Samsung hưởng lợi nhờ sản xuất ở Việt Nam, còn Apple lãnh đủ ở Trung Quốc

21/02/2020 18:40 GMT+7

Samsung được cho là công ty hưởng lợi lớn nhất sau khi các đối thủ lớn của họ như Apple gặp khó do dịch bệnh Corona bùng phát tại Trung Quốc .

Thực tế, dịch bệnh từ virus Corona chủng mới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dây chuyền sản xuất của Apple vốn phần lớn đặt tại Trung Quốc, trong khi Samsung đã gặt hái những thành quả bất ngờ sau khi đặt cược hàng thập kỷ vào dây chuyền sản xuất smartphone đặt tại Việt Nam.
Theo Reuters, khoảng một nửa số điện thoại thông minh của Samsung hiện được sản xuất tại Việt Nam, một quốc gia láng giềng với Trung Quốc nhưng đã chủ động làm tốt công tác cách ly và phòng dịch cũng như duy trì sản xuất. Trong khi chuỗi cung ứng của Apple tại Trung Quốc gần như tê liệt sau khi cơn dịch bùng phát, ngay cả khi một phần dây chuyền sản xuất được khôi phục trở lại nhưng chỉ với mức độ hạn chế.
Apple cho biết họ sẽ không đạt được doanh thu kỳ vọng trong quý ba như dự báo trước đó trong báo cáo hướng dẫn doanh thu (guidedance) trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Corona chủng mới đối với các hoạt động sản xuất và bán hàng tại Trung Quốc - nơi sản xuất phần lớn iPhone của Apple. Trong khi Xiaomi cũng vừa công bố flagship mới trong tháng vừa rồi trong bối cảnh CEO của họ phải đeo khẩu trang y tế lên sân khấu.
Đối thủ lớn khác của Samsung là Huawei đã không công bố bất cứ thông tin nào về hoạt động sản xuất, nhưng các nhà phân tích cho rằng họ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng trong nước. Nhiều công ty Trung Quốc và nước ngoài đặt tại quốc gia này đã bắt đầu khởi động lại các nhà máy vốn bị đóng cửa trong suốt nhiều tuần qua, nhưng tình trạng thiếu nhân công và những vấn đề khác phát sinh từ các lệnh giới nghiêm ở Trung Quốc đã khiến các dây chuyền sản xuất hoạt động ở công suất gần như tối thiểu.
Trước đó, Samsung đã phải chủ động nhượng lại thị trường Trung Quốc cho các đối thủ, điều này đồng nghĩa với việc gần như hãng không chịu nhiều tác động từ các lệnh đóng cửa nhà máy để cách ly bệnh dịch tại Trung Quốc - thứ mà Apple và nhiều hãng khác đang phải hứng chịu trong những tuần qua. Rốt cuộc, Samsung đã bất ngờ có cơ hội tốt để vượt qua sự suy sụp của các đối thủ đáng gờm từ Trung Quốc và cả Apple sau sự lan rộng của virus Corona chủng mới, một cơ hội không ai ngờ.

Apple gặp khó ở cả khâu bán hàng và các hoạt động sản xuất ở Trung Quốc

Ảnh: AFP

Nguồn tin thân cận với Samsung của Reuters cho biết, “chúng tôi cảm thấy mình may mắn vì đã thoát khỏi những rủi ro không đáng có từ đợt dịch bệnh này”. Người này nói thêm, tuy Samsung không công khai về suy nghĩ này, nhưng họ đã thở phào nhẹ nhõm trước các thông tin không mấy tích cực về dịch bệnh.
Tuy nhiên, hai nguồn tin quen thuộc với các hoạt động tại Việt Nam của Samsung cũng cảnh báo rằng, nếu dịch virus bùng phát kéo dài, Samsung sẽ sớm cảm nhận được tác động tiêu cực của nó vì nhiều nguồn cung linh kiện của họ đến từ Trung Quốc. Do vậy việc cung ứng có thể bị hạn chế hoặc gián đoạn do Việt Nam sẽ đưa ra các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, ảnh hưởng tới quá trình nhập khẩu linh kiện của hãng cũng như bản thân dịch bệnh sẽ khiến các chuỗi cung ứng của họ ở Trung Quốc gặp khó về nhân công và sản xuất.
Gần đây, TrendForce đã cắt giảm dự báo sản lượng trong quý đầu tiên của Huawei 15%, Apple là 10% và Samsung 3%, qua đó cho thấy tuy ít bị ảnh hưởng nhưng Samsung vẫn khó tránh khỏi tác động của dịch bệnh, kéo theo đó là những dự báo tiêu cực về khả năng phục hồi của thị trường smartphone toàn cầu trong nửa đầu năm 2020. Trong một tuyên bố của hãng với Reuters, Samsung cho biết, “chúng tôi đang nỗ lực hết sức để giảm thiểu mọi tác động của dịch bệnh đến hoạt động của hãng”.
Kể từ khi bắt đầu sản xuất điện thoại tại Việt Nam vào năm 2009, Samsung đã tích cực tăng sản lượng thông qua lao động rẻ hơn và các ưu đãi hào phóng của chính phủ. Một số nhà cung cấp của Hàn Quốc cũng đã theo chân Samsung đổ xô vào Việt Nam, kéo theo sự tăng trưởng đột phá của công ty này và đây là lúc Samsung nên tận dụng lợi thế đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.