>> Sài Gòn sống đêm - Kỳ 1: Mua chỗ ngủ đêm
>> Sài Gòn sống đêm - Kỳ 2: Thân phận dưới gầm cầu
>> Sài Gòn sống đêm - Kỳ 3: Chợ “âm phủ”
Tiếng hát thế thái nhân tình
Đêm chớm khuya, dọc hai bên bờ kênh Thị Nghè trời lộng gió. Những quán nhậu ở đây “thức” đến sáng nên dân nhậu vẫn còn thong thả lai rai rất đông. Người nghệ sĩ mù ôm cây đàn đã bóng lên vì mồ hôi bao năm tháng đi hát rong, vừa dò dẫm bước đi, vừa ca một bản bolero buồn buồn trên con đường đã vắng bóng người qua lại. “Hát ơi!”, tiếng gọi từ một bàn nhậu bên đường vang lên. Người nghệ sĩ như chỉ chờ tiếng kêu ấy, bước vội tới ngồi xuống ghế, nói lời giới thiệu trân trọng y như đang đứng trên sân khấu, trước mặt là hàng vạn khán giả. Tiếng đàn, tiếng hát vang lên. Lúc đầu một mình người nghệ sĩ hát, sau một vài ly bia mời nhau, cả bàn nhậu cất tiếng hát theo. Có người cao hứng vỗ tay, gõ chén bát để phụ họa. Bao thế thái nhân tình, buồn vui cuộc sống cứ tuôn dài vào những lời ca. Rồi những bàn nhậu khác nhấc ghế đến ngồi quây quanh người nghệ sĩ mù, hát theo bài ca mình ưa thích. Những con người xa lạ tự dưng quen nhau qua tiếng đàn ghi ta và những bài ca giản dị. Sống ở Sài Gòn, chỉ cần có thế đã quen nhau, đâu cần câu nệ nhiều làm chi!
|
Cảnh ấy, không khí ấy bao năm qua đã trở thành một nét đặc trưng ở “phố nhậu” dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Khi trời về khuya, những nghệ sĩ đường phố bắt đầu ôm đàn du ca trên những con đường quen thuộc ấy. “Khi đó những tay nhậu bắt đầu ngà hơi men, thấy đời bắt đầu phơi phới nên mới muốn hát, bọn tôi mới được ngoắc vô”, nghệ sĩ Phương “mù” bộc bạch.
Sau một liên khúc về tình yêu đôi lứa, nghệ sĩ Phương nhấp nháp ngụm bia rồi trầm ngâm chia sẻ đời mình với những người bạn mới quen qua mấy bài hát. Anh tên Nguyễn Phụng Phương (36 tuổi, quê Trà Vinh). Bị mù bẩm sinh, 11 năm nay anh lên Sài Gòn mưu sinh với đủ thứ nghề, thượng vàng hạ cám nơi phố thị Sài Gòn. Rồi như một cái duyên anh đến với nghề hát rong. “Trước kia, tôi vừa đi bán vé số, vừa cắp theo cây đàn để hát cho vui. Máu mình mê hát, có cây đàn trong tay, đi khắp thành phố không biết mệt là gì. Có khi vô quán nhậu bán vé số mà tui ngồi hát luôn, quên cả thời gian. Nhiều lần như thế, thấy không ổn nên bỏ luôn bán vé số để toàn tâm sống với nghề”, anh Phương tâm sự.
Công việc của anh bắt đầu từ 21 giờ và kết thúc thì tùy hứng. Chừng nào khách nhậu hát chán, quay về mái nhà thì anh cũng vác cây đàn về với căn nhà trọ nhỏ bé của mình ở Gò Vấp. Nơi ấy, vợ và hai đứa con nhỏ của anh đang ngủ say. Bao nhiêu năm trong nghề, cũng là ngần ấy năm vui buồn, tủi nhục anh đều trải qua. Lau những giọt mồ hôi trên mặt, anh nở nụ cười giòn tan: “Mình cứ làm hết khả năng, miễn sao khách vui vẻ và thoải mái là được rồi”.
“Nghệ sĩ” công viên
Thành phố bắt đầu lên đèn cũng là lúc Công viên 30.4 vui nhộn với những bản tình ca. Đến hẹn lại lên, cứ khoảng 18 giờ, vài nhóm bạn lại đến đây, cùng nhau vui chơi, đàn hát. Đa số họ là sinh viên, số ít đã đi làm, nhưng đều có chung sở thích hát ca, kết bạn và chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống sau một ngày tất bật.
|
Chỉ với cây đàn ghi ta, những ca khúc thời tiền chiến cho đến những bản tình ca gây sốt đều được các bạn trẻ cùng nhau hát. “Nhiều lúc hát đến khàn cả giọng nhưng hôm sau vẫn đến chỉ vì quá vui”, Chúc Anh (20 tuổi, một sinh viên) chia sẻ. Trời càng tối, số người nhập vào nhóm càng đông hơn, âm thanh dường như sống động hơn và tiếng hát của những “ca sĩ nghiệp dư” lại vang vọng hơn.
An, một bạn nữ chơi trống thùng, luôn là tâm điểm của nhóm. Hầu như đêm nào cô bạn cũng đến đây, không ai ngờ đôi bàn tay mảnh dẻ của một cô bé hai mươi lại tạo nên những âm thanh sống động đến thế. Cô bạn này cũng được mệnh danh là “nam châm” hút bao ánh mắt hiếu kỳ và bao người bạn mới mỗi đêm cùng ngồi vui với nhóm. Ngoài ghi ta và trống thùng, các nhạc cụ như violon hay melodion cũng được các bạn chơi một cách thành thục. Thỉnh thoảng nhiều bạn trẻ hiếu kỳ nhanh chóng nhập vào nhóm khiến không khí thêm vui tươi, rộn ràng.
Bá Bách (24 tuổi) thành viên quen mặt của một nhóm du ca ở Bệt cà phê chia sẻ: "Mình đến Bệt cũng được 3 năm rồi, kể từ ngày mình còn là sinh viên đến khi đi làm. Lúc đầu, mình thấy một nhóm ngồi hát ca, có người chơi đàn, có người đánh trống thùng nên tò mò tham gia hát hò cho vui. Thế rồi thói quen đến Bệt hằng đêm để cùng nhau ca hát có từ lúc nào không hay. Mọi người ở đây đều vui vẻ và thân thiện, lúc đầu chẳng ai quen ai, nhưng cứ ngồi lại với nhau, cùng nhau ca hát. m nhạc tự nhiên sẽ kéo mọi người trở nên gần nhau hơn, chia sẻ những cảm xúc và giúp đỡ nhau trong cuộc sống".
Nét văn hóa Sài Gòn về đêm Dọc hai bên bờ đường Trường Sa, Hoàng Sa, hằng đêm có vài chục người hát mưu sinh. Hát để bán kẹo, bán vé số, hoặc đơn giản là chỉ để mang lại không khí ấm cúng cho các hội nhậu. Trong số đó, "nghệ sĩ lãng tử" Mạc Nhân Thế được nhiều người biết đến. Dù đã ngoài 60 tuổi, tóc đã ngả màu, nhưng hằng đêm, những giai điệu trữ tình, bài ca tiền chiến của ông vẫn làm ngây ngất nhiều bạn nhậu. Ông bảo: “Tuổi cao, cầm đàn tới các quán để mang lại lời ca, tiếng hát cho mọi người như thế cho để nhớ nghề, cũng như thấy cuộc đời còn có niềm vui”. Những lời du ca trong đêm, dường như mang hơi thở cuộc sống thành phố, tạo thành một nét văn hóa Sài Gòn về đêm. |
Công Nguyên - Thy Na
Bình luận (0)