Bông dầu ký ức
Câu chuyện những hàng cây có tuổi đời hơn trăm năm trên các đường phố Sài Gòn có lắm điều thú vị. Nó chứa đựng một phần lịch sử của mảnh đất này, mà theo nhiều tư liệu, thì chính người Pháp khi quy hoạch các con đường Sài thành, đã huy động một lực lượng các kỹ sư và nhân công để ươm, trồng ở các con phố mới mở. Đó là khoảng cách đây 156 năm, khi vườn Bách thảo Sài Gòn (nay là Thảo Cầm Viên) được hình thành vào năm 1864, dưới sự hoạch định một “chiến lược” cây xanh cho Sài Gòn của Hội đồng thành phố. Đây chính là vườn thực vật lớn nhất Đông Dương thời ấy, và cũng là nơi ươm trồng tất cả các giống cây bản địa, hoặc được đưa từ các nước về, để trồng ở các đường phố Sài Gòn như me, bàng, sọ khỉ, sao, dầu, vấp, mét, lim, giáng hương... Nhờ vậy, chỉ tính riêng dầu cổ thụ, đến nay hiện còn khoảng 3.000 cây.
Con đường Sương Nguyệt Anh ở Q.1 là nơi còn lại khá nhiều cây lâu năm trăm tuổi, cho nên đôi khi tôi cùng bạn bè, đồng nghiệp ngồi hóng mát dưới bóng cây. Một bữa, trong ngọn nắng giữa chiều rớt lốm đốm những hạt nắng trên vai áo, một đồng nghiệp là phóng viên ảnh một tạp chí du lịch bỗng dưng kể lại kỷ niệm đẹp: “Khoảng cuối thập niên 1980, nhà tôi ở Thủ Đức và đang học lớp 9. Cứ vào mỗi cuối tuần, thường cùng thằng bạn thân đạp xe chở nhau vô Thảo Cầm Viên, cầm theo túi bóng nhặt bông dầu. Hai thằng hốt đầy hai túi, có nhiều khi xe bị tuột xích giữa đường, loay hoay sửa mãi đến tối mịt mới về đến nhà...”. “Nhặt để làm gì?”, tôi buột miệng hỏi. “Nhặt về chơi thôi. Sáng hôm sau, đem vô phát cho mấy đứa bạn trong lớp, leo lên lầu cao đứng một hàng, cầm từng bông thả xuống. Chúng cứ xoay tít hàng chục bông xuống sân, đẹp lắm. Hồi ấy, đó cũng là cách chơi tuổi học trò của bọn tôi, giờ còn nhớ mãi”. Mắt anh bạn chợt ngời lên niềm vui thơ trẻ, dù đã trải qua biết bao nhọc nhằn cuộc sống. Mới thấy, mỗi người đều lưu giữ một kỷ niệm cho riêng mình, dưới bóng những cây xanh của Sài Gòn.
Tụ hội cây xanh
Thỉnh thoảng, khi chiều xuống tôi lại rủ vài người bạn thân ghé quán trên đường Bà Huyện Thanh Quan. Ngồi trên gác, nhìn ra ngọn me rung theo ngọn gió. Có khi trời nắng, lại có lúc mưa. Nhìn không gian ấy, mới hiểu ra vì sao những hàng cây tỏa bóng đã đi vào rất nhiều bài thơ, bản nhạc tự lâu rồi.
Để những hàng cây ở các con phố tồn tại qua nhiều thập kỷ, phải trải qua nhiều giai đoạn của thời cuộc với rất nhiều công lao chăm sóc, tưới bón. Bởi vậy, mỗi khi nghe thông tin về một số hàng cây nào đó bị kẻ vô ý thức “đầu độc” vì những động cơ riêng, lại thấy dư luận thể hiện sự bất nhẫn, phẫn nộ. Ví như cách đây mấy năm, hàng chục cây sọ khỉ trên tuyến đường đẹp vào sân bay Tân Sơn Nhất bỗng dưng bị héo úa dần rồi chết, dưới gốc phảng phất mùi hóa chất. Điều này, nếu điều tra ra được thủ phạm và áp dụng biện pháp chế tài thì đã hẳn nhiên, nhưng sự việc xảy ra, nghe như sự nhức nhối về “vết thương ý thức” khó chấp nhận!
Tìm hiểu được biết, các loại cây như sao, dầu, lim, sọ khỉ, giáng hương được trồng cả trăm năm qua và bây giờ thành cổ thụ ở nhiều tuyến đường như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sương Nguyệt Anh, Lê Quý Đôn, Trần Quốc Thảo nhưng sau này, các loài cây tầng thấp hoặc thân mềm có vẻ lấn lướt. Ở các quận nội thành vẫn còn nhiều hàng me lớn tuổi, nhưng vùng ngoại ô trên các con đường liên tuyến, chủ yếu được trồng các loại cây như cầy, bằng lăng... và vì thế rất ít bóng mát. Vào năm 2000, để tìm hiểu về địa danh Gò Vấp lúc mới về cư ngụ, tôi gặp một vài vị cao niên xứ này, vốn rất yêu cây và còn giữ kế sinh nhai với một số khu đất trồng hoa. Họ cho rằng, ngày trước con đường Quang Trung (nay là trục đường chính của quận) có trồng rất nhiều cây vấp, một loài cây thân mộc vững chãi. Vì vậy, Gò Vấp thành tên gọi, theo kiểu bởi là vùng đất gò có nhiều cây vấp (hay có người nói đó là cây vắp lùn, đọc trại ra thành vấp). Những hàng cây vấp ấy, theo thời gian đã bị mất dần.
Mới đây, tình cờ đọc được một tư liệu, trong đó nói rằng năm 1865, khi được mời về phụ trách vườn Bách thảo Sài Gòn, ông J.B.Louis Pierre đã cho ươm rất nhiều giống cây nhập về từ khắp thế giới như Ấn Độ, châu Úc, châu Phi, Nhật Bản, Indonesia... Chỉ một năm sau (1866), vườn Bách thảo Sài Gòn đã ươm thành công 25.000 giống cây đủ chủng loại, sau đó chuyển cho các hương chức ở các vùng phụ cận như Gò Vấp, Chợ Lớn đem về trồng ở các con đường để lấy bóng mát, xua bớt đi cái nắng nhiệt đới, vốn là khí hậu rất “khó chịu” với người Pháp bấy giờ. Chợt lóe một liên tưởng, có lẽ cây vấp đã được đưa về trồng ở Gò Vấp từ ngày ấy chăng?
Ngoại ô chờ... bóng mát !
Mỗi ngày đi làm, khi vừa “chạm đến” các con đường ở Q.3 sau khoảng 10 cây số chạy xe, tôi thường đứng lại nghỉ ngơi một chút hưởng làn hơi mát tỏa xuống từ các hàng cây, rồi mới đi tiếp. Cũng như nhiều người vẫn ao ước Sài Gòn có thêm nhiều cây xanh trên các con phố, nhất là các quận huyện ngoại thành. Có hôm, buổi trưa nắng chạy xe từ phà Bình Khánh (tuyến Nhà Bè - Cần Giờ) trở về lại Q.1 theo con đường Huỳnh Tấn Phát. Đường mở rộng thênh thang nhưng chang chang nắng. Cây cối ven đường lèo tèo khiến cho cảm giác lớp nhựa đường như bị nung lên, ngột ngạt. Qua nhiều xã, phường với nhiều cây số vẫn chỉ thấy một màu nắng lóa. Lúc ấy, chỉ mong có được vài bóng cây xanh để dừng lại một chút!
Vấn nạn thiếu cây xanh đường phố ở Sài Gòn là một điều khó thể chấp nhận. Bởi với thời tiết ôn hòa, thổ nhưỡng thích hợp và dồi dào nguồn nước, được xem là thuận lợi cho cây trồng phát triển, thì không cớ gì lại để những con đường trơ trọi. Mặt khác, nếu trồng thêm cây xanh, tỷ lệ ngấm nước để giúp cho nạn ngập úng phần nào giảm bớt cũng là khuyến cáo của nhiều chuyên gia đô thị. Vấn đề là trồng, chăm sóc và kiểm soát nghiêm ngặt để cây không gãy đổ, gây ra hệ lụy cho con người và tài sản. Điều này lâu nay các cơ quan chức năng có vẻ như chưa chú trọng đúng mức, khiến cho nhiều khu, cụm đô thị vệ tinh mới dường như bớt đi... sinh khí!
Đem đề tài này nói chuyện với một vị kiến trúc sư luống tuổi, có nhiều trăn trở lúc thành phố đốn hạ những cây xanh lâu năm để xây dựng hạ tầng. Ông nói: “Nếu có quy định buộc các chủ đầu tư khi nâng cấp mở rộng hay xây dựng mới một con đường, trong bản thiết kế hạ tầng nhất thiết bắt buộc có trồng cây xanh hai bên thì sẽ tạo ra một con đường đẹp và rất ích lợi cho cộng đồng thụ hưởng. Tất nhiên, đó sẽ là một bản phụ lục đi kèm có trách nhiệm, như nghiên cứu khảo sát, trồng loại cây gì, chăm sóc bảo dưỡng ra sao... Vấn đề này cũng phải bắt buộc đối với các chủ đầu tư khi phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 các khu dân cư mới. Làm như vậy mới mong có nhiều cây xanh cho thành phố”.
Cũng như vị kiến trúc sư ấy, đôi lần tôi cũng nghĩ rằng việc tổ chức những cuộc tổng rà soát với quy mô lớn, có thể là 10 năm một lần để bổ sung, lên kế hoạch ráo riết cho việc trồng cây xanh trên các đường phố là rất cần thiết. Đồng thời, nếu có một quỹ danh sách tên đường đặt tên các loài cây cho các con phố nhỏ ở nhiều khu vực, chắc chắn sẽ tạo ra diện mạo riêng khó lẫn trong tổng thể chung của một Sài Gòn ngày càng đô thị hóa với tốc độ chóng mặt, đang mở rộng dần về các hướng.
Bởi, ngoài các dự án cụm đô thị có quy mô lớn được đầu tư bài bản, thì việc hình thành các khu dân cư nhỏ, có tính tự phát vẫn âm thầm tại nhiều khu vực ngoại ô. Ở những nơi ấy, việc trồng và chăm chút cho cây xanh hầu như rất ít khi được tính đến!
Bình luận (0)