Sản lượng dầu Iran cao kỷ lục, người tiêu dùng đỡ lo

Khánh Như
Khánh Như
18/06/2023 07:00 GMT+7

Xuất khẩu dầu thô và sản lượng dầu của Iran đã đạt mức cao kỷ lục vào tháng 5.2023, giúp kéo giảm giá dầu giữa lúc kinh tế đối mặt suy thoái.

Sản lượng dầu Iran tăng mạnh

Theo thông tin từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), trong tháng 5, Iran cho biết sản lượng dầu thô của nước này đã tăng lên trên 3 triệu thùng/ngày. Con số này tương đương khoảng 3% nguồn cung toàn cầu và vượt tương đối xa mức 2,5 triệu thùng/ngày - cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Cơ quan Năng lượng quốc tế mới đây công bố sản lượng tháng 5 của Iran ở mức 2,87 triệu thùng/ngày, gần với con số do Iran cung cấp. Đến đầu tháng 6, sản lượng dầu Iran vẫn giữ nguyên ở mức này, theo Reuters.

Việc tăng sản lượng diễn ra bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, vốn được siết chặt hơn kể từ tháng 5.2018, sau khi tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA). Các số liệu có thể chưa chuẩn xác do một số giao dịch được thực hiện ngầm để tránh trừng phạt. Tuy nhiên, theo giới phân tích, diễn biến trên là tín hiệu lạc quan giữa lúc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nối lại đàm phán gián tiếp với Iran để phác thảo các bước khả thi nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran.

Sản lượng dầu Iran cao kỷ lục, người tiêu dùng đỡ lo - Ảnh 1.

Một cơ sở khai thác dầu của Iran ở đảo Khark

AFP

Tín hiệu vui cho người tiêu dùng

Việc Iran tăng sản xuất dầu được cho là một yếu tố có lợi cho người tiêu dùng. Nó diễn ra trong bối cảnh OPEC+ (nhóm OPEC và một số đối tác) đang cắt giảm sản lượng chung nhằm đẩy giá dầu mỏ với mục tiêu cân bằng thị trường.

Trước đó, vào ngày 4.6, OPEC+ đã đồng ý gia hạn mức cắt giảm 3,66 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 3,6% nhu cầu toàn cầu. Ả Rập Xê Út, thuộc OPEC, cũng thông báo kể từ tháng 7, nước này sẽ đơn phương giảm số lượng dầu mỗi ngày xuống còn 9 triệu thùng, theo Đài CNN. Chính vì thế, việc Iran - dù cũng là thành viên OPEC - tăng sản lượng đã tăng sản lượng góp phần giảm nhẹ tình hình.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cũng cho biết sản lượng khí ngưng tụ của nước này dự kiến sẽ giảm khoảng 20 triệu tấn (400.000 thùng/ngày) trong năm nay để đẩy giá năng lượng. Ngoài ra, Công ty năng lượng Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 4 giàn xuống còn 552 giàn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 4.2022, trong khi số giàn khoan khí giảm 5 giàn xuống 130 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 3.2022, theo tờ The Print. Chính vì thế, nếu Iran tiếp tục giữ sản lượng khai thác ở mức cao thì sẽ giúp ổn định giá dầu.

Triển vọng giá dầu lạc quan với người tiêu dùng

Tuần qua, JPMorgan, ngân hàng lớn nhất của Mỹ, đã hạ dự báo giá dầu cho năm nay và năm 2024. Theo ngân hàng này, tăng trưởng trong nguồn cung toàn cầu đang bù đắp cho mức tăng kỷ lục về nhu cầu, trong khi lượng hàng tồn kho đủ để ngăn nguy cơ giá tăng đột biến. JPMorgan cũng đã điều chỉnh dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2023 xuống còn 81 USD/thùng so với mức 90 USD/thùng đưa ra trước đó. Giá WTI cũng được kỳ vọng sẽ hạ xuống mức 76 USD/thùng, giảm 8 USD/thùng so với các tính toán trước đây.

JPMorgan dự báo nguồn cung dầu toàn cầu tăng 2,2 triệu thùng/ngày vào năm 2023, vượt qua mức tăng trưởng nhu cầu dự kiến là 1,6 triệu thùng/ngày. Theo dự báo này, giá dầu cao trong 2 năm qua đã góp phần khiến một số bên tăng nguồn cung. Trong khi đó, theo The Print, nhu cầu cũng có thể tăng cao trong năm nay, đạt mức tiêu thụ kỷ lục khoảng 101,4 triệu thùng dầu/ngày, do nhu cầu tăng cao ở Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.