Đến hơn 9 giờ sáng, nắng đã khá gay gắt nhưng bầu trời vẫn một màu trắng đục như sương mù. Tuy nhiên, theo các chuyên gia khí tượng thì đây lại là hiện tượng mù khô do ô nhiễm không khí gây ra. Hiện tượng này thường xuất hiện vào thời điểm đầu mùa khô khi không còn những cơn mưa làm sạch bầu không khí. Bụi mịn kết hợp với hơi nước cứ lơ lửng trong không khí tạo nên một màu trắng đục suốt cả ngày. Mức độ ô nhiễm không khí ở mức có hại cho sức khỏe.
Các bản đồ theo dõi mức độ ô nhiễm không khí theo thời gian thực
CHỤP MÀN HÌNH
Theo IQAir, lúc 8 giờ sáng Hà Nội với nồng độ bụi mịn trong không khí là 176 µm/m3 (trên 150 tương ứng màu đỏ, dưới 150 là màu cam và dưới 100 là màu vàng) đứng 6 thế giới về mức độ ô nhiễm không khí còn TP.HCM là 164 xếp thứ 10.
Đối với Hà Nội, hôm nay cũng là ngày ô nhiễm nhất trong tuần. Trong 3 ngày trước đó, mức độ ô nhiễm từ 113 - 156 µm/m3, còn 3 ngày tiếp theo sẽ giảm dần từ 123 - 104 µm/m3.
Tình trạng cũng tương tự với TP.HCM nhưng mức độ nhẹ hơn một chút khi chỉ có ngày hôm nay là màu đỏ còn 3 ngày trước đó, mức độ ô nhiễm của TP.HCM là 112 - 115 µm/m3 tương đương với màu cam. Trong những ngày tiếp theo sẽ trở về màu vàng với nồng độ bụi mịn còn dưới 100, tương ứng với màu vàng.
TP.HCM bị bụi mịn che mờ trong suốt cả ngày 5.1.2023
NGỌC DƯƠNG
Chất lượng không khí màu đỏ tương ứng với mức độ không lành mạnh cho sức khỏe con người và màu cam tương ứng không tốt cho nhóm người nhạy cảm.
Ô nhiễm không khí là vấn đề của hai thành phố này trong nhiều năm qua. Một trong những nguyên nhân chính là do hệ thống giao thông, có hàng triệu ô tô và xe máy làm tắc nghẽn đường phố thành phố hàng ngày. Nhiều phương tiện trong số này đã cũ nên không tuân thủ tiêu chuẩn khí thải. Bên cạnh đó là các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng và sinh hoạt của người dân.
Mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 bình quân trong năm của cả hai thành phố này đều cao hơn gấp đôi so với mức khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới WHO.
Bình luận (0)