Tập sách gom niềm thương nỗi nhớ Sài Gòn

Phạm Thu Nga
Phạm Thu Nga
14/06/2020 06:24 GMT+7

Những năm gần đây đã có nhiều cuốn sách viết về Sài Gòn - TP.HCM ra đời.

Nhưng có lẽ chưa có cuốn nào mang muôn màu cảm xúc như Sài Gòn - Thành phố tôi yêu, cuốn sách tập hợp những bài viết hay nhất từ một cuộc thi khá đặc biệt: thi viết về Sài Gòn do Báo Thanh Niên tổ chức.
Tôi đã ngắm rất lâu bức tranh bìa của tập sách. Nó không có những kiến trúc biểu tượng nổi tiếng của Sài Gòn, cũng không có khuôn mặt một thị dân Sài Gòn nào cụ thể. Tranh chỉ vẽ một đoạn phố nhỏ, nhưng thật lạ, nhìn tranh, ta cảm nhận ngay đây là một con phố Sài Gòn, cảm nhận nhịp sống Sài Gòn, và cả hồn đô thị Sài Gòn phảng phất. Hỏi ra mới biết, tác giả bức tranh bìa (và những tranh minh họa trong tập sách) là họa sĩ Phạm Công Tâm, một người đã gắn bó với thành phố này hơn nửa thế kỷ.
Và 87 bài viết tuyển chọn từ gần 822 bài tham gia cuộc thi cũng là những bức tranh mang cảm nhận riêng biệt của mỗi tác giả về Sài Gòn như thế. Sài Gòn, với họ, không phải là một “hòn ngọc Viễn Đông” chung chung, mà họ yêu Sài Gòn từ những kỷ niệm, cảm xúc, trải nghiệm rất đỗi bình dị, cụ thể và riêng tư.
Với một chàng trai trẻ thì Sài Gòn là những con đường thơm mùi hoa buổi sáng, nơi anh chở người con gái anh yêu đi giao hoa cho các cửa hàng (Những nẻo đường thơm - Phan Xuân).
Một người đàn ông đã vào Sài Gòn học tập và lập nghiệp hơn 20 năm vẫn nhớ mãi những ấn tượng tốt đẹp buổi đầu về người Sài Gòn hào hiệp (Quán cơm bình dân cô Thu làng đại học - Nguyễn Đước).
Một tác giả là dân nhập cư “tích cóp vay mượn cũng chỉ mua được một miếng đất nhỏ ở xóm nghèo nằm kề bên sông Sài Gòn lộng gió” thì kể về cuộc sống cùng những người hàng xóm mới vừa vui vừa ấm áp nghĩa tình (Phố nhà quê - Nam Anh). Một tác giả khác lại rưng rưng nhớ tiếng “cưng” lạ lẫm mà mình được gọi khi vào Sài Gòn (Rưng rưng “cưng xạo bà cố” - Diên Khánh)... Và một người đã không còn ở Sài Gòn, thì khi xa rồi “mới biết lại nhớ Sài Gòn da diết đến mức nào. Mỗi khi ghé quán nhỏ ven đường, đôi lần lặng yên lắng tai muốn nghe thấy tiếng gõ quen thuộc vọng lại từ phía xa của người bán hủ tíu gõ đầu xóm trọ cũ nơi Sài thành. Nhưng chẳng thể đi đâu để nghe lại tiếng gõ quen thuộc ấy ngoài những đêm ở Sài Gòn” (Sài Gòn, ai đi xa cũng phải nhớ - Hà An).
Trong quá trình nhận bài dự thi, Ban tổ chức cuộc thi rất cảm động khi đọc những lời cảm ơn từ rất nhiều tác giả, rằng nhờ có cuộc thi mà họ có dịp bày tỏ niềm thương nỗi nhớ với Sài Gòn - TP.HCM. Sài Gòn - Thành phố tôi yêu gom lại tâm tình ấy của những người “bởi thương Sài Gòn, người ta mới tha thiết trở về, gắn trọn cuộc đời với nó mà bỏ qua những khói bụi, kẹt xe, chen chúc…” (Sài Gòn, còn thương thì về! - Tống Phước Bảo). Sách do NXB Hồng Đức - Báo Thanh Niên và VanLangBooks phát hành.

Lễ trao giải cuộc thi viết Thành phố tôi yêu và phát động cuộc thi Thương nhớ miền Trung

Do diễn biến của dịch Covid-19 nên đến nay, lễ trao giải cuộc thi viết Thành phố tôi yêu mới chính thức được diễn ra, vào 9 giờ ngày 20.6 tại công viên văn hóa Đầm Sen, TP.HCM. Cùng với các tác giả đoạt giải cuộc thi, ban tổ chức cũng đã mời những tác giả có bài viết được chọn in sách đang sinh sống, làm việc, học tập tại TP.HCM đến tham dự (các tác giả ở địa phương khác sẽ được ban tổ chức gửi sách biếu và nhuận bút sau).
Hồ Trung Dũng, Hoàng Trang ẢNH: NSCC

Hồ Trung Dũng, Hoàng Trang

ẢNH: NSCC

Cuốn sách Sài Gòn - Thành phố tôi yêu tập hợp 87 bài viết được tuyển chọn từ 822 bài dự thi (do NXB Hồng Đức - Báo Thanh Niên và VanLangBooks phát hành), sẽ chính thức được ra mắt trong lễ trao giải này.
Song song đó, ban tổ chức sẽ phát động cuộc thi viết mới: Thương nhớ miền Trung, diễn ra từ 20.6 - 20.10.2020.
Lễ trao giải có sự tham gia giao lưu của các nhà văn, nhà thơ là thành viên ban giám khảo cuộc thi: nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa, nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận; sự tham gia biểu diễn của ca sĩ Hồ Trung Dũng, Hoàng Trang - Nguyễn Đông.

“Ừ thì, Sài Gòn mà, thương nhau mà sống”

Ảnh: NVCC

Có những cuộc thi không quá ồn ào trong dư luận, không tạo hào quang để thu hút người dự, nhưng chứa đựng nhiều cảm xúc, khơi dậy những góc sâu kín trong suy nghĩ, trong tâm hồn của người dự thi và người chứng kiến. Đọc được những bài viết tham dự cuộc thi Thành phố tôi yêu của Báo Thanh Niên, tôi nghĩ cuộc thi này có được điều đó.
Những bài viết ngắn này có những góc nhìn lạ, riêng tư và bất ngờ của độc giả khắp nơi, không chỉ từ Sài Gòn. Mọi cảm xúc về thành phố này, nơi đang sống hay chỉ ghé qua, nơi đã từng ghét, từng hụt hẫng và từng thất bại, nơi đã từng hay đang tận hưởng hạnh phúc, nơi nhận nhiều bài học để lớn dần lên, cũng là nơi đang thay đổi từng ngày qua mắt nhìn một người cố cựu, kiểu gì cũng là câu chuyện về một thành phố mà những người từng sống qua luôn đọng lại cảm giác trân trọng về sự cởi mở và rộng lòng tiếp nhận, về sự bộc trực và cảm thông với những dị biệt để rồi mang đến sự hòa hợp, gắn bó, thân thiện giữa những người khác biệt, khi đã tụ lại với nhau.
Câu “Ừ thì, Sài Gòn mà, thương nhau mà sống!” trong một bài dự thi, như được thốt ra rất tự nhiên và chân thành, khái quát về tính cách Sài Gòn.
Nhìn lại và suy ngẫm về nơi mình sống là nhu cầu của mỗi người, nhưng có khi từ nhiều góc nhìn của người khác, chúng ta mới có được cái nhìn trọn vẹn ở mức nào đó. Cuộc thi đã giúp chúng ta điều đó.
Nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận

Nơi chốn vun trồng tình người

Ảnh: NVCC

Nơi chốn này, con người ta đã thương nhau, nương nhau mà sống, dù xa lạ, lần đầu gặp gỡ nhưng như đã thân thiện. Tính cách ấy, không phải bây giờ mới có, đã định hình: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi” (Huỳnh Văn Nghệ). Bây giờ, dù Sài Gòn đã khác trước, đã hiện đại hóa, nhưng biểu hiện của tình người vẫn bền theo năm tháng. Chính điều này đã làm nên hồn cốt, cốt cách của cư dân vùng đất này, dù sinh ra tại đâu nhưng một khi đến với Sài Gòn, từ trong sâu thẳm tình cảm người ta có được tính cách cao thượng ấy.
Lý giải điều kỳ diệu này, có nhiều hướng mà Thành phố tôi yêu là một thí dụ sinh động. Thành công lớn nhất của cuộc thi, theo tôi vẫn là những nét đẹp bình dị trong dòng chảy từng ngày, tưởng rằng lạnh lùng, vô cảm nhưng ẩn giấu trong sâu thẳm vẫn là sự mở lòng bao dung, vẫn giữ được nếp sống thân thiện trở thành nơi chốn vun trồng tình người.
Nhà thơ Lê Minh Quốc

Một thành phố đầy hương…

Ảnh: NVCC

Thật là khó khi phải chọn bài hay nhất trong những bài vào chung khảo.
Bài nào cũng hay, cũng gợi lại được hình ảnh của một Sài Gòn ấm áp nghĩa tình.
Người viết từ nhiều vùng miền đã đến và đã sống với sự cưu mang đùm bọc của người Sài Gòn nghèo khó nhưng đầy tình người. Đến bây giờ họ đã không thể quên dù một chút tình, một chút nụ cười trong tô mì gõ giữa khuya phố vắng. Sài Gòn có đầy hương trong bài viết của các bạn...
Nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa
N.Vân (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.