Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi tới Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhiều góp ý xung quanh dự thảo luật Sửa đổi luật Chứng khoán; luật Kế toán; luật Kiểm toán độc lập; luật Ngân sách nhà nước; luật Quản lý, sử dụng tài sản công; luật Quản lý thuế; luật Dự trữ quốc gia (sau đây gọi tắt là dự thảo).
Trong đó, VCCI tập trung góp ý khá sâu với nội dung tại điều 6.5 dự thảo (sửa đổi điều 42.2 luật Quản lý thuế).
Các sàn thương mại điện tử có thể tăng tổng chi phí hơn 10%
Điều 6.5 dự thảo bổ sung trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong kê khai, nộp thuế hộ người bán. VCCI cho rằng quy định này cần được xem xét ở một số điểm.
Trước tiên, quy định tại dự thảo chưa thống nhất với các văn bản luật khác trong lĩnh vực thuế, điển hình là chưa thống nhất với luật Thuế thu nhập cá nhân.
Điều 24 luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 điều 1 luật Sửa đổi, bổ sung luật Thuế thu nhập cá nhân 2012) chỉ quy định 2 chủ thể có trách nhiệm thực hiện kê khai, nộp thuế, gồm: cá nhân có thu nhập chịu thuế và tổ chức, cá nhân trả thu nhập.
Theo quy định tại các điều 28 và 29 Nghị định 65/2013/NĐ-CP, thu nhập từ hoạt động kinh doanh của cá nhân cư trú không thuộc loại thu nhập phải khấu trừ thuế do tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện.
Vì thế, sàn thương mại điện tử không được coi là tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người bán. Như vậy, trách nhiệm kê khai, nộp thuế thuộc về cá nhân có thu nhập chịu thuế, trong trường hợp này là người bán trên sàn.
Cạnh đó, quy định cũng chưa thống nhất với luật Thuế giá trị gia tăng. Điều 4 luật Thuế giá trị gia tăng 2008 chỉ quy định 2 đối tượng là người nộp thuế: tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (cơ sở kinh doanh); tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa (người nhập khẩu). Theo quy định này, người bán trên sàn thương mại điện tử sẽ là đối tượng có trách nhiệm nộp thuế giá trị gia tăng.
"Tóm lại, luật Thuế thu nhập cá nhân và luật Thuế giá trị gia tăng đều quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế thuộc về người bán, không phải của sàn thương mại điện tử", VCCI nhấn mạnh.
Điểm thứ hai, theo VCCI, quy định tại dự thảo có thể tạo ra gánh nặng tuân thủ lớn cho các sàn thương mại điện tử, trong khi chưa đánh giá tác động một cách đầy đủ về lợi ích có thể đạt được so với chi phí bỏ ra.
Theo nghiên cứu năm 2022 của VCCI, nếu áp dụng quy định này, các sàn thương mại điện tử có thể phải tăng tổng chi phí hơn 10% vào năm đầu tiên thực hiện và hơn 8% vào năm tiếp theo để tuân thủ quy định này. Các chi phí chủ yếu bao gồm chi phí công nghệ thông tin và chi phí nhân sự.
Tuy nhiên, từ các tài liệu dự thảo, VCCI nhận thấy rằng chưa có một đánh giá tác động toàn diện về các chi phí mà người dân, doanh nghiệp phải bỏ ra, cũng như lợi ích mà phương án này đạt được, đặc biệt là so sánh với phương pháp hiện nay.
Bộ Công thương đang theo dõi, đánh giá tác động từ sàn thương mại điện tử Temu
Người bán có trách nhiệm ra sao, doanh thu tính thuế thế nào?
Góc độ thứ ba, theo VCCI, quy định này chưa được hoàn thiện, còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Chẳng hạn, việc thu thuế với người bán vừa kinh doanh trên sàn thương mại điện tử vừa có cửa hàng truyền thống sẽ được thực hiện như thế nào? Hiện nay, người bán đã nộp thuế (dạng thuế khoán) cho cơ quan thuế địa phương; nếu thu thêm thuế trên thương mại điện tử, liệu có gây ra vấn đề thu thuế 2 lần hay không?
Ngoài ra, việc thu thuế với người bán lần đầu, người bán dưới ngưỡng thu thuế sẽ được thực hiện như thế nào? Do không có cơ chế hoàn thuế, nếu sàn thương mại điện tử đã thu và nộp cho cơ quan thuế rồi thì có cách nào hoàn trả lại cho người bán hay không?
VCCI cũng đặt ra vấn đề người bán có trách nhiệm như thế nào? Nhiều công việc các sàn thương mại điện tử khó có thể tự làm mà phụ thuộc vào người bán như kê khai các thông tin làm căn cứ nộp thuế; xác định mức thuế với từng mặt hàng…
Doanh thu tính thuế được xác định như thế nào? (giá bán, giá bán sau khi trừ khuyến mãi hay giá người mua chi trả…).
Trước đó, về quy định các sàn thương mại điện tử có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh nêu trong dự thảo luật Quản lý thuế (sửa đổi), tại buổi họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ Tài chính ngày 27.9, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đã chia sẻ một số thông tin.
Theo ông Minh, trong luật Quản lý thuế hiện nay, các nhà cung cấp nước ngoài, không có hiện diện thương mại ở Việt Nam đã có trách nhiệm kê khai thay, nộp thay tại các cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Tổng cục Thuế mở cho các nhà cung cấp nước ngoài.
"Hiện nay đã có 108 nhà cung cấp nước ngoài, ví dụ như Google, Facebook đều đã phải thực hiện kê khai. Họ đã thực hiện thì chúng ta quy định đối với cả các doanh nghiệp trong nước cũng là đảm bảo nguyên tắc công bằng.
Các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện được, không có lý do gì các nhà cung cấp trong nước, các sàn thương mại điện tử không thực hiện được kê khai thay, nộp thay", lãnh đạo Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phân tích, thương mại điện tử ngày càng phát triển nên việc thay đổi cách thức quản lý thuế là rất bình thường. Trong quá trình dự kiến điều chỉnh một số quy định của luật Quản lý thuế, trong đó có quy định liên quan thương mại điện tử và các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp logistics là thực sự cần thiết.
"Điều này phù hợp, đã được đánh giá cả về thực tế lẫn tính khả thi. Những giải pháp mới mà Bộ Tài chính đưa vào đều được cân nhắc rất kỹ lưỡng", ông Chi khẳng định.
Bình luận (0)