Tại Khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP.HCM), các bác sĩ đã tiến hành thăm khám và chỉ định thực hiện các cận lâm sàng. Qua hội chẩn liên chuyên khoa, chị X. được chẩn đoán bị nhiễm trùng đường mật nghi do sỏi đoạn cuối ống mật chủ và bệnh nhân được chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng ERCP để điều trị.
Ngày 16.11, bác sĩ Nguyễn Đình Tùng (Phó trưởng khoa Nội soi - Bệnh viện đa khoa Xuyên Á) cho biết, trong quá trình nội soi mật tụy ngược dòng, quan sát dưới màn hình C-Arm nhận thấy ống mật chủ của bệnh nhân dãn khoảng 10 mm, đoạn cuối có bóng nhỏ không ngấm thuốc. Sau đó, các bác sĩ tiến hành cắt nhú vater, dùng bóng kéo ra được con sán lá gan kích thước khoảng 20 mm ra khỏi cơ thể người bệnh. Mẫu sán được xét nghiệm định danh là sán lá gan lớn.
Thủ thuật kết thúc an toàn, bệnh nhân được chuyển về Khoa Ngoại tổng quát để tiếp tục điều trị chống nhiễm trùng và điều trị đặc hiệu diệt sán lá gan. Sau 3 ngày điều trị, người bệnh ổn định sức khỏe và được xuất viện.
Theo bác sĩ Tùng, bệnh sán lá gan có thể điều trị hiệu quả, hạn chế nguy cơ biến chứng nặng nếu được phát hiện và điều trị sớm. Thông thường người bệnh sẽ được điều trị bằng các loại thuốc chống ký sinh trùng, tùy thuộc vào loại sán. Với trường hợp người bệnh X. sán đã chui vào ống mật và phát triển kích thước lớn, gây ra các biến chứng nghiêm trọng, vì vậy việc gắp sán ra bằng phương pháp nội soi sẽ giúp đạt được hiệu quả nhanh chóng và triệt để nhất.
Nội soi mật tụy ngược dòng là một kỹ thuật nội soi hiện đại giúp thăm dò, khảo sát và điều trị các bệnh lý về ống mật, túi mật, ống tụy hiện đại. Nhờ việc ứng dụng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng trong chẩn đoán và điều trị, người bệnh tránh được cuộc mổ, ít xâm lấn, giảm các biến chứng, tiết kiệm chi phí và thời gian hồi phục nhanh.
Một số triệu chứng phổ biến ở người nhiễm sán lá gan
Bác sĩ Tùng cho biết, bệnh sán lá gan lớn do loài sán lá lớn (Fasciola hepatica hoặc Fasciola gigantica) gây nên. Sán này sống ký sinh chủ yếu ở các động vật ăn cỏ như bò, trâu… Và khi vào cơ thể người, sán lá gan thường ký sinh trong đường mật, một số ít trường hợp có thể ký sinh trong cơ bắp, dưới da, phúc mạc…
Sán lá gan lớn khi ký sinh trong đường mật sẽ phá hủy tổ chức gan, tạo ra những ổ tổn thương trong gan. Đặc biệt, bệnh sán lá gan nếu không được phát hiện và điều trị triệt để có thể gây áp xe gan, viêm gan đường mật, ứ mật, thậm chí có thể dẫn đến ung thư đường mật.
Một số triệu chứng phổ biến ở người nhiễm sán lá gan cần chú ý gồm đau âm ỉ ở bụng (vị trí gan), cơn đau lan ra lưng hoặc vùng thượng vị; đầy bụng, buồn nôn; rối loạn tiêu hóa, da xanh xao, vàng da, nổi mề đay; có dịch trong bụng; mệt mỏi, chán ăn, sụt cân…
Thông qua trường hợp trên, bác sĩ Tùng khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần, đặc biệt người dân ở những vùng có nguy cơ cao (vùng sông nước, người làm việc trong môi trường chăn nuôi, nông nghiệp) thì nên khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm ký sinh trùng để phòng tránh cũng như phát hiện kịp thời sán lá gan và các loại ký sinh trùng khác.
Bình luận (0)