Sai lầm của Thủ tướng Anh

Bảo Vinh
Bảo Vinh
19/10/2022 07:00 GMT+7

Thủ tướng Anh Liz Truss đã phải xin lỗi về những chính sách kinh tế gây bất ổn thị trường, giữa lúc tương lai chính trị của bà đang bị đặt dấu hỏi lớn.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC được đăng tải hôm qua 18.10, Thủ tướng Liz Truss nhận trách nhiệm và xin lỗi vì những sai lầm đã gây ra. “Tôi muốn hành động để giúp người dân với hóa đơn năng lượng của họ và xử lý vấn đề thuế cao, nhưng chúng tôi đã đi quá xa và quá nhanh”, bà thừa nhận.

Đảo ngược chính sách

Hồi tháng 9, Bộ trưởng Tài chính khi đó là ông Kwasi Kwarteng công bố chính sách giảm thuế nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nhưng bị cho là giúp người giàu hưởng lợi và khiến lợi suất trái phiếu tăng cao, bảng Anh trượt giá lịch sử so với USD giữa lo ngại nợ công của Anh sẽ gia tăng. Những bất ổn đã buộc bà Truss cách chức ông Kwarteng và bổ nhiệm ông Jeremy Hunt thay thế. Ngày 17.10, ông Hunt công bố quyết định được coi là “màn đảo ngược chính sách lịch sử”, theo đó những nội dung quan trọng nhất trong chính sách giảm thuế trước đó đã bị vứt bỏ.

Cụ thể, Bộ trưởng Hunt rút lại kế hoạch bãi bỏ mức thuế thu nhập 45% đối với những người kiếm hơn 150.000 bảng mỗi năm, không giảm thuế suất 20% đối với những người có thu nhập cơ bản cho đến khi tình hình kinh tế cho phép. Thuế doanh nghiệp vẫn sẽ tăng từ 19% lên 25% vào tháng 4.2023 dù trước đó bà Truss coi việc bãi bỏ mức tăng này là chính sách hàng đầu trong chiến dịch tranh cử. Thay đổi được tờ The Guardian đánh giá gây sốc nhất là việc chính phủ chỉ hỗ trợ chi phí năng lượng cho người dân trong vòng 6 tháng, thay vì 2 năm như kế hoạch ban đầu. Đến tháng 4.2023, chính phủ sẽ tìm phương án mới để hỗ trợ những người khó khăn nhất.

Thủ tướng Liz Truss họp báo tại văn phòng ngày 14.10

AFP

Ông Hunt ước tính những thay đổi trong chính sách thuế sẽ mang lại 32 tỉ bảng mỗi năm, nhưng số tiền này chỉ bằng phân nửa khoản thâm hụt mà chính sách trước đó gây ra. Ông Hunt gọi những quyết định nói trên là cực kỳ khó khăn nhưng cần thiết để khôi phục lòng tin vào nền tài chính quốc gia.

“Cú quay xe” lịch sử đã gây tác động tức thì lên thị trường tài chính khi giúp đồng bảng Anh tăng trở lại trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ giảm. Tuy vậy, ông Hunt cảnh báo sẽ còn phải tăng thuế và cắt giảm chi tiêu khoảng 40 tỉ bảng trong ngắn hạn.

Trong một diễn biến liên quan, tờ Financial Times hôm qua đưa tin Ngân hàng trung ương Anh nhiều khả năng sẽ hoãn kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ trị giá nhiều tỉ bảng vì thị trường còn quá biến động.

Tương lai bất định

Ngay cả khi những thay đổi lớn đã được đưa ra, Thủ tướng Truss vẫn chưa thể đảm bảo sẽ giữ được chiếc ghế của bà. Những thay đổi của ông Hunt báo hiệu sự chấm dứt không chỉ chính sách “Trussonomics” mà còn có thể là cả nhiệm kỳ thủ tướng của bà Truss, theo Đài Sky News. Vẫn chưa rõ cái kết đó sẽ xảy đến vào lúc nào, nhưng với việc “hy sinh” lựa chọn hàng đầu của bà cho chức Bộ trưởng Tài chính, cùng với sự đổ bỏ các chính sách, hiện không còn lớp hàng rào nào vững chắc bảo vệ bà Truss trước các nghị sĩ đảng Bảo thủ. Cuộc khảo sát tuần trước cho thấy bà Truss là thủ tướng có mức tín nhiệm thấp nhất lịch sử, trong khi một khảo sát mới cho thấy Công đảng đối lập đang bỏ xa các đảng đối thủ.

Ít nhất 5 nghị sĩ đã kêu gọi bà Truss từ chức và đã có những người cho rằng bà chỉ là “thủ tướng trên danh nghĩa”, còn ông Hunt mới là người nắm thực quyền. Tuy nhiên, Thủ tướng Truss tuyên bố bà vẫn sẽ tiếp tục công việc và thực hiện lời hứa với đất nước. “Tôi sẽ dẫn dắt đảng Bảo thủ bước vào cuộc tổng tuyển cử kế tiếp”, nữ thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Hunt cũng kêu gọi đảng cầm quyền cho bà Truss một cơ hội nhằm đảm bảo sự ổn định chính trị, đồng thời bác bỏ khả năng ông sẽ trở thành thủ tướng. Theo quy định của đảng, Thủ tướng Truss sẽ không phải đối diện với bất kỳ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nào trong vòng 1 năm, nhưng những diễn biến hiện nay khiến điều này trở nên không còn chắc chắn.

Anh có thể cúp điện vào mùa đông

Tổng giám đốc điều hành John Pettigrew của Công ty điện và khí đốt National Grid (Anh) hôm qua cảnh báo người dân có thể sẽ chịu cảnh cúp điện các tối trong tuần vào mùa đông này nếu các nhà máy điện không có đủ khí đốt, theo Sky News.

Chiến sự tại Ukraine và lệnh cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga đã khiến nhiều nước châu Âu bị thiếu hụt. Khoảng 40% lượng điện năng tại Anh được sản xuất từ các nhà máy điện sử dụng khí đốt làm nhiên liệu. Mặt khác, khí đốt cũng là nhiên liệu để sưởi ấm tại đa số hộ gia đình. Dù Anh không nhập khẩu khí đốt từ Nga nhưng nước này nhập khẩu điện và khí đốt từ các nước châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.