Sài Gòn - Gia Định một thời để nhớ - Kỳ 7: Xem tuồng ta ở nhà hát Tây

17/07/2015 06:08 GMT+7

Năm 1918, chính quyền Pháp thấy nhà hát Lớn bỏ không vô ích nên chấp nhận cho mấy đoàn hát của người Việt tới trình diễn tuồng ta.

Năm 1918, chính quyền Pháp thấy nhà hát Lớn bỏ không vô ích nên chấp nhận cho mấy đoàn hát của người Việt tới trình diễn tuồng ta.
Nhà hát Tây xưa, nay có tên gọi là Nhà hát TP.HCM - Ảnh: Quỳnh TrânNhà hát Tây xưa, nay có tên gọi là Nhà hát TP.HCM - Ảnh: Quỳnh Trân
Trước năm 1863, tại Sài Gòn chưa có nhà hát Lớn (nhà hát Tây) mà chỉ có một ngôi nhà khá rộng, cột gỗ, lợp lá dừa của người Việt dựng lên ở ngay khu đất chỗ nhà hàng Caravelle hiện nay, dùng làm nơi diễn tuồng cổ trong dịp tết, ngày lễ cho người Việt tới giải trí.
Người Pháp thì dùng sảnh đường của Tòa Đô chính (dinh Xã Tây) để diễn kịch và khiêu vũ. Tờ Illustration xuất bản ngày 13.6.1863 có bài tả lại một buổi diễn tuồng Tây ở sảnh đường Tòa Đô chính như sau: “Căn phòng rộng lớn ấy trang hoàng lộng lẫy, cờ xí treo đầy (dĩ nhiên là cờ tam sắc xanh, trắng, đỏ là quốc kỳ của Pháp quốc). Dọc theo các hàng cột có treo những lồng đèn càng tăng thêm vẻ long trọng và trang nghiêm”.
“Họa đồ lấy kiểu bên thành Ba-ri”
Những năm sau đó, người Pháp sang mỗi ngày một đông: các cố đạo, viên chức, sĩ quan, binh lính, thợ thuyền và Pháp kiều... tới buôn bán mở nhà hàng, hãng buôn... nên chính quyền Pháp nghĩ đến việc phải xây dựng riêng một nhà hát bề thế để dành cho người Pháp có chỗ xem kịch, khiêu vũ, chiếu bóng...
Năm 1883, viên Thống soái Pháp lúc bấy giờ là Hoeffel đang trị nhậm xứ Nam Kỳ đã đem việc dự định thiết lập một nhà hát Lớn ra thảo luận với những viên chức Pháp đang làm việc tại Sài Gòn. Việc xây dựng được chấp thuận về nguyên tắc, duy chỉ có việc chọn địa điểm thì chưa quyết được nên việc xây dựng nhà hát bị đình lại. Cho tới nhiều năm sau, khoảng năm 1891, các quan chức Pháp đang trị nhậm tại Sài Gòn lại đem việc xây dựng một nhà hát Lớn ra bàn và lần này họ đã chọn được một khu đất rộng nằm ở gần nhà hát của người Việt. Khu đất này nằm giữa đường Catinat (nay là Đồng Khởi) và cuối đường Lê Lợi. Nhà hát Lớn được khởi công xây dựng vào năm 1898 do ông Ferret - một kiến trúc sư người Pháp thực hiện.
Việc trang trí bên trong được giao cho một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ rồi gửi về VN để theo nguyên đó mà thực hiện. Vì vậy, cụ Nguyễn Liên Phong có mấy câu thơ: “Nhà hát cất giữa Châu thành/Họa đồ lấy kiểu bên thành Ba-ri (Paris)”.
Ngày 17.1.1900, nhà hát Lớn khai trương. Năm 1902, người Pháp nhân dịp khai trương một số cơ sở công cộng tại Sài Gòn và mấy tỉnh ở Nam Kỳ đã cho tổ chức tại nhà hát Lớn một đêm đại nhạc hội thật linh đình chưa từng thấy.
Buổi đại nhạc hội này có một số nghệ sĩ từ Paris sang diễn, sau đó quay lại Pháp. Nhà hát Lớn lại bỏ trống không thấy hoạt động gì. Cho tới năm 1914, nhà hát mới trở lại hoạt động nhưng công việc tổ chức không dễ dàng vì khi đó Pháp kiều ở Sài Gòn chưa nhiều, còn những đoàn hát ở Pháp quốc thì họ cũng không muốn sang vì xa xôi, chi phí rất tốn kém. Đi lại đường thủy tốn thời gian mà tiền thu được chẳng bao nhiêu, nếu chính quyền không trợ giúp thì lỗ.
Nhà hát Tây diễn tuồng ta
Năm 1918, chính quyền Pháp thấy nhà hát Lớn bỏ không vô ích nên họ chấp nhận cho mấy đoàn hát của người Việt tới trình diễn tuồng ta. Theo lệnh của viên Toàn quyền Đông Dương khi đó là A.Sarraut, nhà hát đã cho một đoàn hát cải lương của người Việt tới trình diễn gọi là hát khuyến cung quốc trái.
Toàn quyền A.Sarraut đã cho phép ta thành lập các gánh hát và cũng từ đó “nghề cầm ca” phát triển mạnh. Đến khi Nhật đảo chính Pháp, ở Sài Gòn, quân đội Nhật chiếm đóng nhiều nơi nên máy bay Mỹ đã tới dội bom làm sập chợ Sài Gòn, hư hại nhà thờ Đức Bà, vườn Bách Thảo và nhà hát Lớn cũng bị “ăn” bom. Kể từ đó, nhà hát Tây không còn trình diễn tuồng tây hay tuồng ta nữa mà bỏ trống vắng. Khi chiến tranh kết thúc, nhà hát Lớn lợp lại mái tôn rồi cho mở cửa lại để dùng làm chỗ triển lãm tranh, ảnh.
Đầu tháng 8.1954, có một số người miền Bắc là công chức, binh lính và tôn giáo di cư vào Nam sinh sống. Vì thấy nhà hát Lớn đang bỏ trống nên chính phủ Ngô Đình Diệm cho một số học sinh từ miền Bắc tới tạm cư. Sau này chính quyền sơn phết lại làm trụ sở Quốc hội. Đảo chính 1963, nhà hát bị bỏ trống một thời gian, tới khi tướng Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống thì cho lập hạ nghị viện và thượng nghị viện. Thượng nghị viện ở Hội trường Diên Hồng tại bờ sông Sài Gòn, còn hạ nghị viện dùng nhà hát Lớn để dân biểu tới biểu quyết.
Đến ngày thống nhất, trụ sở hạ nghị viện hoàn trả lại làm Nhà hát TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.