Sàn giao dịch hàng hóa chết yểu

24/09/2016 05:30 GMT+7

Đã hơn 5 năm từ ngày được cấp phép với kỳ vọng giúp nông sản Việt tránh cảnh trúng mùa rớt giá, các sàn giao dịch hàng hóa dù đã thay tên đổi họ nhưng vẫn sống cảnh thoi thóp hoặc... chết yểu.

Chủ yếu là… mô hình
Tháng 9.2010, Sở Giao dịch hàng hóa Triệu Phong là cái tên đầu tiên được Bộ Công thương cấp phép với mong muốn các nhà chế biến, nhà buôn lớn, nông dân xích lại gần nhau. Đặc biệt, sàn được kỳ vọng giúp doanh nghiệp (DN), người nông dân có được công cụ bảo hiểm nhằm giảm thiểu được các rủi ro như sự rớt giá của cà phê, cao su, sự biến động của giá thép, bông sợi… Thông qua Sở Giao dịch hàng hóa, các DN thương mại, xuất nhập khẩu có thể biết được giá cả chuẩn giao dịch các mặt hàng cà phê, cao su, thép theo từng chủng loại và từng tháng hợp đồng để chủ động sản xuất kinh doanh, cân đối cung cầu.
Sau 6 năm được cấp phép, Sở Giao dịch hàng hóa Triệu Phong giờ đã mang một tên mới là Sở Giao dịch hàng hóa VN (VNX) và được coi là sàn tổ chức chuyên nghiệp nhất trong số 3 trung tâm được cấp phép. Nhưng đến trụ sở của sàn giao dịch trên đường Cô Bắc (Q.1, TP.HCM) thì tuyệt nhiên không có một ki lô gam hàng hóa nào được giao dịch hay ký gửi.
Ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc sàn, thừa nhận trong 6 năm qua, dù các cổ đông đã “ném” vào đây hơn 70 tỉ đồng nhưng kết quả lớn nhất của VNX chỉ là... “xây dựng mô hình” và bộ tiêu chuẩn giao dịch hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế của các mặt hàng cà phê, cao su, thép. “Nếu mọi việc suôn sẻ thì tháng 10 tới, VNX sẽ cùng Tập đoàn cao su (VRG) đưa mặt hàng cao su lên sàn và kế tiếp sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Cà phê giao dịch trên sàn vào cuối năm”, ông Phương nói.
Trong khi đó, dù ra đời muộn hơn 3 năm, song tới nay, Sở Giao dịch hàng hóa Info (Hà Nội) đã phải đóng cửa chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động.
Ngoài hai đơn vị được Bộ Công thương cấp phép chính thức kể trên thì còn có Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) - một đơn vị được Thủ tướng cho phép hoạt động thí điểm mua bán kỳ hạn hàng hóa trong 2 năm (2011 - 2012). Đến đầu năm ngoái, trung tâm đổi tên thành Sàn giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE) với số vốn là 75 tỉ đồng. Trên website “chạy thử nghiệm” của mình, dù quảng cáo là sàn liên kết với các sàn uy tín của thế giới nhưng cô nhân viên trực tổng đài cho hay sàn vẫn chưa đi vào hoạt động.
Trong một báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công thương nhận định hoạt động của các sở giao dịch hàng hóa tại VN còn chưa thực sự sôi động và chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế nước ta. "Kể từ khi đi vào hoạt động, tổng giá trị giao dịch các hợp đồng qua VNX và BCEC là gần 8.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là giao dịch đối với mặt hàng cà phê. Tỷ lệ giao dịch đối với mặt hàng cao su không đáng kể, còn mặt hàng thép chưa phát sinh giao dịch nào”, báo cáo nêu”.
Bà Nguyễn Phương Dung, Trưởng phòng Quản lý hoạt động sở giao dịch hàng hóa (Bộ Công thương) thừa nhận đây quả là con số quá bèo bọt so với kim ngạch hàng tỉ USD của mỗi ngành hàng như cà phê, cao su hay thép.
Quẩn quanh “chợ quê”
Theo các chuyên gia, mặc dù nhu cầu và lợi ích về sàn giao dịch hàng hóa theo mô hình hiện đại là rất lớn, văn minh, giá ổn định, hàng hóa được kiểm định chất lượng song vẫn không thể lôi kéo người dân mang hàng hóa đến bán là điều đáng tiếc.
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng này đến từ nhiều phía. Thứ nhất, là do tập quán từ người sản xuất, vốn quen làm nhỏ, quanh quẩn chợ quê, ao làng. Nông dân chủ yếu mua bán với thương lái, kiểu tiền trao ngay. Làm ăn với lái buôn thì hàng loại nào cũng bán được trong khi muốn lên sàn thì hàng phải được kiểm định, đạt chất lượng.
Trong khi đó, với các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn thì câu chuyện công khai về giá dường như là nỗi sợ. “Vài năm trước, tôi từng dẫn các nhà buôn Singapore, Indonesia sang đây mua cao su. Họ sẵn sàng bỏ giá cao hơn giá sàn mà tập đoàn đưa ra cho các công ty thành viên hay các đối tác khác, nhưng vẫn không tài nào mua nổi”, chuyên gia này nhớ lại.
Dẫn ví dụ sàn cà phê, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao, cho rằng nguyên nhân chính khiến trung tâm này hoạt động èo uột là vì từ lâu nông dân đã quen giao dịch truyền thống thông qua đại lý bởi thanh toán thuận lợi. Thậm chí, nông dân có thể ghi nợ để lấy phân bón, thuốc trừ sâu… còn với giao dịch tại sàn họ phải có ít nhất 1 tấn sản phẩm. Trong khi các công ty cà phê có tên tuổi cũng không mặn mà với sàn vì họ có mạng lưới thu mua sâu rộng, có mối quan hệ gắn bó với người mua bán trung gian…
Tuy nhiên, ông Hiển nhấn mạnh, nguyên nhân chủ yếu còn nằm ở cơ chế của nhà nước và năng lực của các sàn còn yếu trong buổi đầu hình thành. "Đặc biệt là quy định hiện chưa cho phép sàn hàng hóa được liên thông với sàn thế giới, tức là ta không thể có được những người mua hàng lớn trên sàn, chưa tận dụng được nguồn lực bên ngoài để phát triển loại hình giao dịch mà thế giới đã làm cả trăm năm nay", ông nói.
Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Công thương cuối tuần rồi, kiến nghị nổi bật nhất được lãnh đạo sàn VNX đề cập chính là mở quy định để sàn VN được liên thông với các sàn giao dịch lớn của thế giới, điều mà Nghị định 158 của Chính phủ vẫn chưa quy định. "Ông chủ của các sàn giao dịch nông sản lớn nhất Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc đều đặt vấn đề hợp tác với VNX. Nếu được liên thông thì việc những mặt hàng như cao su, cà phê, sắn… của nông dân phải ca bài được mùa mất giá hay bị tư thương ép giá chắc chắn sẽ giảm dần", ông Nguyễn Duy Phương cho biết.
Tương tự, theo giới thiệu của BCCE, điểm khác biệt lớn nhất của sàn cà phê lớn nhất Tây nguyên so với Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột trước đây là mọi giao dịch sẽ được kết nối trực tiếp với Sàn giao dịch hàng hóa Liffe (Anh) và Chicago Mercantile Exchange (Mỹ). BCCE cho rằng điều này mới đảm bảo giá cà phê Việt theo sát thế giới, giúp xóa bỏ hiện tượng ép giá đối với người sản xuất cũng như giảm bớt tình trạng bị giới đầu cơ làm giá.
Tuy nhiên, tại buổi kiểm tra mới đây, kiến nghị này được đại diện Bộ Công thương tiếp nhận một cách hết sức dè dặt bởi lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài rửa tiền khi đầu tư vào hoạt động của sàn giao dịch hàng hóa trong nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.