Sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ: Bị cáo Đinh La Thăng khai 'làm đúng pháp luật'

Thái Sơn
Thái Sơn
10/03/2021 05:26 GMT+7

Bị cáo Đinh La Thăng phàn nàn: 'Các siêu sao bóng đá dự bị còn được xem trận đấu, còn tôi không được theo dõi toàn bộ quá trình xét xử, động một cái đã hỏi ngay thì tôi không hiểu được'.

Ngày 9.3, phiên tòa xét xử liên quan đến sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo bị truy tố về tội 'vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng'. Được dẫn giải đến phòng xử án lấy lời khai, bị cáo Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), phàn nàn: “Các siêu sao bóng đá dự bị còn được xem trận đấu, còn tôi không được theo dõi toàn bộ quá trình xét xử, động một cái đã hỏi ngay thì tôi không hiểu được”.
Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa giải thích việc cách ly bị cáo để lấy lời khai là đúng quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo các lời khai độc lập, khách quan.

An ninh thắt chặt ngày phúc thẩm vụ án Đồng Tâm và xét xử ông Đinh La Thăng

“Cáo trạng không phù hợp với thực tế và không đúng luật”

Khai báo trước tòa, bị cáo Thăng cho rằng Chính phủ cho phép PVN được chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên thực hiện các dự án đặc thù, trong đó vốn đầu tư PVN chiếm trên 50%. “Chủ trương chung của PVN là ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành dầu khí và phải tuân theo quy định của pháp luật”, bị cáo Thăng nói, đồng thời dẫn cả Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị nêu về việc PVN cần phát huy nội lực, tăng cường doanh thu dịch vụ dầu khí, để tăng tỷ trọng doanh thu trong tập đoàn. Theo bị cáo, PVN đã thực hiện đúng kết luận của Bộ Chính trị và chủ trương của Chính phủ. Nhờ vậy, doanh thu dịch vụ của ngành dầu khí tăng lên 30 - 35%. Từ đó, bị cáo cho rằng trong dự án Ethanol Phú Thọ, bị cáo chỉ đôn đốc về mặt tiến độ, không làm thay nhiệm vụ của chủ đầu tư.
“Tôi phản bác toàn bộ bản cáo trạng, bởi nó không phù hợp với thực tế và không đúng luật. Động cơ của ngành dầu khí là vì lợi ích quốc gia. Chúng tôi làm quyết liệt là vì mục tiêu của Chính phủ”, bị cáo Thăng trình bày.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao cáo buộc, bị cáo Đinh La Thăng với vai trò Chủ tịch PVN và Trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, biết rõ liên danh của Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) - thành viên của PVN, không đủ năng lực thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, nhưng với mục đích chỉ định thầu cho PVC nên đã ban hành nhiều chủ trương, chủ trì để PVC thực hiện dự án, gây thiệt hại hơn 543 tỉ đồng.

Trịnh Xuân Thanh khai về tình tiết mua đất ở Tam Đảo

Trước đó, các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PVC và Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc), cũng lần lượt chối bỏ trách nhiệm và sự liên quan trong cáo buộc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng khai đã mua 3.400 m2 đất tại TT.Tam Đảo, H.Tam Đảo, Vĩnh Phúc với mục đích làm du lịch. Sau đó, do khó khăn nên chuyển nhượng lại cho gia đình Trịnh Xuân Thanh với số tiền 23,8 tỉ đồng. Gia đình bị cáo Thanh mới chuyển trả 20,8 tỉ đồng, 3 tỉ đồng còn lại chưa lấy được “dù đã đòi nhiều lần”.
Trong khi đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai, năm 2016 lên Tam Đảo chơi và biết công ty của Hồng gặp khó khăn chưa triển khai được dự án nên nói với vợ Thanh huy động bạn bè mua giúp hoặc giới thiệu. Sau đó, vợ Thanh với sự góp vốn của một số người, là cán bộ tại PVN và cán bộ công an, đã mua lại lô đất với dự định xây dựng khu nghỉ dưỡng. “Với vị trí Chủ tịch PVC, tôi hoàn toàn có thể lấy tiền của Đỗ Văn Hồng mà không cần phải nợ nần rồi chiếm đoạt, kể cả tôi nói Hồng mày đưa 5 tỉ thì cũng không ai biết”, Thanh nói.
Tuy nhiên, theo cáo trạng, năm 2009, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo bị cáo Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty PVC Kinh Bắc - đơn vị liên kết của PVC, mua lô đất 3.400 m2 tại H.Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, bằng nguồn tiền PVC Kinh Bắc tạm ứng tại dự án do PVC làm tổng thầu. Để hợp thức khoản tiền này, Trịnh Xuân Thanh chủ trương tăng vốn điều lệ của PVC Kinh Bắc từ 50 tỉ đồng lên 150 tỉ đồng và sử dụng khoản tiền tạm ứng nêu trên thành tiền góp vốn của PVC tại PVC Kinh Bắc.
Tiếp đó, Trịnh Xuân Thanh đề nghị Đỗ Văn Hồng chuyển nhượng lại lô đất ở Tam Đảo cho Thanh với giá 23,8 tỉ đồng, nhưng bị cáo đã lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT PVC, có ảnh hưởng đến hoạt động của PVC Kinh Bắc nên chỉ trả tiền mua thửa đất trên là 20,8 tỉ đồng, còn 3 tỉ đồng không trả.

Ông Đinh La Thăng lại hầu tòa vì liên quan đến vụ Ethanol Phú Thọ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.