Sân Bàu Thành: Tổ hợp thể thao văn hóa, lịch sử đầy quyến rũ
Năm 2024, sân Bàu Thành bước vào bản đồ bóng đá học đường khi góp mặt ở giải bóng đá Thanh Niên sinh viên Việt Nam lần III - 2024 Cúp THACO, lập tức gây chú ý với mặt cỏ chất lượng hơn nhiều sân bóng chuyên nghiệp, khán đài khang trang và khuôn viên xanh mát.
Ở năm thứ 2 đăng cai vòng loại khu vực Đông Nam bộ, lãnh đạo địa phương ở huyện Long Điền đã gây bất ngờ cho đoàn khảo sát của Báo Thanh Niên, khi ngoài cơ sở vật chất thể thao được chăm sóc rất tốt, còn được nâng cấp bởi hơi thở văn hóa thêm đậm đà.
Ngoài sân bóng với mặt cỏ tự nhiên được đánh giá là đẹp nhất vòng loại giải TNSV THACO Cup 2025, khuôn viên sân trước đó là những bụi cây hoang ứ đọng rác đã được phát quang, cải tạo lại thành CLB Học tập và Trải nghiệm Bàu Thành.
Trong khuôn viên CLB Học tập và Trải nghiệm Bàu Thành, có hàng chục những lán nhỏ lịch sự, sạch sẽ được bố trí khéo léo dưới những tán cây xanh mát, với các công trình bổ trợ đan xen tinh tế tạo ra sự hòa hợp đặc biệt với thiên nhiên.
Những không gian riêng theo mô hình nhà sàn hoặc chòi lá hình tròn, thậm chí có cả khu vực lán treo trên thân các cây cao được thiết kế vững chãi giúp người hâm mộ, các VĐV của các đội bóng và thành viên BTC tề tựu về có thể thoải mái nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian đậm chất văn hóa, lịch sử trong lúc chờ các trận đấu.
Bảo đảm chuyện ăn uống cho các đoàn bóng đá
Đặc biệt, nhà hàng bên trong CLB được bố trí rộng rãi, khang trang với những món ăn bảo đảm vệ sinh với mức giá vừa phải cũng sẽ giúp các đội bóng từ các địa phương ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như Đồng Nai, Bình Dương về đây có thể an tâm bảo đảm chuyện ăn uống cho các cầu thủ.
Ngoài CLB Học tập và Trải nghiệm Bàu Thành có thể xem là nét đặc sắc văn hóa đậm chất địa phương không đâu có. Sân Bàu Thành nằm trong Di tích Bàu Thành đã được lãnh đạo địa phương chăm chút, bổ sung thêm rất nhiều nét điểm xuyết nghệ thuật xung quanh hồ Bàu Thành rất đẹp.
Những ngày này, Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao Bàu Thành huyện Long Điền đang tích cực bảo dưỡng mặt cỏ với cam kết giữ nguyên hiện trạng mặt sân 2 tuần trước khi khởi tranh, tiến hành cắt cỏ, lu sân kỹ lưỡng chờ ngày khai mạc vòng loại khu vực Đông Nam bộ ngày 4.1.2025.
Trong buổi làm việc với Báo Thanh Niên, lãnh đạo UBND huyện Long Điền đã thống nhất phối hợp triển khai các công tác hậu cần, an ninh, y tế... ở mức cao nhất. Đơn vị chủ nhà huyện Long Điền đang sẵn sàng để sân Bàu Thành đón chào các đội bóng, CĐV, sinh viên các tỉnh Đông Nam bộ tề tựu về, có thể cảm nhận rõ nét đẹp thể thao, văn hóa, lịch sử nơi đây, như 2 câu hát đậm đà tình cảm:
"Bao giờ Bưng Bạc hết sình
Bàu Thành hết nước thì mình hết thương"
Di tích Lịch sử – Văn hóa Bàu Thành nằm ở khu phố Long Phượng, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tổng diện tích của khu vực Bàu Thành là 24 ha, Bàu Thành có chu vi 1.073m với diện tích mặt nước 4,16 ha, chỗ sâu nhất 4,6m.
Hồ Bàu Thành có hình chữ nhật, bàu sâu hình lòng chảo tích trữ nước ngọt, nguồn nước cung cấp cho hồ là lượng nước trong mùa mưa hàng năm mang lại. Khi xưa Bàu Thành chứa nước ngọt quanh năm, không bao giờ cạn, cho dù hạn hán kéo dài. Vì vậy dân gian trong vùng còn truyền lại câu ca kể trên.
Bàu Thành tục gọi xưa kia là "Dục Tượng Trì" (Ao voi tắm) nơi địa đầu biên ải dưới triều đại nhà Nguyễn, được dùng để voi tắm, lấy nước cho voi uống.
Nơi đây đã ghi dấu một thời là đồn binh của nhà Nguyễn để bảo vệ trị an và biên ải của đạo Mô Xoài trong buổi đầu khai phá vùng đất phương Nam của dân tộc Đại Việt. Chính tại nơi đây đã in dấu 2 trận chiến đại thắng của quân dân Đại Việt dưới triều đại Nhà Nguyễn.
Trận chiến thứ nhất vào năm 1658 do phó tướng Dinh Trấn Biên là Tôn Thất Yến chỉ huy, trận chiến thứ hai vào năm 1674, do chủ tướng Dinh Thái Khang là Nguyễn Dương Lâm chỉ huy, Nguyễn Diên làm tiên phong, bình định xứ Mô Xoài.
Trong hai trận chiến đã thể hiện quyết tâm đồng sức đồng lòng của quân, dân Đại Việt dưới thời Nhà Nguyễn đánh thắng quân Chân Lạp gây hấn ở địa đầu biên ải (đạo Mô Xoài), bảo vệ cư dân Việt khai khẩn đất hoang, hình thành và xây dựng cộng đồng cư dân nơi vùng đất mới phương Nam.
Bình luận (0)