Sài Gòn đã đi theo quy luật đó, thành phố có rất nhiều phòng khiêu vũ duyên dáng và có cả một rạp hát được trợ cấp. Vui chơi cũng là một phần của khuôn khổ nền nếp, vậy nên trong suốt mùa khô là sáu tháng hoạt động của rạp hát góp phần biến thủ phủ của chúng ta thành thành phố thuộc địa thanh lịch nhất.
Rạp hát (théâtre) hiện nay dù chỉ mới tạm thời nhưng không thiếu tiện nghi. Đoàn lưu diễn cũng giống mọi đoàn xuất cảng. Có những gánh diễn tuyệt vời nhưng họ thường đã thành danh từ lâu. Những giọng nam cao đã bị vỡ, những nàng Marguerites đã hơi già. Những gánh khác mới vào nghề lại bị lóa mắt vì những giao kèo béo bở.
Nói nghiêm túc thì, với những nhược điểm đó, người ta vẫn trình diễn những vở opera lớn một cách chuệch choạc… Hài kịch là món được ưa chuộng trong suốt mùa diễn và ca kịch nhẹ thu hút nhiều khán giả hơn hết.
Chính quyền thành phố hào phóng trợ cấp cho rạp hát mỗi năm khiến cho các châu thành lớn hết sức vui mừng.
ĐUA NGỰA - ĐUA XE BÒ
Người Sài Gòn thích vui chơi; hiệp hội đua ngựa (société des courses) là một biểu hiện xác đáng cho tinh thần ấy.
Sài Gòn có trường đua nhỏ Longchamp [nằm ở góc đường Verdun (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám) và Général Lize (nay là đường 3 Tháng 2), cạnh Doanh trại Pháo binh Thuộc địa (nay là Bộ Tư lệnh TP.HCM)]. Trường đua rất đẹp nằm trên một đồng cỏ lớn lộ thiên. Đường đua hình bầu dục có vẻ như đã được cơi nới cho các cuộc đua của những chú ngựa "búp bê". Những chú ngựa nhỏ An Nam đáng thương, ngoan ngoãn trước những cỗ xe nhẹ tênh bon bon trên những con đường tươi đẹp của thành phố, trông chúng thật đáng thương trên đường đua bị những nài ngựa không chuyên An Nam quất roi da và gắn bờm giả như những con khỉ làm xiếc.
Bất chấp sức hấp dẫn không thể phủ nhận của môn thể thao này, tôi vẫn không tin là giống ngựa nhỏ bé này được lợi gì từ việc bị bóc lột sức lao động, và khoản trợ cấp hào phóng dành cho hiệp hội đua ngựa, theo ý tôi, sẽ tốt hơn nếu dùng để xây dựng các trang trại nuôi ngựa ở Nam kỳ lục tỉnh, đặng có ngựa cho ra ngựa, trước khi nghĩ tới tổ chức các cuộc đua.
Quả thực ngựa càng ngày càng hiếm và do đó càng đắt đỏ. Cao Miên có các giống ngựa đẹp nhưng sinh sản không đều; sợ rằng phải tự tính trước sẽ đến lúc không còn ngựa ở thuộc địa nữa. Giống ngựa nhỏ mạnh mẽ, bền bỉ và dễ điều khiển đến nỗi trẻ con cũng có thể thắng vào xe được, xứng đáng thu hút sự quan tâm của cơ quan công quyền, theo thể thức đã đề ra.
Nếu như xe kéo tay "pousse-pousse" phải thích nghi với Sài Gòn thì xét từ góc độ thực tế, người ta sẽ không tiếc nuối nhiều nếu giống ngựa này biến mất; nhưng mọi nỗ lực bỏ ra cho đến nay nhằm áp dụng phương tiện giao thông này vẫn là vô vọng.
Lý do của tình trạng này khá buồn cười: người An Nam tuyệt đối không chịu kéo xe chở một người Hoa, người Hoa cũng không chịu làm tài xế cho người An Nam. […] Người An Nam có tự tôn chính đáng để không phục vụ một người Hoa.
Mặt khác, người Hoa ở Nam kỳ không đông đảo như ở Bắc kỳ, khu vực cận kề với Trung Hoa. Người Hoa đi làm ăn xa quê sẽ không bằng lòng làm một công việc khó nhọc và thù lao bèo bọt như vậy.
Và có lẽ thứ thuế mà chúng ta áp cho mỗi người Hoa chẳng đủ để thu hút những phu phen đáng thương chỉ có mỗi nghề kéo xe làm thu nhập.
Những lý do trên đã khiến cho mọi nỗ lực đưa xe kéo vào hoạt động trên khắp nẻo đường thành phố rơi vào thất bại. Tôi không nói đến những ý kiến của các chuyên gia bàn về phương diện nhân phẩm vì lẽ tự nhiên họ phải phản đối việc nhìn thấy một con người kéo xe cho một con người khác. Chính quyền thuộc địa đã không lắng nghe giãi bày tâm tư tình cảm của những nhà hảo tâm kia và đó chính là những trở ngại duy nhất khiến cho xe kéo không được lưu thông như ở mọi thành thị Viễn Đông khác. Tôi thừa nhận rằng tư tưởng nhân đạo của bản thân không ngăn tôi mong muốn Sài Gòn sẽ có loại hình giao thông thuận tiện và rẻ tiền này.
Hiệp hội đua ngựa thậm chí có thể thêm vào chương trình họp của họ một chủ đề lý thú sau: thi đấu xe kéo tay.
Chẳng phải thành phố đã có những cuộc đua xe bò sao! Nó là một trong những thứ kỳ khôi nhất mà tôi từng thấy. Có chừng hai chục chiếc xe bé tí cùng một kiểu dáng đặc biệt đứng xếp hàng. Mỗi xe được thắng hai con bò Cao Miên bằng dây thừng lớn, buộc vào cái ách có càng dài, khéo léo đặt trên cặp sừng.
Xe bò được trang trí cành cọ, cài thêm nhiều lục lạc và chất đầy người An Nam. Ngay khi tín hiệu xuất phát vang lên, những chiếc xe kỳ cục này cùng lao đi tạo thành một âm thanh ầm ĩ, lục lạc khua leng keng, những người bản địa cầm gậy dài cổ vũ cho tiếng reo hò và nhất là cho những con vật khốn khổ đang phi nước đại một cách điên rồ, tứ tung. Vật, người và xe lao vào nhau, lộn nhào, bật dậy. Cuộc đua lạ lùng này kéo dài niềm vui điên loạn của khán giả chừng mươi phút. Sau khi hai hoặc ba chiếc xe tới cọc đích, nhận giải thưởng vì sự cố gắng, thì những xe còn lại đã ngã quỵ hoặc lao khỏi rào chắn đường đua về khắp hướng. Điều lạ lùng nhất là trò chơi hăng máu này chưa từng gây thương vong, mà cũng chẳng có con bò nào bị lòi bụng!
Dĩ nhiên đây là một ý tưởng hài hước tuyệt vời, và nếu như hiệp hội đua ngựa không cố gắng cải thiện giống ngựa thì ít nhất cũng nên tìm cách lấy trâu bò làm vui. (còn tiếp)
(Thư Nguyễn trích dịch từ tạp chí Le tour du monde năm 1893)
Bình luận (0)