Khi những cơn mưa lâm thâm báo hiệu mùa mưa đang đến trên dải đất miền Trung cũng là lúc quê tôi rộn ràng vào mùa thu hoạch sắn. Gian bếp ấm cúng của mẹ dậy lên hương thơm thoang thoảng của những món ăn từ củ sắn ba tháng.
Bên cạnh những loại sắn trồng thương phẩm để bán cho các nhà máy tinh bột sắn trong vùng nhằm kiếm thêm thu nhập cho gia đình, người dân quê còn trồng thêm một ít sắn ba tháng. Sắn ba tháng còn có những tên gọi khác như sắn tím, sắn ngắn ngày, sắn bở hay sắn canh nông.
Những củ sắn trắng nõn nà có lớp vỏ màu tim tím, phần tinh bột bở, bùi và thơm. Muốn có những món ăn ngon từ loại sắn này phải thu hoạch sắn sau khi trồng ba tháng. Sau ba tháng, củ sắn tuy lớn hơn nhưng hương thơm và độ bở của sắn sẽ giảm đi nhiều.
Có nhiều cách để chế biến sắn ba tháng. Đơn giản nhất là sắn luộc. Những củ sắn tươi được lột bỏ lớp vỏ bên ngoài, rửa sạch, cho vào nồi, thêm một ít nước, đậy kín nắp lại nấu trong vòng mười lăm phút là sắn chín. Cũng có thể ghế sắn vào nồi cơm. Cơm chín là sắn cũng chín theo, vừa nhanh gọn, không tốn thời gian mà hương vị sắn vẫn bở, bùi và rất thơm. Những củ sắn luộc nóng hổi, trắng ngần, tỏa hương thơm thoang thoảng luôn hấp dẫn người ăn ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Ăn sắn luộc phải có thêm đĩa đậu phộng rang giã nhỏ, hương vị thơm ngon, đậm chất quê của đậu phộng và sắn quyện lẫn vào nhau tạo nên những hương vị thật thân quen, gần gũi, thật ngon và lạ miệng, có thể ăn thay cơm đến no bụng mà không ngán.
Những buổi sáng mưa lâm thâm, trời se lạnh, nằm trong chăn ấm nếu nghe gió thoảng đưa hương nồi xôi sắn mẹ đang nấu dưới bếp sẽ khiến bạn tỉnh ngủ ngay. Xôi sắn là món điểm tâm chắc bụng mà người quê ai cũng ưa thích. Xôi còn được gói trong những bọc lá chuối tươi xanh, theo chân những em bé chăn bò, chăn trâu hay những bác nông dân ra đồng.
Gói xôi quê mùa mộc mạc là vậy nhưng lại giúp mọi người đỡ đói lòng những lúc nghỉ giải lao giữa buổi. Buổi làm đồng nơi quê nhà với mọi người dường như nhẹ nhàng hơn với những gói xôi sắn do những người mẹ, người vợ thân yêu dậy từ thật sớm nấu, cẩn thận gói ghém cùng một ít muối vừng.
Nhớ ngày xưa thơ bé, Tết Trung thu chẳng có quà bánh gì, mẹ lui cui nấu chè sắn đãi các con. Nguyên liệu chỉ là những củ sắn ba tháng xắt thành hình quân cờ cùng một ít mật mía và gừng già giã nhỏ rồi nấu cho đến khi sắn chín, nát mịn ra, ngấm vị ngọt của đường và hương thơm của gừng già. Đấy là món quà đơn sơ, bình dị mà không kém phần ngon miệng và ngọt ngào của mấy chị em chúng tôi ngày ấy. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy thương làm sao dáng mẹ tảo tần ngồi nấu chè sắn. Và cũng thương lắm những năm tháng tuổi thơ nghèo khó trên dải đất miền Trung năm nào.
Canh sắn là món ăn ngon thường xuyên có mặt trong bữa cơm gia đình của người quê tôi trong những ngày này. Sắn có thể được nấu với tôm đất, xương heo hay cá tràu đồng, rất ngon, ngọt nước.
Những ngày mưa lâm thâm, se lạnh, mẹ thường ra vườn hái một nắm lá lốt, rửa sạch, thái nhỏ rồi cho vào nồi canh sắn để tăng thêm hương vị và độ ấm nóng cho món canh. Món canh ấy không những giúp mọi người ngon miệng mà còn mang đến cảm giác ấm áp, thư thái bởi hương thơm thoang thoảng từ tinh dầu lá lốt.
Từ ngày xa quê, tôi ít có dịp được thưởng thức những món ăn ngon dân dã từ cây sắn ba tháng. Mỗi lần chạy xe trên đường, thấy mẹt sắn ai đó bán nằm khiêm nhường bên lề đường lại thấy lòng nôn nao, nhớ quê da diết, biết rằng giờ đã cuối mùa thu.
Và tôi lại thấy thèm được về với gian bếp ấm cúng đượm hương thơm sắn ba tháng của mẹ năm nào.
Theo P.K.L/Tuổi Trẻ
Bình luận (0)