Sài Gòn - mãi nhớ, mãi thương

14/01/2020 09:00 GMT+7

Con nhà nghèo, quê ở miền Trung, thời đi học phổ thông, Sài Gòn với tôi... xa tít.

Sài Gòn, ngày xưa còn bé...

Con nhà nghèo, quê ở miền Trung, thời đi học phổ thông, Sài Gòn với tôi... xa tít. Trong tôi, một Sài Gòn tráng lệ, nơi những con người cao vời vợi sinh sống và làm việc. Hòn ngọc Viễn Đông chỉ là những hiểu biết của tôi qua sách vở, qua bài giảng của thầy cô, qua một số ca khúc viết về Sài Gòn.
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế, tôi được phân công vào Tây Nguyên, dạy học tại một trường huyện (cấp 3). Lúc về trường, tôi - giáo viên trẻ, em - học lớp 12; ba em nhận tôi là đồng hương. Giáo viên lúc ấy nghèo xác xơ, nhà em hay mời tôi về ăn cơm cùng gia đình trong những ngày cuối tuần, em và tôi thân thiết. Một chút nhớ, một chút thương; cô chủ nhiệm nhắc em; “lo học đi, sắp thi rồi”; đám bạn lớp em, mỗi lần tôi đi ngang qua lớp, ầm ĩ gọi thầy +... . Tốt nghiệp 12, em về học Trường Tài chính - Kế toán IV (TP.HCM), ngày em đi học, tôi và em buồn da diết. Thư nào gửi, em đều nhắc về thăm em.

Sài Gòn, nơi em yêu anh

Lần đầu tiên trong đời tôi về thành phố này, đường Tôn Đức Thắng - nơi trường em học, tôi hồi hộp đi trên con đường rợp bóng “cây cao hàng gầy”

Ảnh: Ngọc Dương

Một sáng nọ, không có giờ dạy, tôi đón xe... than (hồi ấy nhiều ô tô chạy bằng than) về Sài Gòn thăm em. Lần đầu tiên trong đời tôi về thành phố này, đường Tôn Đức Thắng - nơi trường em học, tôi hồi hộp đi trên con đường rợp bóng “cây cao hàng gầy”. Gặp tôi, em cười vui; đưa em đi ăn bò bía (một loại bánh cuốn, ít thịt, nhiều rau, nước chấm ngon), rồi đi uống nước. Hơn 9h tối, em nói; “giờ thầy đi đâu?”, tôi cười, “thầy ra bến xe miền Đông, thuê nhà nghỉ, mai về sớm”. Tháng 12, đêm Sài Gòn trời lành lạnh, em tần ngần một lúc, “thầy..., anh về nghe”. Em ra trường, hai đứa nên chồng vợ, 32 năm, giờ tôi và em đã “ông bà anh”.

Sài Gòn, tôi đi học

Năm ấy, tôi có quyết định đi học tại Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục (cơ sở 2, số 7, Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.HCM). Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm song song với đường Tôn Đức Thắng (trường em học trước đây). Tôi đi học, em ở nhà tất bật với công việc và hai con nhỏ. Nhớ em, nhớ con thật nhiều; mỗi chiều, tôi quanh quẩn qua những con đường Lê Duẩn, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thị Minh Khai, Đinh Tiên Hoàng..., lâu dần thành thân thuộc, tôi nhớ từng gốc cây, mỗi ổ gà nhỏ trên từng con phố tôi qua.

Mảnh đất, con người Sài Gòn luôn rộng mở

Ảnh: Ngọc Dương

Đi học, buổi sáng là xôi hoặc bánh mì, trưa đĩa cơm với trà đá, tối... đặc sản ba miền (học viên trong lớp từ nhiều địa phương khác nhau về học). Tôi nhớ mãi cô hàng cơm trước trường quản lý, cơm cho học viên nghèo nên cơm thêm và trà đá... thoải mái, không tính thêm tiền. Mảnh đất, con người Sài Gòn luôn rộng mở. Chủ nhật muốn về thăm em và con, phần vì đi lại khó khăn, phần ngại tốn kém, nên tôi thường ở lại. Mấy anh em chung phòng với tôi, lúc đạp xe ra Thủ Đức, lúc về mãi Tân Bình đến nhà người quen, một bữa “thịnh soạn”. Có lúc, được ít tiền, anh em rủ nhau ra quán bia hơi cuối đường Tôn Đức Thắng, chuyện trò, tranh luận học hành rôm rả. Lớp học rồi qua, ngày nhận chứng chỉ anh em bồi hồi tạm biệt nhau, tạm biệt Sài Gòn. Với tôi, Sài Gòn tôi được yêu, được học.

Sài Gòn, tôi thêm hai tổ ấm

Hai con tôi xong phổ thông là về Sài Gòn học tiếp đại học, tốt nghiệp, hai cháu làm việc tại đây luôn. Mảnh đất Sài Gòn không chỉ đáng yêu mà còn dễ sống đến lạ lùng, dễ đến mà khó chia xa. Sài Gòn nắng, Sài Gòn mưa, Sài Gòn bộn bề công việc, Sài Gòn vẫn đong đầy yêu thương.
Ngày tổ chức báo hỷ lần lượt cho hai con tôi tại Sài Gòn, tôi và em sánh đôi lên chào bạn bè con mình. Phút đó, tôi nhớ em ngày ấy, nhớ về ngày tháng tôi đi học tại Sài Gòn, mong ước các con được hạnh phúc. Tổ ấm B’lao của tôi, giờ thêm hai tổ ấm của hai con trai tại Sài Gòn; đứa nhà riêng, đứa sống chung cư trong sự bảo bọc của mảnh đất ấm áp tình người.

Sài Gòn, tôi vẫn đi về...

Vợ chồng tôi, một hai tháng về thăm con, thăm cháu một lần; có lúc tranh thủ chữa bệnh. Sài Gòn yêu thương là thế, vun đắp tình yêu của tôi, nơi con cái tôi trưởng thành và giờ là nơi ôm ấp niềm vui gia đình. Anh em đồng nghiệp hỏi tôi, về hưu rồi có về Sài Gòn ở với hai cháu không ? Tôi man mác - Sài Gòn để yêu, Sài Gòn để phát triển, Sài Gòn để sống với, Sài Gòn để nghĩ về, và, Sài Gòn còn để tôi cùng em thong dong mãi mãi...
Sài Gòn ơi, tôi mãi nhớ, mãi thương.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.