Bún giò… 'toàn cầu'!
Tôi luôn thấy những hàng quán, dù bán bất kỳ loại thức ăn nào, khô hay nước, chay hay mặn, thịt hay cá…, mà đi vào lòng thực khách, ngày ngày tấp nập người ghé đến ăn, thường là thuộc diện “dù bạn không cao nhưng người khác cũng phải ngước nhìn”.
Sự “ngước nhìn” ấy chính là nét đặc trưng của món ăn, không dễ pha lẫn với những hàng quán khác. Dĩ nhiên, với ẩm thực, mỗi người một khẩu vị, một cách ăn. Có người ăn bằng mắt, mắt nhìn đẹp là thấy ngon. Có người ăn bằng mũi, hít hà thấy thơm là ngon. Nhưng cũng có người ăn bằng bụng, hễ bụng no là… ngon! Người ta cứ hay bảo nghề bán hàng ăn là “làm dâu trăm họ”, tôi nghĩ, âu cũng bởi cách ăn phong phú và khái niệm ngon - dở tùy người kiểu như thế.
|
|
Có bao giờ bạn từng nghĩ một hàng quán nào đó lấy nước dừa để nấu bún giò phục vụ thực khách? Thoạt nghe, tôi đoan chắc không ít người ngạc nhiên: “Làm gì có!”. Vậy mà ở Sài Gòn, có một quán đã khẳng định thương hiệu độc tôn của mình với cách làm đó từ… 62 năm về trước. Đó là quán bún giò heo Minh Quý nằm mặt tiền đường xuyên Á - quốc lộ 22 đi tỉnh Tây Ninh (Việt Nam), Campuchia. Quán rất dễ nhận biết vì bên ngoài quán là tấm biển chữ Minh Quý màu đỏ, nền màu vàng. Nếu đi từ nội thành TP.HCM, theo đường xuyên Á - quốc lộ 22 qua ngã 4 Hóc Môn khoảng 1,5 km, nhìn bên tay phải sẽ thấy. Địa chỉ cụ thể của quán là 8/2C ấp Thống Nhất, xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn (TP.HCM).
Nhiều người ví quán bún giò heo Minh Quý là “bún giò toàn cầu”. Lên google tìm kiếm, chỉ 0,62 giây hiện ra hơn 100.000 kết quả. Anh Hiền, chủ quán, xởi lởi nói: “Sở dĩ nhiều người ví von như thế là do trước giờ có rất nhiều đoàn khách nước ngoài ghé ăn, khi thì đoàn Nhật, lúc thì đoàn Hàn Quốc, Mỹ, Canada… Họ đến ăn thấy ngon thì quay lại đưa lên mạng chứ quán không có quảng cáo gì cả”.
|
|
Vị ngon “cực đã”
Anh Hiền kể anh là con út trong gia đình, đang cùng với người anh trai tên Quý duy trì hoạt động của quán sau khi bố mẹ đều đã qua đời. Bố mẹ anh Hiền là người gốc Huế, vào Sài Gòn từ rất sớm, mưu sinh bằng nghề bán bún giò. Quán tồn tại đã 62 năm. 8 anh chị em trong gia đình anh Hiền, chỉ có anh Hiền và anh Quý theo nghề xưa của bố mẹ để lại, 6 anh chị em còn lại đều định cư ở nước ngoài.
Có người bảo tô bún giò heo Minh Quý bây giờ không ngon bằng trước đây có mẹ anh Hiền nấu. Riêng tôi thì thấy “rất chi là đã” khi được ăn. 7 năm ở Sài Gòn, tôi có dịp đi qua đường xuyên Á - quốc lộ 22 ghé ăn 2 lần, mà bây giờ mỗi lần chợt nhớ đến thì miệng lại thấy thèm!
Thoạt nhìn, tô bún giò heo Minh Quý cũng như bao tô bún giò ở các hàng quán khác. Nhưng tinh ý dễ nhận thấy, màu sắc miếng giò khoanh, giò nạc hay móng heo đều có màu đỏ hồng ưng ửng rất khác lạ. Đặc biệt khi húp nước lèo, trong miệng liền bừng lên vị thơm, ngọt dịu dàng rất chi là sảng khoái. Nói theo ngôn ngữ tuổi teen, vị ngon rất chi là “cực đã cực cool” vậy!
|
|
|
Anh Hiền vui vẻ tiết lộ bí quyết, để có miếng thịt màu đỏ hồng ưng ửng rất khác lạ, vị “cực đã” như thế, là nhờ sử dụng nước dừa tươi để hầm thịt và nấu nước lèo, chứ không phải dùng phẩm màu hay hóa chất gì cả: “Lúc hầm và nấu đều có sử dụng nước dừa tươi. Hầm thịt thì 100% nước dừa tươi. Nước lèo thì tỷ lệ nước dừa tươi và nước 50 - 50”.
Mặc dù anh Hiền tiết lộ cụ thể như thế, cũng là nước dừa tươi, cũng là giò heo, cũng tiêu, hành, muối, mắm như thế, nhưng tôi nghĩ nếu mình bắt chước làm cũng chưa chắc được người khác khen ngon. Công thức nấu nướng món ăn thường thì dễ học, nhưng bí quyết gia truyền thì chẳng dễ dàng gì làm theo hay bắt chước được. Cũng đúng thôi, bởi để quán bún giò heo nấu nước dừa “độc nhất vô nhị” nức tiếng như bây giờ, bố mẹ anh Hiền đã chuyên tâm chắt chiu hương vị suốt cả cuộc đời mưu sinh. Nếu mình chỉ “xé nháp” đôi ba lần, thì đâu dễ có món ngon!
Mỗi ngày quán chỉ bán từ 5 giờ đến 9 giờ sáng. Tầm giờ này quán luôn đông khách, nhưng anh Hiền vui vẻ cho biết nếu thực khách có nhu cầu đặt hàng qua điện thoại, quán sẵn sàng giao tận nơi, với điều kiện “tiền xe ôm lấy bao nhiêu thì khách hàng trả”.
Bình luận (0)