Nắm bắt nhu cầu mua sắm và xu hướng thị trường, các thương hiệu và kênh bán lẻ ở Việt Nam cũng chạy theo ngày lễ này với các chương trình khuyến mãi “ăn theo”, tương tự cách mà họ chạy theo Black Friday của Mỹ. Theo đó, tại Việt Nam các website thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki, Shopee hoặc Thế Giới Di Động… đều tung ra các chương trình khuyến mãi miễn phí vận chuyển và giảm giá lớn nhân dịp “ngày độc thân” 11.11 năm nay, bên cạnh các kênh bán lẻ nhỏ khác cũng tung ra các chiến dịch tương tự. Tuy nhiên, thực tế các mức giá ưu đãi này có thực sự tốt và “dễ săn” như quảng cáo hay không?
Dạo một vòng các trang web này bạn đều bắt gặp các banner khuyến mãi 11.11 ngập tràn, Tiki và Thế Giới Di Động (TGDĐ) tung ra chương trình khuyến mãi 11.11 dựa theo 6 khung giờ khác nhau trong ngày, trong đó mức khuyến mãi cao nhất của Tiki tập trung vào các khung giờ “khó” như 0 - 2 giờ sáng, còn Thế Giới Di Động cũng tranh thủ “xả hàng tồn” với các sản phẩm được coi là khó bán như iPhone XS hay đồng hồ đeo tay, tuy nhiên nếu bạn kiểm tra chéo thì mức giá khuyến mãi của các kênh này đưa ra không thực sự hấp dẫn như banner.
Cụ thể, mức giá iPhone XS bản 64 GB tại TGDĐ giảm 2 triệu còn 23 triệu đồng và ở mức giá này vẫn không thực sự hấp dẫn so với thị trường khi mà iPhone 11 Pro xách tay hiện giảm còn 25 triệu đồng. Chung tình trạng đó, phía Shopee đưa ra chào mời bán iPhone 11 bản 128 GB giá 16 triệu đồng nhưng chỉ có… 5 suất và trong một khung giờ nhất định, rất khó để bạn “chộp giật” được suất mua này trừ phi ôm máy tính và cầu may.
|
Tiki ghi giảm iPhone 11 bản 64 GB chính hãng từ 23 triệu đồng xuống còn 20 triệu đồng, trong khi giá niêm yết của sản phẩm này tại trang web của nhà phân phối FPT Trading chỉ là 22 triệu đồng chưa bao gồm khuyến mãi. Các sản phẩm mà Tiki chào bán với mức ưu đãi cao lại không hấp dẫn và chủ yếu là những mặt hàng kén khách.
Qua đó có thể thấy tình trạng khuyến mãi “ảo” năm nay tuy đỡ hơn nhưng vẫn tiếp tục đi vào gót chân Achilles của các năm trước, không thực sự khuyến khích người tiêu dùng bằng các chương trình giảm giá mạnh thực sự. Không thể phủ nhận thực tế rằng các kênh bán lẻ lớn vẫn giảm giá và đưa ra một số mức khuyến mãi khá hấp dẫn, nhưng nếu soi kỹ thì hầu hết chỉ là những mức giảm nhẹ và chủ yếu tập trung vào các sản phẩm “khó bán” hoặc các khung giờ làm khó người dùng, bên cạnh các khuyến mãi hữu dụng như miễn phí vận chuyển.
Do vậy, nhìn chung tuy đã tung ra các chương trình khuyến mãi “hoành tráng” nhưng rất khó để các kênh mua sắm trực tuyến trong nước tạo ra sức mua ồ ạ cùng doanh thu khủng như các thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ đạt được trong các ngày lễ mua sắm thường niên của họ. Bởi nếu các nhà bán lẻ này không thực sự “muốn” và tạo ra các ưu đãi lớn như quảng cáo thì kết quả đạt được có lẽ cũng sẽ tương ứng mà thôi. Về phía người mua, bạn hãy thận trọng với những quảng cáo “giảm giá sập sàn” trong những ngày này và hãy kiểm tra kỹ mức giá thị trường trước khi chọn mua.
Bình luận (0)