Sân khấu là một loại hình nghệ thuật mà ở nước ngoài người ta được tiếp cận ngay từ lứa tuổi tiểu học. Nhưng ở VN, có người 50 tuổi vẫn chưa biết sân khấu là gì.
Nghệ sĩ Thành Lộc (giữa) chinh phục khán giả nhí với vai Trần Quốc Toản
trong vở kịch lịch sử cùng tên của sân khấu IDECAF - Ảnh: H.K |
“Tui chưa từng vô rạp coi kịch”, đó là câu trả lời của rất nhiều người dân TP.HCM trong một cuộc khảo sát bỏ túi của người viết. Dân thành phố đã vậy thì đừng nói chi dân tỉnh. Một số may mắn được xem hát bội trong các mùa cúng đình thì còn: “À há, sân khấu là vậy hả? Cái rạp lớn hơn à? Thôi được, tui… biết rồi!”.
Nhưng còn rất nhiều nơi không có rạp hát hoặc cúng đình, thậm chí có rạp đi nữa mà người dân cũng không được hỗ trợ kiến thức và thói quen đi xem sân khấu thì coi như họ hoàn toàn mù tịt về loại hình này.
Tiếc rằng ở ta một khi cha mẹ không biết đến kịch, không đi xem kịch thì cũng thường rất ít khi mua vé cho con đến rạp. Bởi thế hằng tuần ở TP.HCM có rất nhiều sân khấu sáng đèn diễn vở cho người lớn xem, nhưng chỉ đến dịp hè mới có 1 - 2 sân khấu dàn dựng tác phẩm mới phục vụ khán giả nhí.
Với nhiều em, “sân khấu” có lẽ là những hoạt cảnh trong buổi diễn văn nghệ ở trường hoặc trên ti vi. Trong khi nếu được đi xem sân khấu chính quy thì các em sẽ được thẩm thấu một cách trực tiếp cái hay của câu chuyện, của diễn xuất nghệ sĩ, cái đẹp của hội họa, âm nhạc, trang phục… và tạo cho các em sở thích, thói quen thưởng thức nghệ thuật.
Vun đắp cho khán giả tương lai
Không thụ động trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, hiện đã có một số ông bà bầu đã xác định phải chủ động tạo cơ hội cho các em thiếu nhi - những khán giả tương lai - tiếp cận với sân khấu.
Đầu mùa hè năm nay, thiếu nhi Đà Nẵng đã được xem vở Trần Quốc Toản do các nghệ sĩ nổi tiếng của Sân khấu kịch IDECAF bay từ TP.HCM ra biểu diễn. Sân khấu này cho biết đó là nhờ chủ trương của TP.Đà Nẵng mỗi năm chi 1,2 tỉ cho các em thiếu nhi được xem kịch lịch sử với giá 10.000 đồng/vé.
Có lẽ nỗ lực để các em được đến rạp của các nghệ sĩ IDECAF đã được chính quyền Đà Nẵng thấu hiểu. Mấy năm trước, ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc kịch IDECAF, đã từng dựng vở Trần Quốc Toản, Thánh Gióng, rồi đưa ra tận Hà Nội diễn miễn phí trong một chương trình sự kiện, và chính ông cầm vé xuống tận các phường nhờ phát cho các em.
Các vở kịch rối vui nhộn cũng được ông cho dàn dựng, đi về các quận vùng ven TP.HCM bán với giá vé chỉ 2.000 đồng. Các suất diễn nói trên ông đều chấp nhận bù lỗ. Năm ngoái, ông chạy đi liên hệ với các trường phổ thông, đem vở Trần Quốc Toản và Thánh Gióng đến diễn với giá 10.000 đồng/vé, hiện đã diễn gần 60 suất.
Nghệ sĩ Minh Béo năm nay cũng dựng vở Nữ thần Mặt trăng, mỗi suất đều dành lại cả trăm vé mời cho các em ở các mái ấm, nhà mồ côi. NSND Hồng Vân cũng từng đem sân khấu đến các trường học theo chủ trương tuyên truyền về an toàn giao thông của Sở VH-TT TP.HCM và được hỗ trợ 6 triệu đồng mỗi suất (tất nhiên giá này “hơi bèo”, Hồng Vân phải cho thêm chút đỉnh để anh em vui). Nhưng được 20 suất thì năm nay sở cắt chương trình đó. Hồng Vân nói: “Tôi sẵn sàng đi tìm nhà tài trợ để làm tiếp, nhưng với điều kiện là sở vẫn chủ trương làm thì tôi mới ăn nói với người ta được”.
Ông Huỳnh Anh Tuấn bày tỏ: “Tôi mong các em được thưởng thức nghệ thuật, không bị thiệt thòi về văn hóa. Bù lỗ thì bù, nhưng niềm vui lớn lắm”. Và có thấy NSND Hồng Vân suất nào cũng thức dậy từ 5 giờ để chuẩn bị theo đoàn, vì phải diễn lúc 7 giờ sáng chủ nhật khi sân trường còn mát, mới thấy sự nhiệt tình của chị. Chị bám sát hậu trường xem xét chi li từng đạo cụ, nhắc nhở đàn em làm cho tốt. Minh Béo thì tận tay đi đưa từng cái vé mời…
Bình luận (0)