Kể về sáng kiến “ATM nhận và trả hồ sơ 24/7” đầu tiên của TP.HCM, Phó chủ tịch UBND Q.6 Vương Thanh Liễu chia sẻ với tôi rằng, phải mất 2 năm từ lúc lên ý tưởng, vận hành thử nghiệm, tiếp thu hoàn chỉnh, hệ thống mới ra mắt hôm 8.3.
Ý tưởng xuất phát từ việc cán bộ công chức Văn phòng UBND Q.6 mong muốn mang đến một tiện ích cho người dân, bên cạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Yêu cầu đặt ra là hệ thống phải dễ thao tác, thực hiện nhanh chóng và giải quyết cả ngoài giờ hành chính. Tổng kinh phí từ máy móc, phần mềm, cải tạo phòng đặt máy… hết khoảng 300 triệu đồng - con số không quá lớn khi đặt cạnh những tiện lợi mang lại. Tuy vậy, bà Liễu không chủ quan mà nói rằng “có nhân rộng ra hay không phải tùy thuộc vào đánh giá sự hài lòng của người dân về hệ thống”.
Một sáng kiến xuất phát từ mục tiêu phục vụ người dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả mô hình trước khi nhân rộng là điều cần được biểu dương, trong bối cảnh thủ tục hành chính rườm rà khiến người dân và doanh nghiệp than phiền nhiều năm qua.
Rõ ràng, khi cán bộ, công chức đặt mình vào hoàn cảnh của người dân, lấy những nhu cầu của người dân làm trọng tâm thì không khó để nảy ra ý tưởng và phát triển thành sản phẩm cụ thể, tiện ích. Như vào đợt cao điểm dịch bệnh Covid-19 vào tháng 3.2020, TP.HCM hạn chế nhận hồ sơ trực tiếp và tăng cường giải quyết hồ sơ trực tuyến. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng đủ trình độ tin học để thao tác trên máy tính làm hồ sơ trực tuyến, nhất là những người lớn tuổi. Khi đó, nhiều quận, phường đã cử công chức, đoàn viên thanh niên xuống nhà dân nhận hồ sơ trực tiếp hoặc cử công chức túc trực hướng dẫn làm hồ sơ trực tuyến. Tổng kết trong tháng 3 và tháng 4.2020, số lượng hồ sơ trực tuyến tăng đáng kể.
“Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc” không nên chỉ là khẩu hiệu, mà cần nên hiện thực hóa bằng những sáng kiến, công trình cụ thể.
Bình luận (0)