Sân khấu Hoàng Thái Thanh thay đổi ‘đường bay’

Hoàng Kim
Hoàng Kim
22/04/2022 10:01 GMT+7

Tối 21.4, Sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.HCM) có cuộc họp báo với gần 300 nhà báo, nghệ sĩ, khán giả để thông báo về một phương án biểu diễn mới.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh lấy biểu tượng là con chuồn chuồn, cho nên sự kiện họp mặt lần này có tên Bay trên cánh mỏng, và “đường bay” bây giờ buộc phải thay đổi để tồn tại giữa khó khăn. Thực sự không chỉ Hoàng Thái Thanh mà hầu như các sân khấu khác cũng chông chênh khi có quá nhiều thứ cạnh tranh, như game show, internet… và họ đã liên tiếp bù lỗ khi các suất diễn cứ thưa vắng khán giả dần dần. Chính vì vậy, để tồn tại, Hoàng Thái Thanh buộc phải đưa ra một phương án biểu diễn mới, là “diễn theo mùa”.

Vở Bàn tay của trời nói về vấn đề giáo dục rất sâu sắc

H.K

“Diễn theo mùa” có nghĩa là một vở ra đời không dàn trải lịch diễn từ năm này qua năm khác nữa, mà chỉ diễn một đợt khoảng mười mấy suất hoặc vài chục suất trong 4 tháng, sau đó ngưng hẳn. Như vậy, khán giả sẽ tập trung mua vé, đỡ gánh nặng cho ông bà bầu khi phải mời nghệ sĩ vất vả, rối loạn khi xếp lịch diễn vì họ tất bật chạy show, đỡ gánh nặng bảo quản cảnh trí trong nhiều năm bởi mặt bằng thuê eo hẹp…

NSƯT Thành Hội kể: “Có vở mới diễn 3 suất thì diễn viên kẹt show, phải cất lại, cả năm sau mới tái diễn được, nguội ngắt”. Bài toán kinh tế và quản lý này xem ra hợp lý, khá giống những chương trình cải lương gần đây, chỉ biểu diễn trong 2-3 suất, khán giả ùn ùn mua vé vì sợ qua rồi thì không còn dịp để xem, không có tâm lý “hẹn lần hẹn lựa” như phía kịch nói.

Mỗi năm, Sân khấu Hoàng Thái Thanh có hai mùa diễn, mùa tết (từ tết tới khoảng tháng 5), và mùa giữa năm (tháng 7, 8) với trung bình 3 vở mới. Nhưng ngay bây giờ thì Hoàng Thái Thanh chọn 10 vở cũ tiêu biểu để xếp lịch trong 9 tuần (từ 7.5 đến 3.7) với 18 suất, để khán giả xem dứt điểm trong khi chờ tập vở khác. Đó là 10 vở đủ các thể loại, bi, hài, cổ trang, kinh dị, tâm lý, gồm Con ma nhà họ Hứa, Nửa đời ngơ ngác, Bàn tay của trời, Hãy khóc đi em, 29 anh về, Bông hồng cài áo, Bạch Hải Đường, Sông dài, Tình yêu trời đánh, Nửa đời hương phấn.

Rất nhiều tâm sự đã được chia sẻ trong buổi họp mặt. Có khán giả gắn bó với Sân khấu Hoàng Thái Thanh từ hồi còn đi học cho tới lúc trở thành thầy giáo. Có khán giả nuôi ý định tự tử nhưng khi đi xem kịch của Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã bình tâm trở lại và sống an ổn cho tới bây giờ. Những giá trị nhân văn mà Hoàng Thái Thanh đem đến quả thật không thể phủ nhận. Một sân khấu tử tế từ cách làm nghề cho tới nội dung kịch bản, khán giả bất cứ lứa tuổi nào xem cũng “an toàn”.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh còn đào tạo ra những thế hệ diễn viên trẻ có năng lực, bởi đạo diễn Ái Như, Thành Hội cũng từng đứng trên bục giảng nhiều năm, đầy kinh nghiệm và nhiệt huyết. Và trong cuộc họp mọi người cũng lo nghĩ cho Sân khấu Hoàng Thái Thanh về nhiều vấn đề, từ cát-sê cho nghệ sĩ, vai cho diễn viên phụ, khán giả trẻ có chịu tìm đến, hợp đồng với nhà trường… Những vấn đề mà “ông bà bầu” Ái Như-Thành Hội đã phải tiên liệu, sắp xếp chu đáo.

Vở Tình yêu trời đánh duyên dáng, tươi vui nhưng vẫn thấm thía tình người

H.K

Dẫu sao thì người ta vẫn mong Sân khấu Hoàng Thái Thanh thành công. Bởi kịch là “đặc sản” của đất Sài thành, không thành phố nào có hoạt động sân khấu sôi nổi như ở đây. Và trong dòng kịch đó có nhiều sân khấu với phong cách riêng biệt, không trộn lẫn vào nhau, thì Sân khấu Hoàng Thái Thanh mang màu sắc Nam bộ rất rõ, cả màu sắc bi kịch giống như Sân khấu Kim Cương ngày xưa. Thiếu Sân khấu Hoàng Thái Thanh, kịch Sài Gòn hụt đi một mảng lớn, nhất là từ khi nơi đây chuyển thể những vở cải lương vang bóng một thời sang kịch nói, thì rất phù hợp với màu sắc của mình, và khán giả lại thêm phần hứng thú. Sông dài, Bạch Hải Đường, Nửa đời hương phấn, Lan và Điệp, đều thành công. Lần này, thay đổi “đường bay” nhưng cánh chuồn chuồn Hoàng Thái Thanh chắc sẽ thành công như mọi người mong đợi.

“Từ năm 2000 tôi đã diễn theo mùa rồi. Tôi “đẻ” ra chương trình Ngày xửa ngày xưa để trám vô những mùa vắng khách, như hè, trung thu. Còn bây giờ tôi cũng thay đổi một số cách, chẳng hạn giờ diễn ngày chủ nhật sớm hơn, bắt đầu từ 6 giờ chiều chứ không phải 8 giờ tối như thường lệ, để khán giả về sớm, sáng thứ hai có sức làm việc. Tôi cũng đang chuẩn bị ra mắt một sân khấu mới với nội dung mới mẻ, hy vọng tồn tại. Sân khấu mà không chịu đổi mới thì chết chắc. Và nhất định phải hướng đến lớp trẻ, bởi đó chính là tương lai của sân khấu”.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu IDECAF

“Tôi cũng xoay xở mọi cách để tồn tại. Đã có những vở trẻ trung hơn, hướng đến lớp trẻ như Bồ công anh, Tiền là số 1, Rồi mắc cái gì cười… Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng nhất là cơ sở vật chất như thang máy, ghế ngồi… rất cần thiết để khán giả thoải mái thì tôi chưa tìm ra cách giải quyết”.

NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM

Sân khấu Hoàng Thái Thanh thành lập năm 2010, đến nay đã 12 năm hoạt động, với 53 vở kịch ra đời, 2.000 suất diễn, 1 triệu lượt khán giả, trong đó có 55.000 lượt khán giả học sinh từ các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông như Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Diệu, Trần Phú, Trần Hữu Trang, Marie Curie… Khán giả trẻ năm 2012 chiếm 12%, đến năm 2021 thì chiếm 72%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.