Sản xuất hàng tết phập phồng vì dịch

25/12/2021 06:17 GMT+7

Các công ty tại TP.HCM vẫn đang chạy đua sản xuất trong mùa cao điểm cuối năm, vừa cảnh giác với diễn biến của dịch Covid-19 .

Không dám trữ hàng nhiều

Sản xuất xúc xích là một trong ngành “hot” nhất những tháng cuối năm khi nhà nhà chuẩn bị đón tết. Nhưng năm nay, theo ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Phương Khoa, chủ thương hiệu xúc xích Nga Misa: “Không dự tính được gì lúc này. Chỉ sản xuất cầm chừng và trữ nguyên liệu thôi”.

Theo ông, thông thường những năm trước thì thời điểm này làm hàng rất “đã”, ít nhất trong kho trữ hàng thành phẩm khoảng 10 tấn, xe chở hàng đi liên tục từ Nam ra Bắc. Nhưng năm nay khách hàng phía nam giảm nhiều, ngoài Bắc chưa thấy liên lạc hỏi mua. Vì vậy, mọi năm trước Tết Nguyên đán 1 tháng, công ty đã trữ khoảng 30 tấn thịt các loại nhưng nay chỉ trữ chưa tới 15 tấn nguyên phụ liệu. Thậm chí, không trữ một cây xúc xích nào trong kho mà chỉ sản xuất cầm chừng, bán tới đâu làm tới đó. Hiện công suất của nhà máy chỉ đạt 25 - 30% so với cùng kỳ năm trước và mỗi tuần chỉ sản xuất 3 buổi với khoảng 250 - 300 kg/lần.

“Tâm lý khách hàng mấy hôm nay là phập phồng lo dịch tái bùng phát, chính chúng tôi cũng tâm trạng đó. Hơn nữa, thị trường sau 3 tháng “bình thường mới” nhưng thực tế chưa bình thường, đặc biệt trong tiêu thụ hàng thực phẩm. Dân không đi chơi, không tụ tập ăn uống, ngại đi du lịch, ngại đến chốn đông người nên xúc xích đâu tiêu thụ được. Đây là món ăn vặt phổ biến tại quán xá, nhà hàng và đặc biệt trong các khu vui chơi. Nay không ai ra ngoài thì hàng bán không chạy thôi. Tôi cũng nói rõ với nhân viên, cần thì làm tăng ca, chứ nay có rảnh cũng không dám làm trữ hàng. Tình hình dịch rất khó đoán thị trường”, ông Phương chia sẻ, song vẫn kỳ vọng từ sau rằm tháng chạp, thị trường sẽ khởi sắc hơn.

Tương tự, bà Hoàng Khánh Hòa, Giám đốc kinh doanh Công ty CP hạt điều Gia Bảo (Bình Phước), cho biết ngay từ tháng 9, khi TP.HCM chuẩn bị mở cửa trở lại, doanh nghiệp (DN) đã phối hợp với các chuỗi siêu thị xem xét, đánh giá thị trường tương đối kỹ, xem xét nhu cầu khách hàng, phối hợp đưa ra những đơn hàng phù hợp… Nhờ đó khó khăn đầu ra không còn là vấn đề và mua sắm tại siêu thị đã tăng. Tuy nhiên, xuất phát từ lo ngại dịch bùng phát, nên một số phương án sản xuất, giao hàng của công ty có thay đổi. Chẳng hạn, công ty không giao một lần đối với những đơn hàng lớn cả trăm thùng mà chia làm 2 lần. Đa số siêu thị đặt hàng số lượng lớn do lo ngại vận chuyển, sản xuất khó khăn. Tuy nhiên, để bảo đảm cho các hệ thống đều có hàng đưa lên kệ và cũng tránh chuyện bị tồn kho đột ngột khi dịch lại bùng phát như cuối năm trước nên công ty thực hiện giao hàng giãn cách

Thay đổi “gu” quà biếu

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều thói quen, xu hướng tiêu dùng của khách hàng nói chung. Điều đó khiến các DN cũng phải thay đổi kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp thị trường. Theo bà Hoàng Khánh Hòa, năm nay việc thiết kế những hộp quà để khách mua biếu tặng cũng thay đổi nhiều. Nếu trước đây có đến 70% sản phẩm của công ty là hộp 500 gr, nay ưu tiên những hộp có trọng lượng nhỏ hơn như 160 gr, 200 gr, 250 gr, 300 gr… “Tâm lý chung của người tiêu dùng là thắt lưng buộc bụng, những gói quà không thể thiếu nhưng sẽ nhỏ hơn. Qua khảo sát, chúng tôi thiết kế những gói quà nhiều kích cỡ để có nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Sức mua tại các siêu thị đến nay tăng 30%, nhưng tỷ lệ đó với mặt hàng hạt điều bán tết là khá khiêm tốn. Mọi năm dịp này, thường doanh số tăng 70 - 80%, có năm tăng 100% là bình thường”, bà Hòa chia sẻ thêm.

Các doanh nghiệp vừa sản xuất hàng tết vừa lo phòng chống dịch

nguyên nga - mai phương

Còn ông Bùi Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty CP dầu thực vật Tường An, nhận định: Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và đáng lo ngại khi xuất hiện các biến chủng mới, trong đó có Omicron. Dù vậy các DN đã dần trở lại và quen với nhịp sống “bình thường mới”. Các hoạt động kinh doanh, bán hàng không còn quá khó khăn như đợt giãn cách xã hội vừa rồi. Vấn đề đặt ra lúc này chính là sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng. Họ chi tiêu dè dặt hơn bởi ảnh hưởng về thu nhập trong năm. Tuy nhiên, mặt hàng dầu ăn là thiết yếu nên không bị ảnh hưởng nhiều về mặt tiêu thụ. Vì vậy, kế hoạch sản xuất của DN tăng sản lượng 30% so với cùng kỳ, đảm bảo không để thiếu hàng trong mùa tết. Riêng đối với việc phòng chống dịch, ông Tùng chia sẻ vẫn thực hiện nghiêm quy định về 5K tại các văn phòng cũng như nhà máy, tuyên truyền và cập nhật tin tức hằng ngày cho người lao động để mỗi người nâng cao tinh thần cảnh giác trước dịch bệnh… Công ty cũng chuẩn bị sẵn sàng toàn bộ lực lượng cho mùa tết, chủ động hàng hóa, nguồn nguyên liệu cũng như logistics, đồng thời triển khai bán hàng trên các kênh online đề phòng khi tình huống xấu xảy ra thì các sản phẩm của Tường An vẫn có thể tiếp cận đến người tiêu dùng.

Gia tăng chi phí mua thuốc, kit test Covid-19

Dù gia tăng sản xuất hay chỉ hoạt động cầm chừng thì tất cả DN hiện nay đều phải duy trì các phương án phòng chống dịch khiến chi phí đội lên rất nhiều. Ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Bita’s, chia sẻ sức tiêu thụ cuối năm vẫn khá thấp trong khi tất cả chi phí từ nguyên phụ liệu, phòng chống dịch đều gia tăng. Nhưng công ty vẫn phải cố gắng duy trì sản xuất để tạo công ăn việc làm cho người lao động. Hiện DN đi theo hướng xem Covid-19 như là bệnh thường xuyên nhưng vẫn tuân thủ đảm bảo tất cả quy định, hướng dẫn của ngành y tế. Trong đó, tăng cường chuẩn bị sẵn cho mỗi công nhân một túi thuốc; gia tăng tủ thuốc tại công ty, đều đặn hằng tuần test cho toàn bộ khoảng 1.500 công nhân viên theo mẫu gộp 5 người. Riêng nhân viên bán hàng, giao nhận thì sẽ test riêng từng người… Chính vì vậy, riêng chi phí test Covid-19 đã khiến DN phải gánh chịu mỗi tháng từ 60 - 70 triệu đồng. Ông Đỗ Long nhấn mạnh khi cố gắng duy trì sản xuất thì phải đảm bảo phòng chống dịch.

Với mặt hàng thời trang, bà Thái Vân, Giám đốc kinh doanh Công ty sản xuất thương mại T.Đ (Q.8), cho hay công ty cũng thực hiện test nhanh Covid-19 hằng tuần cho gần 100 công nhân, tốn gần 6 triệu đồng. Trong khi một cái áo đầm may ra trước bán giá sỉ là 500.000 đồng thì nay chỉ dám bán 450.000 đồng/cái, đồng nghĩa phải giảm mức lãi xuống. Bên cạnh đó, công ty cũng “phập phồng” nên không dám sản xuất đại trà. Ví dụ trước đây siêu thị đặt mỗi mẫu thời trang khoảng 300 - 500 sản phẩm, cho phép hàng trả lại khoảng 10 - 15%, thì năm nay công ty không dám bán hàng theo cách đó nữa do năm qua đã “ôm” hàng tồn quá lớn và thậm chí bán lỗ cũng không hết. Đặc biệt, công ty chỉ giao dịch theo phương thức mua đứt bán đoạn, không dám nhận hàng trả về vì sẽ lỗi thời và bán rất khó. Thế nên, lượng hàng bán vào trung tâm thương mại, siêu thị rất thấp, chỉ khoảng 30% so với trước tết năm ngoái. Nhưng làm như vậy theo bà Thái Vân là “an toàn hơn” vì diễn biến dịch bệnh không ai đoán được trước.

“Nhà nước nên sớm ra quy định cho phép hạch toán các chi phí liên quan phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động để phần nào hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, sớm khôi phục sản xuất”.

Ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Bita’s

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.