Vào buổi đầu của Thế chiến hai, khi hạm đội tàu ngầm Sói Biển U-boat của Đức tung hoành ở Đại Tây Dương, đánh chìm vô số tàu chở nguyên liệu chiến lược, vũ khí, thực phẩm từ Mỹ sang Anh, suýt nữa là cắt đứt hải lộ huyết mạch này. Để đối phó, họ đã nghĩ đến việc chế tạo một tàu sân bay không thể đánh chìm, làm bằng băng để tuần tra bảo vệ tuyến đường biển này. Chính Thủ tướng Anh Churchill đã đích thân phê duyệt và cấp kinh phí để thực hiện dự án này. Nhưng dự án đang thực hiện giữa chừng thì tình hình thay đổi theo hướng thuận lợi cho người Anh, chiếc tàu khổng lồ đó không cần thiết nữa.
Ai cũng biết các "gentleman Ăng Lê" có thói quen uống trà nhiều lần trong ngày. Ngay cả ngoài mặt trận thời Thế chiến hai, binh sĩ Anh vẫn duy trì thói quen tao nhã là nhâm nhi một tách trà nếu tình thế cho phép. Chính vì sở thích này mà một đoàn xe tăng Centurion của Anh đã bị tiêu diệt gần thành phố Caen. Và, nó dẫn đến một sáng chế quái lạ sau thảm họa này.
|
|
Số là, vào tháng 6.1944, sau khi đổ bộ lên bãi biển Normandy của Pháp, quân Đồng minh tấn công mãnh liệt vào nội địa Pháp. Sư đoàn Bộ binh 352 Đức Quốc xã đã phải rút lui, tạo ra một lỗ hổng 12 km trong tuyến phòng thủ Normandy. Đại đội xe tăng Centurion 15 chiếc thuộc Lữ đoàn Thiết giáp số 22 của Anh được lệnh đột phá vào lỗ hổng này để tiến chiếm thành phố Caen.
Khi còn cách Caen khoảng 28 km, đoàn tăng Centurion tạm dừng lại ở thị trấn Villers-Bocage để các sĩ quan chỉ huy họp bàn chiến thuật. Tranh thủ quãng nghỉ, các lính tăng rời xe, nhóm lửa nấu nước để pha trà giải lao.
Không may cho người Anh, họ cứ ngỡ rằng quân Đức còn ở xa mà không biết rằng có 5 chiếc tăng Tiger I - loại tăng khủng khiếp nhất của Đức thời đó và là khắc tinh của các loại tăng Đồng minh - đang phục kích cách đó chỉ có 200 mét. Các chiếc tăng này thuộc Tiểu đoàn tăng SS-Panzer Battalion 101. Chỉ huy toán Tiger này lại là sát thủ tăng huyền thoại, đại úy Michael Wittmann, người đã tiêu diệt 117 chiếc tăng của Liên Xô trong thời gian Wittmann tham chiến ở Mặt trận phía đông. Với đầu óc chiến thuật sắc sảo, Wittmann dự đoán là các xe tăng Anh sẽ phải đi theo tuyến đường từ Villers-Bocage đến Caen, nên tổ chức phục kích gần thị trấn. Và, mọi thứ đã diễn ra đúng như Wittmann dự đoán.
Rất nhạy bén khai thác tình hình vô cùng thuận lợi này, đoàn tăng Tiger của Wittmann lập tức tấn công từ mặt hậu của đoàn tăng Anh. Họ chỉ việc chạy dọc theo các chiếc tăng Centurion đang đậu phơi mình, vừa nã pháo vừa quét đại liên như mưa. Các lính xe tăng Anh, kẻ thì đang đun trà, kẻ thì đang “xả nước trong mình ra”, không kịp trở lại xe để chiến đấu. Chỉ cần 15 phút, 15 chiếc Centurion đã trở thành những đống sắt vụn cháy bừng bừng. Thừa thắng, các xe tăng Tiger tiếp tục xông lên, tiêu diệt thêm một số xe vận tải quân sự Anh tháp tùng đoàn Centurion, ở đây các binh sĩ Anh cũng đã rời xe nên không kịp trở tay. Trong trận đánh một chiều này, quân Anh đã phải chịu tổn thất về khí tài và nhân mạng lớn.
Người Anh đã học được một bài học xương máu vì thói quen uống trà. Theo một nghiên cứu của Bộ Quốc phòng nước này năm 1946, 37% số tổn thất của lực lượng thiết giáp Anh có nguyên nhân là do kíp lái không có mặt trong xe khi bị kẻ địch tấn công.
|
Đối với lính tăng, dĩ nhiên là ở trong xe bao giờ cũng an toàn hơn là phơi mình ra ngoài. Nhưng bên trong các chiếc tăng thời Thế chiến hai thì rất chật chội và nóng bức, bởi xe tăng thời đó đâu được gắn máy điều hòa như các chiếc tăng hiện đại thời nay. Do đó, khi xe dừng lại chờ tiếp nhiên liệu, đạn được, lính tăng thường rời xe tìm chỗ nghỉ dễ chịu hơn là phải ở trong cái khối sắt tù túng, nóng bức nồng nặc mùi xăng dầu đó.
Ngay sau đó, người Anh đã nghiên cứu chế ra một thiết bị đun nước pha trà gắn bên trong xe tăng để tránh tái diễn thảm họa Villers-Bocage lần nữa. Về cơ bản, thiết bị này chỉ là một cái máy đun nước BV dùng nguồn điện 24 volt của xe, nó cũng có thể dùng để hâm nóng khẩu phần lương khô lính tăng được cấp. Chỉ kẹt cái là nó được gắn trên pháo tháp, nên thỉnh thoảng cũng có một số trường hợp tài xế và pháo thủ ngồi bên dưới “lãnh đạn” vì bị nước sôi đổ lên đầu.
Nhưng phải đến khi cuộc chiến kết thúc, thiết bị này mới hoàn thiện và trang bị cho tất cả xe tăng Anh. Đúng là “mất bò mới lo làm chuồng”, nhưng dù muộn thì có vẫn hơn không. Các chiến binh Ăng Lê đã có thể thưởng thức tách trà ngon mà không cần phải rời xe ra ngoài làm bia cho địch bắn!
Bình luận (0)