|
Đường lên đỉnh "săn" mây
Theo giới phượt thủ chuyên chinh phục đỉnh núi Bà Đen, có nhiều hướng để lên đỉnh núi. Theo đó, đường chùa Bà là con đường ngắn nhất bởi người leo có thể lên cáp treo đến chùa Bà. Từ đây, phượt thủ tiếp tục lên đỉnh bằng đường bộ. Tuy nhiên, đây là cung đường khá nguy hiểm do có nhiều dốc, nhiều đá tảng lớn khó vượt qua. Cung đường Ma Thiên Lãnh thì thú vị ở chỗ dân phượt trải nghiệm cảm giác vừa leo núi vừa băng rừng. Nhưng cung đường này rất khó đi và dài. Trong khi đó, cung đường dốc Đá Trắng là cung đường khó chinh phục nhất, chỉ thích hợp với người có kinh nghiệm và sức khỏe tốt. Đây cũng là cung đường dành cho dân phượt chuyên nghiệp muốn khám phá núi Bà Đen.
Ngoài ra, cung đường cột điện là đường dễ leo và phổ biến nhất. Đây là cung đường mà người dân đi rẫy thường xuyên đi, có bậc thang và suốt dọc đường lên có nhiều dấu vết bằng mũi tên chỉ dẫn. Tuy nhiên, cung đường này có vài đoạn nếu không chú ý sẽ dễ bị lạc, tốn nhiều sức để quay trở lại.
Cũng theo giới phượt thủ, leo núi ban ngày sẽ dễ ngắm cảnh hơn, ít nguy hiểm nhưng nắng nóng khiến người đi mất sức nhanh. Do đó, nhiều phượt thủ đã chọn thời điểm ban đêm để leo núi. Điều thú vị của leo núi đêm là dân phượt được ngắm nhìn toàn cảnh Tây Ninh từ trên cao, cảm nhận hơi lạnh của sương mù khi leo lên đến gần đỉnh núi.
|
Phấn khích khi lên tới đỉnh
Ở độ cao 986 m trên đỉnh núi Bà Đen, vào những ngày ngày thứ 7 và chủ nhật, ngày nghỉ lễ trung bình có từ 70-100 người tìm đến ngắm trời, "săn" mây, trải nghiệm cảm giác chinh phục đỉnh hoặc rèn luyện thể lực.
Lần đầu tiên chinh phục đỉnh núi, anh Võ Hồng Thanh (ngụ Tây Ninh), hào hứng cho hay cảm giác lần đầu vượt qua chính mình, được tận hưởng không khí se lạnh, trong lành của khí trời, dù hơi mệt chút nhưng hạnh phúc. Anh Ninh Nhật Tân (cùng ngụ Tây Ninh) hào hứng không kém: "Lần đầu tiên đặt chân lên độ cao tuyệt vời này ở Tây Ninh, tôi thực sự trải nghiệm về nỗ lực, quyết tâm của bản thân, về sức khỏe. Dù chuyến đi nhiều vất vả nhưng lúc đặt được chân lên lên đỉnh núi, cảm giác hạnh phúc thật khó tả".
Điểm thú vị từ những chuyến "săn" mây không chỉ thu hút người trẻ. Trong số đó, chúng tôi bắt gặp nhiếp ảnh gia Đỗ Thành Nhân (57 tuổi) và bà Huỳnh Thị Lệ Hằng (57 tuổi, giáo viên nghỉ hưu, ngụ H.Dương Minh Châu). Bà Hằng cho biết đây là lần thứ 2 bà chinh phục đỉnh núi. “Lần đầu tiên vào năm 1983, tôi dẫn đoàn gồm 50 học sinh đã chinh phục đỉnh núi. Và lần này là lần thứ 2, tôi cùng những người yêu nhiếp ảnh lên đỉnh "săn" mây. Do đã chuẩn bị về tâm lý, sức khỏe nên dù tuổi cao nhưng khi leo lên đỉnh tôi cảm thấy rất hứng khởi, rất thoải mái", bà Hằng chia sẻ.
Bình luận (0)