Từ đồng ruộng đến rừng sâu
Với hàng chục năm chuyên tâm nghiên cứu về loài muỗi, GS Vũ Sinh Nam, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE), cho biết: Việt Nam ghi nhận hơn 200 loài muỗi thuộc 17 giống, trong đó có 4 giống muỗi có thể truyền bệnh cho người. Muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét; muỗi Culex truyền bệnh viêm não Nhật Bản; muỗi Mansonia truyền bệnh giun chỉ chân voi; muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue (cộng đồng vẫn thường gọi là sốt xuất huyết).
Trong các bệnh nguy hiểm do muỗi truyền, sốt rét cơ bản đã được khống chế. Muỗi truyền bệnh này phân bố và sống trong rừng núi, vùng sâu vùng xa, không thật gần với người nên khả năng lây lan bệnh cũng hạn chế ở những vùng rừng núi, đặc biệt đối với nhóm người đi rừng ngủ rẫy.
Còn muỗi Culex truyền bệnh viêm não Nhật Bản là muỗi thường sinh sản, trú đậu và phát tán ngoài nhà, như ở ruộng mạ, ruộng lúa nước, các bụi cây cỏ, nên được gọi là muỗi đồng ruộng. Muỗi thường bay đi hút máu súc vật hoặc máu người vào lúc chập tối; sinh sản và phát triển nhiều vào mùa hè lúc nắng nóng, mưa nhiều. Nhờ có vắc xin viêm não Nhật Bản, dịch bệnh này đang được kiểm soát hiệu quả.
Với bệnh giun chỉ chân voi, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết Việt Nam đã thanh toán từ năm 2019. Do đó, muỗi truyền bệnh giun chỉ chân voi tạm thời không là mối đe dọa lớn với sức khỏe cộng đồng.
Muỗi thành thị thức dậy cùng người
GS Vũ Sinh Nam cho hay, trong 4 giống muỗi truyền bệnh, "tinh khôn" và "mật thiết" nhất với người là muỗi thuộc giống Aedes, trong đó muỗi Aedes aegypti là loài nguy hiểm nhất. Muỗi này có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng nên thường được gọi là muỗi vằn.
Muỗi vằn luôn theo sát lịch sinh hoạt của con người. Sáng sớm và chiều tối là hai thời điểm muỗi vằn hoạt động mạnh nhất, đó cũng là khi con người vừa ngủ dậy và đi làm về. Chúng "cư trú" trong nhà, ở các góc tối, trên quần áo hay chăn màn và các đồ dùng. Đặc biệt, muỗi vằn cái chỉ thích hút máu người. Chỉ khi có máu người thì trứng muỗi mới có thể phát triển. Loài muỗi này còn được gọi là "muỗi tư sản", "muỗi thành thị", bởi chỉ chọn đẻ trứng ở nơi có nước sạch.
Phẫu thuật muỗi
Theo GS Vũ Sinh Nam, để đánh giá được mức độ "đối phó" của muỗi vằn trước các hóa chất diệt chúng, các nhà khoa học vẫn phải bắt bọ gậy, nuôi chúng trong phòng thí nghiệm. Sau khoảng 7 - 10 ngày, bọ gậy phát triển thành muỗi, khi đó muỗi sẽ được thử liều hóa chất.
Cùng với đánh giá nguy cơ kháng hóa chất, các nghiên cứu cũng đánh giá về vòng đời, khả năng sinh sản của muỗi vằn, từ đó có các biện pháp diệt muỗi hiệu quả nhất. Phẫu thuật muỗi là một biện pháp được thực hiện cho đánh giá này.
Qua các "ca mổ" hết sức tỉ mỉ, các "phẫu thuật viên" quan sát được hệ sinh sản (ống dẫn trứng, buồng trứng) của muỗi cái. Trên ống dẫn trứng của muỗi, mỗi lần đẻ sẽ để lại một "nút" và vết đánh dấu. Muỗi cái đẻ nhiều nhất là 4 - 5 lần, với 4 - 5 nút được đánh dấu trên ống dẫn trứng. Sau khi phun hóa chất diệt muỗi mà quần thể muỗi bắt được không có nút hoặc ít nút là cuộc phun có hiệu quả.
Theo GS Nam, muỗi cái sống được khoảng 1 tháng, cứ 3 - 5 ngày chúng hút máu người/lần để trứng phát triển; mỗi lần đẻ khoảng 100 trứng. Trong vòng đời khoảng 30 ngày, một muỗi cái có thể sinh ra được 300 - 500 con cháu.
Ngày càng nhiều "muỗi trẻ" mang vi rút
Các nhà khoa học của NIHE cho biết muỗi sốt xuất huyết có sự hòa hợp tiêu sinh cao so với các loài muỗi khác. Với muỗi sốt rét, muỗi viêm não Nhật Bản, chúng cần hút máu với "liều lượng" máu nhất định đủ để trứng phát triển. Nếu ít hơn lượng máu cần thiết thì máu chỉ đủ làm thức ăn.
"Nhưng riêng muỗi vằn, cứ hút được bao nhiêu máu thì trứng phát triển bấy nhiêu. Một bữa "ăn" máu, muỗi vằn có thể hút nhiều người. Do đó, nếu trong nhà có 4 - 5 người, chỉ cần một con muỗi vằn nhiễm vi rút Dengue thôi thì dễ lây cho tất cả, khiến cả nhà cùng mắc sốt xuất huyết", GS Nam cho hay.
Đáng lưu ý, các nghiên cứu mới nhất cho thấy, trước đây, muỗi vằn truyền vi rút sang cho con với tỷ lệ rất thấp, khoảng 1/4.000 - 1/6.000; nhưng gần đây tỷ lệ muỗi vằn truyền vi rút cho con đã cao hơn nhiều, khoảng 1 - 3%. Thực tế này có thể làm thay đổi quan điểm về sự phát sinh và lan truyền trong cộng đồng. Trước đây, chúng phải hút máu người nhiễm vi rút thì mới truyền bệnh. Nhưng bây giờ, thế hệ con của chúng, những "muỗi trẻ" ngay khi ra đời đã có sẵn vi rút và dễ dàng truyền bệnh hơn.
"Do đó, chỉ cần bỏ sót một ổ bọ gậy với hàng trăm con lăng quăng thì 7 - 10 ngày sau đã có lứa muỗi mới tỏa đi đốt người và truyền bệnh. Các nghiên cứu ước tính cứ 1 ca bệnh sốt xuất huyết được chẩn đoán thì thực tế có khoảng 122 ca bệnh khác đã nhiễm bệnh âm thầm, trong cộng đồng", GS Nam lưu ý.
"Sự tồn tại của vi rút Dengue trong cộng đồng cùng với quần thể muỗi vằn đông đảo khiến dịch bệnh sốt xuất huyết dai dẳng và dễ dàng bùng phát. Chúng tôi rất mong mỗi người trong cộng đồng đều chung tay diệt lăng quăng, diệt muỗi truyền bệnh, cùng ngành y tế áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh này", GS Nam chia sẻ.
Kỳ vọng vắc xin
Hiện thế giới có 2 loại vắc xin sốt xuất huyết đã được công nhận là vắc xin của Sanofi Pasteur (Pháp) và Takeda (Nhật Bản). Vắc xin của Takeda (Nhật Bản) có thể bảo vệ cho cả 4 type vi rút và không quan tâm tới người tiêm đã mắc sốt xuất huyết hay chưa. WHO đang xem xét và sẽ sớm có khuyến nghị về tiêm vắc xin sốt xuất huyết.
Bộ Y tế đang trong quá trình xem xét, cấp phép cho vắc xin sốt xuất huyết của Takeda tại Việt Nam. Có vắc xin, cộng đồng sẽ có thêm công cụ ngăn ngừa dịch sốt xuất huyết do muỗi vằn.
GS Vũ Sinh Nam
Bình luận (0)