Sáng 16.6, tại Vườn quốc gia Cát Tiên (xã Nam Cát Tiên, H.Tân Phú, Đồng Nai), tổ hợp tác đa bên chung tay bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học đã được ra mắt.
Người dân địa phương cùng bảo vệ rừng
Mô hình này thuộc Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam - WWF Việt Nam thực hiện, nằm trong khuôn khổ Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ USAID tài trợ.
Đây là lần đầu tiên tại Vườn quốc gia Cát Tiên, mô hình thí điểm hợp tác giữa cộng đồng người dân địa phương và Vườn, gọi tắt là "Tổ công tác đa bên" được thành lập.
Tổ công tác đa bên này nhằm mục tiêu kết nối cùng cộng đồng vùng đệm tham gia vào các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Cát Tiên.
Thành phần "Tổ công tác đa bên" bao gồm đại diện từ Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Tiên, cộng đồng người dân các xã vùng đệm và hội phụ nữ các xã. Họ sẽ cùng nhau tổ chức các sự kiện, họp mặt trao đổi ý kiến, gắn kết các bên liên quan nhằm giải quyết những thách thức cụ thể như những mâu thuẫn lợi ích giữa sinh kế và kế hoạch ưu tiên về bảo tồn hoặc các vấn đề liên quan đến chính sách thanh toán dịch vụ môi trường rừng.
Giáo dục môi trường tới các thế hệ học sinh
Ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học của USAID, do WWF thực hiện cho biết: "Việc hình thành một cơ chế chính thức có sự tham gia của cộng đồng sẽ góp phần nâng cao tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học cũng như sự hiểu biết và tôn trọng các lợi ích xã hội của Vườn quốc gia Cát Tiên - nơi đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái toàn cầu".
Còn ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên, nhận định sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý Vườn quốc gia Cát Tiên. "Việc thành lập "Tổ công tác đa bên" không chỉ góp phần tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ di sản thiên nhiên của chúng ta mà còn nâng cao hiệu quả của chiến lược bảo tồn. Bằng cách xây dựng mối quan hệ hợp tác và chia sẻ trách nhiệm chung, chúng ta đang chung tay bảo vệ các hệ sinh thái độc đáo của Vườn quốc gia Cát Tiên cũng như đảm bảo sinh kế và sự phát triển của các cộng đồng sống gần rừng", ông Phạm Xuân Thịnh nói.
Trao đổi thêm với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Phạm Xuân Thịnh cho biết tính riêng H.Tân Phú, Đồng Nai đã có khoảng 30.000 trẻ em trong độ tuổi đi học, việc giáo dục ý thức bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Nam Cát Tiên tới các em vô cùng quan trọng. Từ trước đến nay việc giáo dục môi trường tới thế hệ học sinh tại đây đã được lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng sống, có trong chương trình giáo dục địa phương của các em học sinh.
"Với Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiều dự án để tiếp cận giáo dục môi trường tới đông đảo hơn học sinh, để các em - thế hệ tương lai, khi lớn lên, học tập trưởng thành, đi đâu cũng tự hào về rừng và có nhiều đóng góp, sáng kiến để cùng chung tay bảo vệ rừng", ông Thịnh trao đổi.
Cùng với sáng kiến thành lập "Tổ công tác đa bên" tại Vườn quốc gia Cát Tiên, Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học cũng đã hỗ trợ các mô hình tương tự tại một số khu bảo tồn trong danh sách 21 khu thuộc vùng dự án tại Việt Nam. Sáng kiến trên nhằm giới thiệu các phương pháp tiếp cận khác nhau để cộng đồng địa phương tham gia vào việc quản lý các khu bảo tồn, bao gồm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề chung, giáo dục môi trường tới đông đảo người dân.
Dự án "Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học" (VFBC) do USAID tài trợ đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt.
Theo quyết định được phê duyệt, dự án VFBC sẽ thực hiện tại 11 tỉnh gồm: Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (Vườn quốc gia Vũ Quang), Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Lâm Đồng (tập trung vào Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà) và 3 Vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Cúc Phương, Bạch Mã, Cát Tiên).
Mục tiêu của dự án là: Giảm phát thải khí nhà kính và tăng khả năng hấp thụ carbon trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng trồng của Việt Nam; Bảo tồn đa dạng sinh học.
Tính riêng Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học bao gồm 4 tiểu hợp phần: Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thân thiện với bảo tồn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng; Tăng cường quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; Tăng cường hiệu quả hệ thống thực thi pháp luật đối với tội phạm hủy hoại rừng và động vật hoang dã; Giảm nhu cầu tiêu thụ thông qua các phương pháp thay đổi hành vi. Các hoạt động của hợp phần được thực hiện trong 5 năm, từ tháng 7.2020-6.2025.
Bình luận (0)