Sài Gòn đôi bờ mưa nắng…

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
19/09/2020 10:00 GMT+7

Từ đại lộ Võ Văn Kiệt, đi qua hầm sông Sài Gòn - một phía sầm uất từ cả hơn thế kỷ, còn bên kia vẫn đang chuyển động với bao thứ bộn bề...

Đường đổ về sông

Nhìn lại cách quy hoạch xưa kia với các quận trung tâm Sài Gòn, hầu như không có gì để thấy không hợp lý. Những con đường dọc ngang đều đặn, rất nhiều đường đổ về phía bờ sông Sài Gòn. Sáng chiều, từ dòng sông trôi lững lờ ấy, những ngọn gió luồn theo các phố, rồi phả hơi mát vào ánh nắng gay gắt xứ nhiệt đới.
Tôi còn nhớ bao cuộc bàn thảo tại các cuộc họp của thành phố để bảo tồn các di sản diễn ra cách đây nhiều năm, lúc Q.1 chưa có nhiều cao ốc như bây giờ. Một số nhà hoạch định chính sách quy hoạch, đặc biệt là Văn phòng Kiến trúc sư trưởng hoặc Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM, hay các kiến trúc sư tâm huyết luôn phải xem xét phản biện mỗi lúc có đơn vị nào đó đề xuất một dự án cao tầng, ví như dự án tòa nhà 54 tầng ở khu vực công viên 23.9 (Q.1), rốt cuộc không thể xây dựng vì đa số phản đối. Lúc ấy, thành phố đã ký quyết định “khoanh vùng bảo vệ”, được gọi tên là “khu trung tâm hiện hữu”. Lúc đầu là 800 ha, bao gồm Q.1, Q.3 và một phần Q.Bình Thạnh, rồi sau này mở ra rộng hơn, lên 930 ha. Nhưng áp lực của sự phát triển trong hơn 2 thập niên cuối của thiên niên kỷ quá lớn, dân số tăng cơ học nhanh, nên có vài khu vực lại phải trở thành đan xen cũ - mới!
Bởi vậy, khi quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm, nhiều ý kiến đã đưa ra góp ý cho đồ án quy hoạch của công ty nước ngoài trúng gói thầu, rằng phải tận dụng địa hình sông nước Sài Gòn, để làm sao thực hiện một khu đô thị mới hơn 700 ha, có đặc thù của “hồn cốt” phương Nam. Và tự bấy đến giờ, trải qua nhiều năm lận đận, nhiều hạng mục là dự án thành phần, thời gian gần đây được ráo riết thúc giục khởi động. Để sớm tạo ra diện mạo của một phía đông Sài Gòn định hình từng khu từng thửa, phản ánh sức sống năng động của một miền đất luôn ấp ủ đổi thay.

Lần lượt bắc cầu

Cho đến nay, ngoài hầm sông Sài Gòn, tính riêng những chiếc cầu mới xây dựng sau này để vượt sông Sài Gòn, đã có cầu Thủ Thiêm 1 nối từ Q.Bình Thạnh qua Q.2 với 6 làn xe, đưa vào sử dụng hơn 10 năm qua. Cầu Thủ Thiêm 2 vẫn đang được gấp rút hoàn thành, với hy vọng cuối năm 2020 sẽ xong. Đặc biệt, một cây cầu vượt bộ hành dài 360 m với biểu tượng lá dừa đang được tính đến khả năng xây dựng, để nối công viên cảng Bạch Đằng với công viên bờ sông Thủ Thiêm, giúp cư dân Sài Gòn có thể dạo bước hoặc đạp xe ngắm cảnh quan sông nước đôi bờ. Ngoài ra, trong đồ án quy hoạch qua sông, sẽ có các cây cầu Thủ Thiêm 3, Thủ Thiêm 4... Tất cả những điều ấy khiến không chỉ tôi mà nhiều người khác khi nghe thông tin, cũng hy vọng về một sự kết nối liên hoàn dần được định hình, để tạo đà cho phố thị phía bên kia bờ cùng phát triển.
Một ngày nọ tháng 7, tôi đi ngược sông. Chiếc ca nô vụt qua, lọt dưới gầm cầu Thủ Thiêm 2 đang xây dựng. Phía trên, nhân công và máy móc hối hả thi công. Những sợi dây văng tạo thành hình chữ V ngược, dần được căng đều các nhịp. Cây cầu được thiết kế rẽ 3 nhánh từ Q.1 qua Q.2 và ở đoạn chính giữa sông, hàng dây văng khổng lồ treo mắc in lên nền trời chiều lộng gió. Hình dung một ngày nào đó sang năm, cây cầu đưa bao người vượt sông qua lại, hình ảnh của nó sẽ được du khách từ khắp nơi chiêm ngưỡng, bởi thiết kế cầu được chiếu sáng mỹ thuật ban đêm, là điểm nhấn bắc qua dòng sông. Nghĩ vậy, nên trong buổi chiều ấy, dường như cảm nhận nhịp sống đô thành có chút háo hức hơn trong tôi và bạn bè cùng đi. Đặc biệt, khi nhìn bao người trẻ tuổi nối nhau nô nức xuống những chiếc tàu buýt, đi tham quan ngược sông từ bến Bạch Đằng lên hướng Linh Đông.
Sài Gòn đôi bờ mưa nắng…1

Cầu Thủ Thiêm 1

ẢNH: ĐỘC LẬP

Nhưng tôi đặc biệt khá ấn tượng khi được xem qua bản phối cảnh cầu Thủ Thiêm 3, tọa lạc ở vị trí khá đẹp của sông Sài Gòn, bắt đầu từ đường Tôn Đản (Q.4), băng qua đường Nguyễn Tất Thành và bến Nhà Rồng - Khánh Hội, nối đôi bờ với khu đô thị Thủ Thiêm. Theo đồ án, các kiến trúc sư cho rằng đây là một cây cầu mang tính biểu tượng của Sài Gòn một khi được xây dựng, bởi đường dẫn hai đầu cầu là hai vòng cung tròn trịa độc đáo, từ dụng ý rất mỹ thuật của nhà thiết kế.

Về một tương lai

Bao năm tháng đi về, đôi lúc lại thoáng nghĩ đến tương lai của đôi bờ dòng sông miệt mài chảy. Đó là một ngày dừng chân tạt vào ngôi quán có tên Ẩm thực cốc ở phía P.Bình An (Q.2) với vài người bạn. Phía sau quán là một bờ bao được quây quanh bằng một vòng tôn khá dày, để khoanh lại các dự án sẽ thành khu dân cư mới. Trong tiếng ễnh ương hòa điệu với cơn mưa chiều trên một bờ rạch nhỏ, biết rồi nơi ấy mai mốt sẽ trở thành phố, thành nhà.
Cũng như nhiều người tìm kiếm cuộc mưu sinh xứ này, bao năm qua nhiều nơi với vùng đất phủ cỏ hoang rau dại, rốt cuộc những cuộc di cư đã biến thành ra phố phường. Có khi, trong tâm thức vẫn như nghe mùi khói đốt rơm trên mảnh ruộng ngày nào gần với con đường đất vòng vèo thuộc P.Tân Chánh Hiệp (Q.12). Đã lâu dường như bẵng quên, một ngày trở lại tự dưng nhìn thấy phố xá đề huề. Hay đôi lúc như văng vẳng nhớ giọng ông bí thư một xã cù lao Q.9 với chiếc lưng trần đầy sẹo, bởi khi xưa làm du kích “chém vè” trên sông Tắc trực thăng quần đảo bắn bị thương, rủ rê: “Chú về đây mua vài công ruộng, mai mốt san lấp lập vườn, ở cùng bọn tui cho vui”. Những chuyện đó, từ trước năm 2000, bây giờ xung quanh nơi ấy nhà cao tầng chót vót, cư dân đã gần hơn một chút với sao trời!
Bởi thế, nên đôi khi chợt nhớ tìm lại vài bài viết cách đây hơn 10 năm, lại rõ vì sao phố xá ngày càng mở rộng xa hơn đến tận nhiều vùng ngoại ô. Trong loạt bài năm 2009, đề cập đến áp lực tăng dân số cơ học, khiến cho đô thị phải đối diện với nhiều thứ hệ lụy, như sau: “Theo số liệu tổng điều tra dân số ngày 1.4.2009, TP.HCM có 7.123.340 người. So với 10 năm trước, dân số thành phố tăng thêm 2,086 triệu người (tăng 41,4%) và chiếm 22% số dân tăng thêm của cả nước. Mật độ dân số bình quân 3.400 người/km2, tăng bình quân 1.000 người/km2, so với 10 năm trước là 2.404,4 người/km2” (trích loạt bài TP.HCM và những hậu quả từ áp lực tăng dân số, năm 2009).
Rồi, tỉ mẩn đem so sánh với năm 2019, mới thấy sự dịch chuyển cư dân đến Sài thành luôn là áp lực và ngày càng lớn. Điều này khiến nhiều nhà quản lý phải tìm đủ phương án để nhìn xa nữa về hướng tương lai. Chẳng hạn, bài báo của một PV đăng trên Thanh Niên, có viết như sau: “Tính đến 0 giờ ngày 1.4.2019, dân số TP.HCM có hơn 8,99 triệu dân, có 2,9 triệu hộ, là thành phố đông dân nhất cả nước, chiếm tỷ lệ 9,35% và hơn 50% dân số vùng Đông Nam bộ. Mật độ dân số bình quân 4.292 người/km2. Mỗi năm thành phố tăng cơ học từ dân nhập cư khoảng 200.000 người. Do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nên đô thị luôn đối mặt tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe, ngập nước... với áp lực ngày càng căng thẳng” (trích bài Nhiều quận huyện ở TP.HCM có dân số lớn hơn một tỉnh, ngày 12.10.2019).
Như vậy, qua 2 đợt thống kê trong 20 năm, Sài Gòn tăng khoảng hơn 4 triệu dân, chưa kể một số lượng người khá lớn được xem là “vãng lai”, khó thống kê hết được!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.