Sản xuất xi măng 'thèm' bùn thải sông Tô Lịch nhưng vướng cơ chế

Lê Quân
Lê Quân
24/04/2022 09:49 GMT+7

Theo các chuyên gia, khi công nghệ thay đổi đã đến lúc xem xét đưa sản xuất xi măng vào quy hoạch bảo vệ môi trường , không mãi coi ngành này là “kẻ huỷ diệt” môi trường .

Làm chủ công nghệ dùng rác thải sản xuất xi măng

Ông Phạm Văn Nhận, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) trong một buổi làm việc mới đây với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã mạnh dạn đề xuất: Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu bổ sung các đơn vị sản xuất xi măng thuộc quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh để được tham gia đồng xử lý chất thải; sửa đổi quy chuẩn QCVN 41:2011/BTNMT cho phép các đơn vị sản xuất xi được xử lý chất thải công nghiệp thông thường và đồng xử lý chất thải nguy hại.

Rác thải công nghiệp thông thường được đưa vào dây chuyển sản xuất xi măng tại Nhà máy xi măng Bút Sơn

lê quân

VICEM cũng kiến nghị bộ, ngành xem xét từng bước thí điểm xây dựng thị trường chất thải công nghiệp thông thường cạnh tranh; xây dựng quota phát thải chất thải, hình thành cơ chế tự phân loại, sơ chế chất thải tại nguồn khi thị trường tín dụng rác thải đi vào hoạt động; xây dựng, bổ sung quy định, chỉ dẫn về việc dán nhãn hiệu sản xuất xanh, thân thiện môi trường.

Nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể chi phí xử lý cho từng loại chất thải, tro, xỉ, thạch cao nhân tạo… công bố công khai để thu hút, thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn phát thải.

Theo các chuyên gia, không phải bỗng dưng, VICEM kiến nghị táo bạo như vậy để ôm rác về. Bí quyết công nghệ biến rác thải, bùn thải, chất thải công nghiệp thông thường thành nguyên, nhiên liệu trong sản xuất xi măng đã được người Việt làm chủ.

Một chuyên gia, cũng là một lãnh đạo từng gắn bó nhiều năm với VICEM cho biết, từ năm 2019 đến nay, VICEM và một số đơn vị thành viên đã thử nghiệm và thành công chương trình xử lý rác thải, bùn thải làm nhiên, nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker, xi măng.

Bùn thải lắng ở đáy sông Tô Lịch, hồ Tây... đều là nguyên liệu sản xuất xi măng tốt

lê quân

Năm 2020, VICEM đã xử lý bùn thải tại 5 dây chuyền thuộc 4 đơn vị sản xuất xi măng (Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hạ Long, Hà Tiên 1) với tổng khối lượng 15.000 tấn bùn thải. Năm 2021 là hơn 70.000 tấn bùn thải, giúp thay thế 3 - 5% nguyên liệu sét. Kế hoạch năm 2022 toàn VICEM xử lý là 86.000 tấn bùn thải.

Vướng chính cơ chế trong nước

Dù đạt được thành công, làm chủ công nghệ biến rác thành nguyên, nhiên liệu như vậy nhưng đến nay VICEM nói riêng, ngành sản xuất xi măng ở Việt Nam nói chung vẫn khó tiếp cận nguồn rác thải, bùn thải, chất thải công nghiệp thông thường… Tức là khó tiếp cận nguồn nguyên, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất. Đáng tiếc hơn là trong bối cảnh xu thế thế giới cũng như Chính phủ lại đang chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, coi rác thải là tài nguyên.

“Nếu đã coi rác thải là tài nguyên thì đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần tạo cơ chế mở hơn, giúp sản xuất xi măng đang làm chủ công nghệ có thể dễ dàng tiếp cận nguồn nguyên, nhiên liệu. Không nên giữ mãi quan niệm cũ đó là gây ô nhiễm môi trường về một ngành sản xuất đã có bước đột phá mạnh công nghệ, có thể làm sạch môi trường”, vị chuyên gia này nói.

Mùn cưa được trộn theo tỉ lệ với rác thải công nghiệp thông thường có thể thay thế 1 phần than trong quá trình sản xuất xi măng

lê quân

Cũng theo chuyên gia này, khi công nghệ thay đổi đột phá thì cấp lãnh đạo cũng cần đổi mới mạnh mẽ, tạo điều kiện cho kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh phát triển. Cụ thể, cần từng bước hạn chế, rồi tiến tới xoá bỏ chôn lấp rác thải – tài nguyên như hiện nay, rất lãng phí, gây ô nhiễm môi trường mà vẫn tốn kém tiền ngân sách để chôn. Cần phân loại rác từ đầu nguồn. Sau đó, sẽ thấy loại nào làm phân hữu cơ, loại nào làm nguyên, nhiên liệu sản xuất xi măng…

“Đơn cử, sản xuất xi măng ở VICEM rất thèm bùn thải lắng ở đáy sông Tô Lịch, hồ Tây, hồ Yên Sở do quá trình thử nghiệm đã dùng làm nguyên liệu, cho kết quả không ảnh hưởng đến chất lượng xi măng. Nhưng khi tiếp cận để đưa vào sản xuất thì lại vướng cơ chế. Sau đó, VICEM đã xử lý bùn của các làng nghề nhôm, sắt ở Bắc Ninh, Hà Nam. Trong lò 1.000 độ C, bùn cháy sinh ra nhiệt khác và nó trở thành nguyên liệu rất tốt”, vị chuyên gia nói phân tích thêm và cho biết tại Nhật Bản, các nhà máy xi măng không tốn tiền mua rác thải. Còn ở ta, vẫn phải trả tiền mua rác, chứ công nghệ đã làm chủ rồi thì không thể chờ miễn phí đầu vào nguyên, nhiên liệu.

Dù làm chủ công nghệ biến bùn thải, rác thải công nghiệp thông thường... thành xi măng nhưng VICEM vẫn khó tiếp cận nguồn nguyên, nhiên liệu này trong khi Chính phủ chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn

lê quân

TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT cho rằng, trong phát triển bền vững, đầy mạnh kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh thì không còn gì gọi là rác vì đầu ra của ngành này lại là đầu vào của ngành khác. Nhưng để làm được như vậy, cần phải có rõ ràng về cơ chế chính sách, định hướng, kỹ thuật, công nghệ, ý thức cộng đồng và việc tổ chức bài bản, phù hợp hoàn cảnh thực tế.

Hiện nay, theo ông Tùng phần lớn rác thải thu gom được vẫn đang xử lý theo kiểu truyền thống là: chôn lấp, đếm tấn lấy tiền xử lý từ ngân sách. Như vậy, vừa lãng phí tài nguyên, lại tốn kém tiền của và gây ô nhiễm môi trường. Có nhiều cách xử lý rác thải rất khoa học, tận dụng tái chế tài nguyên, mang lại nguồn lợi lớn cho xã hội, lại giảm ô nhiễm môi trường.

Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã làm, cho hiệu quả tốt như nhà máy đốt rác phát điện; xử lý rác thải trong lò đốt của nhà máy sản xuất xi măng, luyện thép; rác thải làm đầu vào trong nhà máy sản xuất phân bón…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.