Sản phẩm OCOP của Cà Mau chinh phục thị trường

11/11/2023 08:00 GMT+7

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) không chỉ góp phần nâng cao đời sống mà còn thay đổi nhận thức của người dân Cà Mau từ sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết sang nền kinh tế thị trường, nâng cao giá trị các đặc sản.

Góp phần phát triển kinh tế nông thôn

Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Cà Mau hiện có 128 sản phẩm OCOP (6 sản phẩm đạt 4 sao, 122 sản phẩm đạt 3 sao). Trong đó, 113 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm; 8 sản phẩm thuộc ngành đồ uống; 4 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí và 3 sản phẩm thuộc ngành vải, may mặc.

Sản phẩm OCOP của Cà Mau chinh phục thị trường - Ảnh 1.

Sản phẩm dưa bồn bồn đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh chinh phục thị trường bằng chất lượng ổn định

Ảnh: Gia Bách

Trong tổng số 61 chủ thể tham gia chương trình, điều đáng mừng là ngoài 15 công ty/doanh nghiệp, còn có 26 hợp tác xã (HTX), 20 hộ kinh doanh. Các chủ thể từng bước tăng quy mô, cải thiện mô hình tổ chức quản lý, không ngừng cải tiến về chất lượng, tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Đặc biệt, chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Các sản phẩm sau khi được công nhận tăng doanh thu khoảng 10 - 30%; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, với mức lương từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Hoàng Ân, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chế biến thương mại dịch vụ nuôi thủy sản Cái Bát (xã Hòa Mỹ, H.Cái Nước), cho biết trước khi được công nhận OCOP 3 sao, sản phẩm chả cá phi của đơn vị chỉ bán cho khách hàng thân thiết. Nhờ được hỗ trợ, sản phẩm đạt chứng nhận, lại được gắn với trưng bày, quảng bá mà chả cá phi được người tiêu dùng trên cả nước biết đến, sức tiêu thụ tăng lên và giá trị nâng cao.

Theo nhận xét của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau, các sản phẩm được công nhận phù hợp với thị hiếu và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bằng nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, đến nay, nhiều sản phẩm OCOP được trưng bày và tiêu thụ qua các kênh bán hàng, đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh.

Phần lớn, sản phẩm OCOP của Cà Mau đã được kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử như: madeincamau.com (tỉnh Cà Mau), voso.vn (Viettel), postmart.vn (VNPT) và các kênh khác như Lazada, Amazon, Alibaba, Zalo, Facebook… Đặc biệt, một số sản phẩm còn xuất khẩu qua các thị trường Úc, Canada, Trung Quốc, Singapore…

Những khó khăn cần khắc phục

Bên cạnh thuận lợi, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng chỉ ra một số khó khăn cần khắc phục. Theo bà Trần Thị Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cây ăn trái sạch Khánh Hưng (xã Khánh Hưng, H.Trần Văn Thời), khó khăn nhất đối với các chủ thể vẫn là khâu hồ sơ, giấy tờ. Nhiều lãnh đạo của các HTX, tổ hợp tác đều là "tay ngang", không có trong tay một lực lượng làm hành chính văn phòng cần thiết để đáp ứng được yêu cầu này.

Sản phẩm OCOP của Cà Mau chinh phục thị trường - Ảnh 2.

Bánh phồng tôm của HTX Tân Phát Lợi (H.Ngọc Hiển, Cà Mau) ngày càng nâng chất nhờ nâng cao quy trình sản xuất và tiếp cận thị trường

Ảnh: Gia Bách

"Bên cạnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho các chủ thể tham gia thì phải thay đổi chính sách quản lý, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào quản lý hồ sơ, giấy tờ", bà Việt Anh đề xuất.

Bên cạnh đó, nguồn lực triển khai chương trình còn hạn chế, đa phần phải lồng ghép. Trong khi một số cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa nên gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.

Ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương Cà Mau, cho biết thời gian qua ngành công thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại theo nhiều hình thức cả truyền thống lẫn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP có sản phẩm giao dịch trên sàn thương mại điện tử để hoạt động có hiệu quả hơn cũng được chú trọng.

Để chương trình OCOP của địa phương phát triển xứng tầm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể tập trung hỗ trợ các chủ thể thực sự có tiềm năng để nâng cấp, nâng tầm sản phẩm. Đồng thời, ông đề nghị việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm OCOP là một trong những tiêu chí bắt buộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.