóng ma vô hình, hẳn không một ý chí thuần túy nào, dù là cao nhất, có thể tiêu diệt được nó.
Cả nước đang dồn sức cùng thành phố chống dịch, dồn cả nguồn lực con người và vật tư y tế. Đó là một sự tiếp sức đặc biệt cần thiết lúc này. Nội lực của thành phố, vẫn tiếp tục được bung ra ở mức cao nhất. Hàng chục ngàn F0 được thu dung điều trị. Cũng hàng chục ngàn F1 được cách ly y tế. Bao la thứ phát sinh liên quan, có thứ còn bất cập, còn chậm hóa giải khi mới phát sinh, nhưng nếu không có nội lực, đảm bảo rằng, sẽ không kham nổi. Nhiều vấn đề đang trong tầm chủ động kiểm soát, chủ động dự liệu. Còn chuyện nếu có điều chỉnh phương cách điều trị, cách ly F0, F1, cũng là thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế đã công bố.
|
Số ca nhiễm Covid-19 ở TP.HCM, được kiềm chế, được khống chế căn cơ, và trước mắt là “cố xuống”, được không? Tôi nghĩ là được, chí ít là kỳ vọng sẽ được.
Bởi, về mặt “thần dược”, thành phố đã có gần 1 triệu người đã được tiêm chủng. Chiến dịch tiêm chủng sắp tới với hơn 1,1 triệu liều dự kiến được thực hiện trong 2 - 3 tuần tới. Cả thành phố trước mắt cần tiêm cho khoảng 6 triệu người, cơ bản xem như đã có hơn 2 triệu người đã và đang được tiêm. 4 triệu người còn lại, kế hoạch phấn đấu tiêm phủ sóng trong năm 2021. Đó là một hy vọng.
Hy vọng nữa, ở đâu? Đó là quyết tâm chống dịch của chính quyền thành phố, của cả nước vẫn đang rất cao độ, vẫn quyết liệt, vẫn dốc sức không ngơi nghỉ. Góp ý chính đáng, thuyết phục của nhiều chuyên gia, cá nhân để hóa giải những bất cập phát sinh, tôi thấy cũng được chính quyền thành phố cầu thị tiếp thu, để điều chỉnh, rất trân trọng.
Và rất nhiều y bác sĩ, nhân viên y tế suốt mấy tháng trời vẫn còn nơi trận địa phòng chống dịch, chữa trị bệnh nhân, chưa về nhà. Còn có bao lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, khu phố, tổ dân phố… dốc sức lo hậu cần, ngày này qua ngày khác, cũng không ngơi nghỉ.
Nhiều người dân đã không còn chủ quan, mà đã biết “sợ”, tự điều chỉnh hành vi, nâng cao ý thức chủ động phòng tránh dịch, bảo vệ an toàn cho mình, an toàn cho gia đình mình. Ý thức 5K + vắc xin, vẫn mãi là căn cơ cho công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19.
Bình luận (0)