Nhóm các bạn trẻ cùng đam mê dành cho hài độc thoại (Stand-up comedy: loại hình phổ biến trên thế giới với một diễn viên diễn trực tiếp trước khán giả, nói về những vấn đề của cuộc sống, xã hội hay về chính bản thân họ nhằm truyền tải thông điệp hay thể hiện sự châm biếm thâm thúy một cách hài hước) bắt đầu chính thức hoạt động cùng nhau dưới cái tên Saigon Tếu từ khoảng giữa năm 2020. Thời gian dịch Covid-19 xảy đến lúc ấy, cũng như những tháng vừa qua, chính là lúc lúc mọi người cần tiếng cười, cần “liều thuốc cho tinh thần” nhiều hơn.
|
*Con số nửa triệu người đăng ký nói lên điều gì? Đó có phải là là con số mà Saigon Tếu dự kiến/mong muốn theo kế hoạch trên hành trình mang đến tiếng cười cho khán giả?
- Uy Lê - Trưởng nhóm Saigon Tếu: Với nhóm, 500.000 lượt đăng ký kênh YouTube thể hiện sự ủng hộ rất lớn đến từ các khán giả của Tếu. Chúng tôi luôn có kế hoạch để phát triển, nhưng sự ủng hộ này trên cả mong đợi.
Cùng với sự tăng trưởng đó là sự lo lắng của team. Nhóm xuất phát đều là những người... chơi phong trào và làm cho vui. Nhưng khi lượt follow và lượt xem tăng cao, nhóm bắt đầu cảm giác được mình có trách nhiệm một phần với nội dung mình đang muốn chia sẻ với khán giả, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam. Những người theo dõi Saigon Tếu từ những ngày đầu chắc cũng có thể thấy là cả về nội dung và cách thể hiện của mỗi diễn viên bắt đầu có sự tiến triển và thay đổi.
Trong suốt mùa dịch thì việc biểu diễn và sáng tạo nội dung cũng khó khăn hơn. Nhưng vì hiểu sự quan trọng của việc giữ tiếng cười và sự lạc quan trong những ngày này, nhóm vẫn tiếp tục cố gắng phát triển nội dung mới.
* Để đạt con số này, cũng như để ngày càng "phủ sóng" trong cộng đồng người xem, nhóm đã triển khai các kế hoạch sản xuất chương trình hay giao lưu-kết nối với người hâm mộ như thế nào?
- Qua thời gian giãn cách vừa rồi, nhóm cũng bị chậm bước so với những kế hoạch như biểu diễn ở tỉnh thành hay tổ chức workshop. Tuy nhiên, trong cái khó, ló cái khôn. Saigon Tếu đã cho ra đời hình thức hài độc thoại mới biểu diễn tại nhà với cái tên ‘Purgatory: Luyện ngục hài độc thoại’. Sau 2 chương trình thử nghiệm, nhóm đang có dự định mở thành các show online cho các bạn bè của Tếu tham gia từ bất cứ đâu.
|
* Dịch năm 2020, lượt theo dõi các mạng xã hội của nhóm cũng tăng, và đợt này hẳn cũng là thời gian Saigon Tếu tận dụng để thu hút, mở rộng đối tượng khán giả-đều ở nhà và muốn tìm năng lượng tích cực?
- Vì hiện tại có quá nhiều thông tin tiêu cực trên mạng, nên nhóm cũng muốn đưa ra những mặt tích cực của thời gian này. Saigon Tếu vẫn tiếp tục chia sẻ những câu chuyện hài hước của cá nhân, đồng thời thúc đẩy một số nội dung khác liên quan đến sức khoẻ tâm lý.
* Các bạn có tổ chức hoạt động nào để ai hứng thứ cũng có thể cùng tham gia tạo ra tiếng cười cho người xung quanh?
- Ngoài những show online thử nghiệm, nhóm còn có những buổi livestream giao lưu và chơi đùa cùng các thành viên của Tếu. Chúng tôi cũng đang học và ứng dụng một số công nghệ mới để lập kế hoạch cho những workshop online đầu tiên. Trong hoàn cảnh bình thường mới, sự linh hoạt này cũng là rất cần thiết để tiếp tục phát triển.
Cũng có những bạn hỏi Saigon Tếu là nếu muốn châm biếm, nói về tôn giáo hay chính trị thì có được không? Nhóm thường đồng ý với nhau 2 điều: 1/ Hãy đảm bảo không có sự hiềm khích trong nội dung của mình 2/ Hãy đảm bảo mình có đủ vốn sống và những góc nhìn đa diện, nhiều chiều về vấn đề đó.
Uy Lê |
* Có giới hạn nào được đặt ra trong "luật" sáng tạo của nhóm để các thành viên chủ động kiểm soát điểm dừng khi độ "thanh" sắp vượt ranh giới sang "tục"?
Saigon Tếu có một số quy luật tự đặt với nhau (thật ra nhóm cũng không biết có gọi là luật không, cười). Tôi hay nói với mọi người là: “Hài có thể tục, nhưng tục thì chưa chắc hài”, vì quan điểm của chúng tôi là trong cuộc sống, dĩ nhiên chúng ta sẽ có những chuyện... không thể tránh né mãi. Ví dụ như tình dục, nó cũng là chuyện bình thường, chúng ta không nên ngại khi nói về nó. Tuy nhiên, đừng bao giờ cố gắng “tục” để gây sốc, hoặc nghĩ nó sẽ tạo hiệu ứng hài hước. Hãy bắt đầu từ câu chuyện của mình, và hiểu rõ lý do tại sao mình muốn chia sẻ điều này với mọi người.
|
Khi bắt đầu mang một điều mới như hài độc thoại đến với khán giả Việt, chúng tôi nghĩ là nên nhập gia tuỳ tục. Tìm cách truyền đạt để mọi người dễ tiếp cận hơn từ ban đầu. Cũng như khi mới gặp và tiếp xúc với một người, chúng ta nên từ từ tìm hiểu tâm lý của họ, và hành xử ở một mức độ vừa phải để thiết lập mối quan hệ và sự tin tưởng lẫn nhau. Sau đó khi đã "quen" nhau rồi, chúng ta bắt đầu có thể có những cuộc hội thoại sâu hơn và thật hơn. Có thể khi nói chuyện sâu rồi thì sẽ thấy... không hợp nhau và chia tay, nhưng ít nhất mối quan hệ đó được kết thúc trong sự tôn trọng lẫn nhau.
Một điều rất quan trọng trong hài đó là khán giả. Khán giả cần một môi trường an toàn để cảm thấy thoải mái. Vì vậy sự nhạy cảm của một diễn viên là rất quan trọng. Cùng một câu chuyện, cách truyền đạt cho từng nhóm đối tượng sẽ khác nhau, và đó là kỹ năng của diễn viên. Một người diễn viên mà có thể làm cho khán giả cảm thấy thoải mái cười, bỏ qua những "cơ chế phòng vệ" của cá nhân, cảm thấy chúng ta là một gia đình và tiếng cười của mình sẽ không bị phán xét, thì sẽ rất thành công.
Cũng có những bạn hỏi nhóm là nếu muốn châm biếm, nói về tôn giáo hay chính trị thì có được không? Nhóm thường đồng ý với nhau 2 điều: 1/ Hãy đảm bảo không có sự hiềm khích trong nội dung của mình 2/ Hãy đảm bảo mình có đủ vốn sống và những góc nhìn đa diện, nhiều chiều về vấn đề đó.
Cảm ơn Saigon Tếu đã chia sẻ!
Từ 5 thành viên ngày đầu thành lập, hiện Saigon Tếu ngoài những thành viên diễn, còn có các cộng tác viên và thành viên hỗ trợ khác, tổng cộng hơn 30 người. Dù mùa dịch không được gặp nhau, Saigon Tếu vẫn tổ chức rất nhiều hoạt động tập luyện và gặp nhau online, để tiếp tục rèn luyện và "chạy" các chương trình cho khán giả. Kế hoạch sắp tới của nhóm là tiếp tục hoạt động trong điều kiện bình thường mới, tìm ra những cách sáng tạo nội dung ở nhà để thoả mãn nhu cầu giải trí và đem lại sự lạc quan cho mọi người.
|
Bình luận (0)