Săn ảnh dưới đại dương

10/10/2015 08:17 GMT+7

Thú vui săn ảnh dưới nước đang làm nhiều tay chơi ảnh... điêu đứng! Những bức ảnh dưới nước không chỉ lung linh làm say lòng người mà còn thể hiện được tay nghề của người chơi.

Thú vui săn ảnh dưới nước đang làm nhiều tay chơi ảnh... điêu đứng! Những bức ảnh dưới nước không chỉ lung linh làm say lòng người mà còn thể hiện được tay nghề của người chơi.

Mê lặn, mê luôn chụp ảnh đáy biển
Phong trào chụp ảnh dưới nước xuất hiện 3 - 4 năm trước và chỉ... để phục vụ cho các bộ ảnh cưới. Khi ấy các cặp đôi yêu nhau “thử thách” khả năng diễn xuất của bản thân và kỹ thuật chụp của các nhiếp ảnh gia. Các nhiếp ảnh gia thường chọn hồ bơi hoặc vùng biển nông có độ sâu 1-2 m để “săn” ảnh. Chia sẻ về những khó khăn khi phục vụ các khách hàng, nhiều nhiếp ảnh gia cho biết khó nhất đối với việc chụp ảnh dưới nước là kỹ thuật của máy ảnh. Bên cạnh đó, nếu “người mẫu” không biết bơi thì khả năng thành công của concept sẽ không cao bởi sự tự tin và thần thái biểu cảm là rất cần thiết khi chụp ảnh dưới nước.
Hiện nay, các tay săn ảnh dưới nước thể hiện niềm đam mê của mình bằng những khoảnh khắc ghi lại ở dưới lòng đại dương. Anh V.D, một trong những tay chơi ảnh dưới nước sống tại TP.HCM cho biết: “Trước đây, tôi không chú ý lắm những concept chụp ảnh này nhưng sau khi tôi bắt đầu chơi môn thể thao lặn biển và trong hành trình chinh phục biển, tôi mê đắm rạn san hô, màu sắc của các chú cá... Và tôi muốn ghi lại những khoảnh khắc đẹp dưới đại dương”.
Khác với chụp ảnh dưới nước thông thường, muốn săn ảnh dưới đại dương, ngoài việc trang bị máy móc hiện đại thì nhiếp ảnh gia phải biết lặn scuba (lặn có bình dưỡng khí). Lặn tự do (lặn không có bình dưỡng khí) là để chinh phục khả năng của bản thân, còn lặn scuba mới cho người lặn đủ thời gian để nhìn ngắm và thưởng thức phong cảnh dưới đáy biển sâu. “Sau khi biết lặn và có bằng về môn lặn, cộng thêm một chiếc máy ảnh xịn là bạn đã có thể làm một album hình về đại dương xanh”, anh V.D nói.
Săn ảnh dưới đại dương 2
Hành trình săn ảnh
Việc săn ảnh lòng đại dương thật sự là một thử thách khắc nghiệt của các tay chơi mê nhiếp ảnh. “Nếu ở trên bờ, bạn có thể say mê cảnh vật hoặc người mẫu đến mức quên đất quên trời thì ở dưới đáy đại dương nhiếp ảnh gia không thể mải mê thế được. Dù cảnh vật có thể hùng vĩ hơn cả kỳ quan thế giới thì người chơi vẫn phải nhớ mình đang ở dưới nước và đang thở bằng bình dưỡng khí. Đặc biệt là không được đi xa khỏi vị trí tàu của mình”, một thành viên trong nhóm Underwater Photographer trên Facebook chia sẻ.
Trước khi chinh phục lòng đại đương, bạn đừng quên sạc đầy pin và kiểm tra độ chắc chắn của phụ kiện bảo vệ dưới nước và phải thử chụp một vài bức trên cạn để làm quen với máy ảnh. Do môi trường dưới biển khác biệt hoàn toàn nên muốn chụp được một bức ảnh đẹp phải biết giữ thăng bằng và phải làm chủ được các kỹ năng bơi. Ngoài các yếu tố đó, người săn ảnh phải kiên nhẫn và dành nhiều thời gian mới có thể săn được ảnh đẹp. Bởi đại dương luôn thay đổi và nếu không kiên nhẫn thì không thể chờ được một đàn cá bơi ngang. Một khi đã xuống biển, người săn ảnh phải bơi chậm và nhẹ nhàng nếu không muốn đánh động cả vùng nước và chắc chắn khi ấy các loài động vật sẽ trốn hết. Thêm một đặc điểm nữa là trong lòng đại dương, ánh sáng tự nhiên thường không đủ để chụp được một bức ảnh đẹp nên đèn flash trong máy là sự lựa chọn tiện lợi nhất. Tuy nhiên, khi chụp sinh vật ở xa đèn flash thì ảnh sẽ xuất hiện nhiều chấm trắng.
Bên cạnh những yếu tố trên, máy ảnh chụp dưới nước tất nhiên là dụng cụ không thể thiếu. Anh Kiên, một tay chơi mới cho biết: “Ban đầu tôi nghĩ để chụp ảnh dưới nước phải chi rất nhiều tiền cho máy ảnh. Nhưng qua tìm hiểu mới biết có những loại máy chụp ảnh dưới nước có giá cũng khá dễ chịu”. Ngoài những loại máy chuyên dùng để chụp ảnh dưới nước, người chơi có thể mua thêm túi dựng máy chụp ảnh chuyên dụng. “Hãy nhớ kiểm tra kỹ trước khi mang máy xuống nước nếu không muốn nước tràn vào máy khi bạn sử dụng túi dựng máy ảnh”, anh Kiên nói thêm.
Săn ảnh dưới đại dương 2
Một số máy ảnh chụp dưới nước
- Nikon 1 AW1: Có giá chưa đến 20.000.000 đồng, có thể hoạt động tốt ở độ sâu tới 15 m.
- Sony Cyber-shot TX30: Có khả năng chống thấm nước ở độ sâu đến 10 m và chống sốc, bụi, nhiệt độ thấp. Giá khoảng 7.000.000 đồng.
- Fujifilm XP200: Có khả năng chịu nhiệt độ thấp, chống sốc khi rơi từ độ cao 2 m, hoạt động dưới nước ở độ sâu 15 m. Giá chưa đến 7.000.000 đồng.
- Olympus Stylus TG-2 his: Hoạt động tốt ở độ sâu đến 15 m hoặc khi nhiệt độ xuống đến -10oC. Giá khoảng 8.000.000 đồng.
Túi chụp dưới nước hiệu Bingo
Được thiết kế cho tất cả máy ảnh của các hãng Canon, Sony, Panasonic, Nikon, Fujifilm, Olympus; có giá từ 300.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.