Thị trường ô tô Việt Nam vừa trải qua năm 2023 đầy biến động khó khăn. Trong đó, cuộc đua ưu đãi, giảm giá bán giữa các nhà sản xuất, phân phối ô tô cùng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ được chính phủ ban hành… đã góp phần giúp người Việt tiết kiệm được hàng chục đến cả trăm triệu đồng khi mua ô tô. Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi khi bước sang năm 2024.
Khác với những tháng trước đây, bắt đầu từ ngày 1.1.2024, người Việt mua ô tô lắp ráp trong nước sẽ không còn được hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định 41/2023/NĐ-CP. Bởi Nghị định 41/2023/NĐ-CP chỉ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7 đến hết ngày 31.12.2023. Từ ngày 1.1.2024 trở đi, khách hàng mua ô tô lắp ráp trong nước sẽ phải đóng lệ phí trước bạ theo quy định cũ tại Nghị định 10/2022/NĐ-CP.
Trên thực tế, việc áp dụng lệ phí trước bạ theo quy định cũ không ảnh hưởng đến giá bán niêm yết của ô tô lắp ráp trong nước. Tuy nhiên khi làm thủ tục, giấy tờ liên quan để xe lăn bánh, khách mua xe từ ngày 1.1.2024 phải mất nhiều tiền để đóng lệ phí trước bạ hơn so với những tháng trước đây.
Ví dụ, những tháng trước đây khi mua một chiếc Hyundai Accent bản đặc biệt, đăng ký tại TP.HCM chỉ phải đóng khoảng 50% lệ phí trước bạ, tương ứng khoảng 27,1 triệu đồng, chưa tính ưu đãi từ đại lý. Nhưng từ năm 2024, khi Nghị định 41/2023/NĐ-CP đã hết hiệu lực, khách mua mẫu xe này phải đóng 100% lệ phí trước bạ, tương đương khoảng 54,2 triệu đồng.
Việc ô tô lắp ráp trong nước không còn được hưởng chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ cũng phần nào làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường ô tô. Trước đây, khi Nghị định 41/2023/NĐ-CP được áp dụng, không chỉ ô tô lắp ráp trong nước nhiều mẫu mã ô tô nhập khẩu cũng được nhà phân phối mạnh tay áp dụng ưu đãi 50 - 100% lệ phí trước bạ để cạnh tranh. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ không xảy ra trong năm 2024.
Doanh số ô tô tại Việt Nam năm 2022 kỷ lục, Toyota và Hyundai lại "đua song mã"
Ngoài việc chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước không còn được áp dụng, việc nhiều mẫu mã ô tô tăng giá bán cũng khiến nhiều người Việt mua ô tô trong thời gian tới sẽ tốn nhiều tiền hơn.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khi thời gian bán hàng càng về dịp cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm ô tô của người Việt có xu hướng gia tăng… tình trạng đại lý bán ô tô theo kiểu "bia kèm lạc" lại tái diễn, chủ yếu với các mẫu mã mới trên thị trường ô tô. Các phiên bản Toyota Innova Cross lại bị một số đại lý đẩy giá thông qua hình thức bán kèm gói phụ kiện trị giá 30 - 45 triệu đồng cho người mua muốn nhận xe sớm. Phiên bản Honda CR-V e:HEV RS nhập từ Thái Lan vốn hạn chế về nguồn cung cũng bị đại lý "làm giá" thông qua gợi ý mua gói phụ kiện khoảng 40 triệu đồng để có thể nhận xe sớm.
Trong khi đó, từ cuối năm 2023 các mẫu xe vốn hút khách có xu hướng tăng giá bán. Bộ đôi Hyundai Tucson và Santa Fe, mới đây được TC Motor thông báo tăng giá bán. Trong đó, giá Hyundai Tucson tăng 30 - 90 triệu đồng, lên mức 799 - 959 triệu đồng. Các phiên bản Hyundai Santa Fe tăng 60 - 70 triệu đồng, lên mức 1,12 - 1,36 tỉ đồng.
THACO AUTO cũng vừa có động thái tăng giá bán một loạt mẫu xe mang thương hiệu Mazda. Trong đó, giá bán Mazda CX-5 - mẫu xe hút khách nhất tiếp tục tăng thêm 5 triệu đồng, đây là lần thứ 2 sau hai tháng liên tiếp giá bán Mazda CX-5 leo thang. Hiện tại, mẫu xe này đang có giá từ 759 - 999 triệu đồng. Giá xe Mazda CX-30 tăng thêm 25 triệu đồng cho cả 2 phiên bản Luxury và Premium. Ngay cả mẫu Mazda2 Sport nhập khẩu từ Thái Lan cũng tăng thêm 28 triệu đồng với bản Luxury (hiện tại 507 triệu đồng), bản Mazda2 Sport Premium tăng 33 triệu đồng, từ 519 triệu đồng lên 552 triệu đồng. Thậm chí, ngay cả mẫu xe mới Peugeot 408 mở bán được hơn 2 tháng cũng vừa được THACO AUTO thông báo tăng giá thêm 20 triệu đồng.
Bình luận (0)