Chủ nhân bức ảnh là anh Thanh Tùng (26 tuổi), hiện đang sống và làm việc tại Nhật Bản. Theo lời kể của anh, bức ảnh được chụp vào đêm cực điểm của mưa sao băng Perseids mới đây, tại TP.Saku, tỉnh Nagano.
"Năm ngoái mình có đi chụp mưa sao băng này, nhưng vì thời tiết nên phải đi sớm chứ không đúng ngày cực điểm. Đó là lý do mình chụp được ít sao băng và ngắm cũng ít. Năm nay, đi vào đêm cực điểm nên ngắm được rất nhiều vệt sao băng, có vệt sáng và dài, thời tiết cũng thuận lợi", anh cho biết.
Thành quả bất ngờ
Dành thời gian từ chiều tối ngày 11.8 tới tận sáng 12.8 để ngắm và chụp sao băng, anh Thanh Tùng nói rằng thu được bức ảnh vượt ngoài mong đợi của anh. Vệt sao băng ấn tượng nhất với anh là vệt có màu xanh lá rực sáng trên bầu trời gần 4 - 5 giây, may mắn anh đã ghi lại được khoảnh khắc đó.
Anh Tùng cho biết chuyến đi lần này có anh cùng 4 người bạn của mình. Ý tưởng được anh ấp ủ từ năm ngoái, nhưng năm nay mới có thể chụp được bức ảnh sao băng ưng ý.
Sau khi dành thời gian hậu kỳ, anh Tùng có được bức ảnh hoàn thiện và chia sẻ lên mạng xã hội, trong các cộng đồng người yêu thiên văn và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Chính lời khen có cánh mà mọi người dành cho bức ảnh là động lực để anh tiếp tục tình yêu thiên văn, bầu trời nhiều năm nay.
“Để có bộ ảnh này, mình cũng gặp khá nhiều khó khăn vì thời điểm đó có một vài cơn bão đổ bộ lên phía bắc Nhật Bản nên thời tiết thay đổi liên tục, bên cạnh đó là một số cảnh báo về động đất nên mình phải hủy lịch đi đến địa điểm được chọn ban đầu mà chuyển qua tỉnh khác", anh chia sẻ.
Tới đây, anh chàng dự định sẽ tiếp tục "săn" ảnh tinh vân Orion đầu mùa, hy vọng sẽ có kết quả ưng ý như lần chụp sao băng này. Anh Tùng cho biết mình từ Quảng Trị sang Nhật làm thực tập sinh 4 năm nay, luôn giữ tình yêu đối với bầu trời.
Perseids là một trong những trận mưa sao băng đẹp và lớn nhất, có thể tạo ra tới 60 sao băng mỗi giờ vào cực đại. Perseids có nguồn gốc từ sao chổi Swift-Tuttle, được phát hiện vào năm 1862.
Perseids nổi tiếng vì đã tạo ra một số lượng lớn sao băng sáng. Trận mưa sao băng diễn ra hàng năm từ ngày 17.7 - 24.8. Cực đại năm nay diễn ra vào đêm 11 rạng sáng 12.8, đêm 12 tới rạng sáng 13.8. Vừa qua, nhiều người yêu thiên văn tại Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới đã chụp được ảnh sao băng này và hào hứng chia sẻ lên mạng xã hội.
Bình luận (0)