Ảm đạm
Khi nhà đấu giá Chọn ra đời vào tháng 12.2016 ở Hà Nội, đơn vị này đã xác định mình là một nhà đấu giá quốc tế với ưu tiên cho các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, văn bản hợp tác kinh doanh giữa những người tổ chức Chọn còn thống nhất thành lập một tổ chức bảo lãnh thanh khoản tác phẩm nghệ thuật với nguồn vốn bảo trợ lên tới 2 triệu USD, tương đương 44 tỉ đồng lúc đó. Kỳ vọng là thế nhưng giờ đây, trên trang web của mình, Chọn cũng chỉ dừng lại ở phiên đấu giá thứ 15 vào tháng 7.2018. Sau đó, thông báo hoạt động mới nhất của Chọn vào tháng 10.2018 là thông báo tuyển dụng… nhân viên kinh doanh và văn phòng.
“Đúng là các nhà đấu giá giờ gần như không hoạt động. Có nhà đấu giá như Chọn chẳng hạn, không đấu giá nữa, có thể tạm coi như đóng cửa. Nhà Lạc Việt thì bỏ hẳn”, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết. Cũng theo ông Cương, Lý Thị tuy vẫn tổ chức đấu giá nhưng số lượng không nhiều, do đó không tác động nhiều đến thị trường. Công ty Cá sấu Việt Nam với Văn Cao Gallery từ khi có dịch Covid-19 không tổ chức đấu giá nữa. Dù vậy, đơn vị này vẫn tổ chức những đợt bán hàng và triển lãm 2 tuần/lần. Đơn vị này vừa là phòng tranh vừa tổ chức đấu giá, nên vẫn còn có hoạt động.
“Gần đây có thêm một đơn vị nữa cũng có ý định tổ chức đấu giá là Apricot, còn gọi là nhà đấu giá Mơ. Họ cũng đi theo hướng vừa triển lãm vừa đấu giá, nhưng hiện tại cũng chưa đấu giá được”, ông Cương cho biết và nói, chưa biết bao giờ thì hoạt động của các đơn vị đấu giá sẽ ấm trở lại.
|
Ồn ã rồi lặng lẽ
Họa sĩ Lê Thiết Cương đánh giá, quá nhiều lùm xùm trong quá trình đấu giá là một lý do quan trọng khiến các sàn không hoạt động mạnh được. Lạc Việt ngay từ những ngày đấu giá đầu tiên đã dính lùm xùm người trúng đấu giá bỏ không mua tác phẩm. Lý Thị dính vụ họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan lên mạng đòi lại bức Cẩm chướng đấu giá thành công ở mức trên 65 triệu đồng mà mãi chưa thanh toán. Họa sĩ Đan đã chờ 5 tháng sau đấu giá thành công mới lên tiếng vì tiền chưa chuyển, còn nhà đấu giá khất với lý do bên mua chưa chuyển tiền. Cũng phải nói thêm, người đấu giá không hề đặt cọc.
Bên cạnh đó, còn có cả những lùm xùm liên quan tới đấu giá tranh giả, ảnh hưởng nhiều đến uy tín của các sàn. Tháng 7.2019, vụ tranh lụa có tên Con gái nhà văn Dương Thu Hương (ký tên họa sĩ Vũ Giáng Hương) gây ầm ĩ vì giống hệt một tác phẩm sơn dầu do họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Đông vẽ. Qua đối chất, ông Đông đưa ra được ảnh mẫu và hoàn cảnh sáng tác tác phẩm. Trong khi đó, nhà sưu tập cho biết ông mua tranh của một người không quen biết và giờ không tìm lại được người bán. Một số vụ việc khác như họa sĩ Phạm Hà Hải từng phát hiện một tác phẩm ghi tên mình khi nhà đấu giá Pi đưa thông tin về tranh đấu giá lên mạng hồi 2018. Nhà đấu giá sau đó rút tranh xuống ngay và xin lỗi vì sơ suất. Họa sĩ Đặng Xuân Hòa cũng từng phát hiện tranh giả của mình khi nhà đấu giá Chọn đăng thông tin tranh sắp đấu giá. Bức Phố cũ được Chọn cho là của danh họa Bùi Xuân Phái và đưa lên sàn, tuy nhiên con trai ông Phái cho rằng đó là tranh giả.
|
Hội đồng thẩm định của các nhà đấu giá cũng là một dấu hỏi. Họa sĩ Lê Thiết Cương nói: “Tôi luôn có đề nghị đầu tiên là hội đồng thẩm định phải công khai tên, thứ hai là phải mở chứ không được đóng. Chẳng hạn, hội đồng này có thể rất giỏi về tranh của các họa sĩ Đông Dương nhưng sang một mảng khác thì không chắc. Cho nên hội đồng cần phải mở. Nghĩa là trong trường hợp nào đó thì nên mời thêm người bên ngoài vào”.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận định: “Rõ ràng nhiều người ước ao trong đời sống đương đại bây giờ phải có sàn đấu giá nội địa. Nhưng khi thị trường tranh chưa lành sạch thì rất khó để có một sàn đấu giá cũng lành sạch và chuyên nghiệp được. Và như thế các sàn đóng là phải”. Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng cho rằng: “Rõ ràng nhiều sàn đấu giá tranh chưa đủ chuyên nghiệp. Thị trường của mình cũng chưa đủ lớn để sàn đấu giá tranh trong nước sống được”.
Mặt khác, họa sĩ Lương Xuân Đoàn lo lắng vấn nạn tranh giả có thể gây hại cho các sàn đấu giá, vì khi đưa thông tin lên sàn thì mọi việc trở nên khó giấu giếm hơn. “Nhiều khi có những bức tranh giả từ Việt Nam đi sang châu Âu an toàn, rồi lại từ châu Âu về nước. Chừng nào vấn nạn tranh giả vẫn còn thì sàn đấu giá trong nước khó mà hoạt động”, ông Đoàn nói.
Bình luận (0)