Sân khấu hài kịch vắng tiếng cười duyên

Hoàng Kim
Hoàng Kim
21/03/2022 06:42 GMT+7

Chưa bao giờ hài kịch lên ngôi như hơn 10 năm qua, trong khi chính kịch dần lép vế trên sân khấu TP.HCM. Tuy nhiên, mấy năm gần đây hài kịch đã yếu dần, để lại không ít nuối tiếc cho khán giả.

Cải lương biến mất “anh hề”

Ngày trước, trong vở cải lương nào cũng phải có nhân vật gọi là “hề” để làm khán giả thư giãn, mà vai trò và lương bổng của họ có khi không kém đào kép chánh. Hề Sa từng nói: “Cát sê của tôi lãnh ra mua xe hơi chạy liền. Ông bà bầu nào cũng o bế nghệ sĩ hài dữ lắm”. Thật ra để diễn hài trong một vở cải lương không đơn giản. NSƯT Bảo Quốc từng nói: “Nhân vật hề vừa phải làm khán giả cười, vừa phải tiết chế để đừng “phá” kịch bản, đặc biệt là soạn giả thường viết theo kiểu hài tình huống, diễn viên không nên lạm dụng ngoại hình và ngôn ngữ cẩu thả”.

Nghệ sĩ hài Dũng Nhí (trái) và Nguyễn Văn Khởi trong vở Bạch Hải Đường

H.K

Thử xem lại NSƯT Bảo Quốc vai Chương Hầu (vở Tiếng trống Mê Linh), hoặc công tử Hiếu Danh (Bên cầu dệt lụa), nghệ sĩ Văn Chung vai Trường Phi (Đường gươm Nguyên Bá), Thanh Việt vai cai ngục (Tướng cướp Bạch Hải Đường), NSND Giang Châu vai Trùm Sò (Ngao Sò Ốc Hến) và vai Thừa (Tiếng hò sông Hậu)… mới thấy thật đáng nể. Mỗi người một nét riêng không lẫn vào đâu được, và họ nghiên cứu nhân vật, nghiên cứu cách diễn rất kỹ chứ không chỉ “thọc lét” khán giả một cách dễ dãi.

Nhưng sau này, hầu như cải lương vắng bóng nhân vật “hề”, hoặc có thì cũng mờ nhạt, không đọng lại được nhiều ấn tượng trong lòng khán giả. Bởi từ kịch bản đã không thiết kế vai hài một cách rõ ràng, có cũng được, không có cũng được, hoặc chỉ cần ai đó ra “quậy” một chút là coi như xong, cho nên ít nghệ sĩ nào đeo bám vai hài, biến nó thành tên tuổi hẳn hòi. Chỉ thấy Dũng Nhí nổi bật nhất. Anh vừa đóng vai ông bầu gánh hát trong vở Bạch Hải Đường (Nhà hát Trần Hữu Trang sản xuất) thật duyên dáng. Còn lại, hầu như nhiều nhân vật hài khác chỉ là “nghiệp dư”. Chẳng hạn vở Mạnh Lệ Quân của đoàn Huỳnh Long vừa diễn gần đây, cô đào Huyền Trâm có giọng ca vọng cổ rất hay, nhưng phải phụ trách một vai hài không phù hợp. Chất hài trong cải lương giờ đây đã rất mờ nhạt.

Kịch nay: Hài hay là… lố

Hài là một nghệ thuật cần thiết của sân khấu, vì nó có tác dụng rất tốt trong quá trình chuyển tải nội dung vở diễn. Khán giả mệt mỏi với đời sống nên thích xem kịch hài, vì vậy nhiều năm qua sân khấu có sự ưu tiên cho thể loại này.

Những năm đầu được chú trọng, hài kịch rất chất lượng, vì bản thân tác giả thiết kế rất rõ nội dung, nhân vật, tình huống, khiến hài hòa quyện trong tổng thể kịch bản, hoặc có một nhân vật hài hẳn hoi làm điểm nhấn. Vở Oan tình ai thấu (Sân khấu Hoàng Thái Thanh) mang chất hài rất duyên dáng và sạch, hài từ trong tình huống dở khóc dở cười, hài mà đau thắt lòng khi hai nhân vật hoán đổi hồn xác cho nhau và chứng kiến những hoàn cảnh thắt ngặt, khó khăn của nhau, rồi trái tim vỡ òa sự thông cảm. Hoặc như vở Tiền là số 1 (Sân khấu 5B) có anh Tửng (Quốc Thịnh đóng) ma lanh theo kiểu tỉnh lẻ, hồn nhiên với ước mơ làm giàu. Bao giờ mẹ lấy chồng (Sân khấu Thế Giới Trẻ) có cô đào Phương Lan thành công bất ngờ trong vai má Năm đặc sệt giọng miền Trung. Bất ngờ hơn nữa là cô đào đẹp Ngọc Trinh lại gây cười suốt trong vở Đời như ý, với nhân vật Bé Ba rất bi kịch, nhưng nhiều câu thoại bình thường khi Ngọc Trinh nói ra lại khiến khán giả cười rần rần. Kiểu hài của Ngọc Trinh khó ai làm theo được, vì nói chuyện tưng tửng, nói bình thường, không cần diễn ngoại hình chút nào mà vẫn gây cười, rất “cao thủ”. Hoặc nhân vật A Sửu (Thái Hòa đóng) trong vở Người vợ ma có thể xem là một đỉnh cao của hài, duyên và chinh phục khán giả.

NSƯT Ngọc Trinh gây cười rất duyên trong vở Đời như ý

H.K

Nhưng những kịch bản như thế dần ít đi, nhường chỗ cho những câu chuyện khá mỏng, hoặc có nội dung tốt nhưng cố ý chen vào những mảng miếng hài để câu khách. Nhất là những vở nói về người đồng tính, dù có thông điệp yêu thương, thông cảm, nhưng bên cạnh đó luôn có những nhân vật trang điểm lòe loẹt, đi đứng uốn éo, làm trò cười, khá phản cảm.

Tác giả kịch bản sân khấu Bùi Quốc Bảo chia sẻ: “Khi viết, tôi luôn chú ý thiết kế nhân vật hài, hoặc tình huống hài, hoặc thiết kế chất hài cho cả vở. Nhưng có những bạn chỉ viết mỏng mỏng, rồi ráp nhau tập, rồi thêm mảng, thêm miếng, miễn cười là được. Còn vì sao những vở ấy ra mắt được, thì xin hỏi… ông bà bầu”.

Cũng có vở nội dung không bao nhiêu nên phải chen vào rất nhiều lớp diễn lê thê của một dàn cung nữ, phi tần, mà 90% là giả gái, để đủ thời lượng diễn. Hoặc nhiều vở chọn diễn viên mập mạp rồi lợi dụng hình thể ấy để tạo tình huống cười bằng cách cho họ đi đứng, hành động không mấy đẹp. Người mập rất dễ bị phô, và khi khán giả cười vì cái phô đó thì không thể gọi là hài. Hoặc tạo cười bằng cái bụng bầu cố tình ễnh ễnh, nghênh nghênh, thiếu thẩm mỹ; cho nhân vật phun nước bọt vào mặt nhau, giơ nách lên để tỏa “mùi hương”… gây cười vì sự không sạch sẽ. Hay những động tác phùng mang trợn mắt, nói năng ngớ ngẩn, đi đứng kỳ dị - những cách thường được sử dụng trong các gameshow.

Diễn viên lạm dụng ngoại hình và ngôn ngữ có thể khiến người xem bật cười theo kiểu bản năng, nhưng không thể gọi là chất hài sân khấu đúng nghĩa, kéo chất lượng vở diễn đi xuống. Khi tính thẩm mỹ bị bỏ qua, chỉ còn những thủ thuật “thọc lét” thì hài trở nên lố bịch, thậm chí nguy hiểm bởi người xem có thể sẽ bắt chước, “nhân bản” cái xấu, sự phản cảm ra xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.