Sáng tạo hay phá nát?

01/12/2021 07:00 GMT+7

Vừa qua, việc ca sĩ Han Sara và ê kíp biến tấu ca khúc Cô gái mở đường (phối lại với nhạc điện tử, thay đổi phần lời và thêm rap) cùng phần trình diễn với trang phục nhạy cảm trong chương trình The Heroes (được phát sóng trên VTV3) đã gây phản ứng.

Ca sĩ Han Sara, đại diện ê kíp cũng như nhà sản xuất chương trình đã lên tiếng xin lỗi. Đồng thời, video phần trình diễn này trên YouTube, TikTok cũng như nhiều nền tảng khác đã được gỡ bỏ. Nhưng, sự việc này một lần nữa đặt ra vấn đề cần hiểu thế nào cho đúng về ranh giới giữa sáng tạo và “phá nát” khi làm mới hay biến tấu tác phẩm cũ, nhất là tác phẩm mang giá trị lịch sử.

Đừng biến cái cao cả thành tầm thường !

Không chỉ khán giả mà nhiều người trong giới làm nghề đều bức xúc vì Han Sara và ê kíp đã “phá nát” ca khúc Cô gái mở đường, tác phẩm âm nhạc cách mạng ca ngợi sự hy sinh quên mình của những cô gái thanh niên xung phong năm xưa của nhạc sĩ Xuân Giao. Điều đáng nói, mỗi phần thi của thí sinh trong chương trình The Heroes đều có sự hỗ trợ, tư vấn từ những nhạc sĩ, nhà sản xuất; và Han Sara được nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn. Vì thế, việc cô gái trẻ người Hàn như Han Sara chưa hiểu rõ giá trị lịch sử, hay văn hóa của dân tộc Việt Nam chưa đáng trách bằng việc tiết mục này được xuất hiện trong sân chơi âm nhạc trên truyền hình.

Han Sara bị chỉ trích khi biểu diễn Cô gái mở đường với trang phục nhạy cảm cùng những biến tấu bị cho rằng đã “phá nát” ca khúc

C.T.S

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, Han Sara và ê kíp của cô đã biến tấu ca khúc Cô gái mở đường theo cách phá đi kết cấu của bài. “Việc phá đi kết cấu của một tác phẩm cũ để tạo thành một tác phẩm mới với âm nhạc thế giới không phải là điều lạ. Ngay với âm nhạc cổ điển cũng có, như có những nghệ sĩ ngẫu hứng trên chủ đề nào đó trong tác phẩm của Mozart hay Beethoven. Nhưng điều quan trọng là khi biến tấu, người ta không được lấy tên của tác phẩm cũng như đề tên tác giả của bản gốc nữa, mà phải ghi rõ là tác phẩm biến tấu. Bên cạnh đó, khi “chạm” vào những tác phẩm mang giá trị biểu tượng về giai đoạn hào hùng của lịch sử dân tộc, giai đoạn mà cha ông đã hy sinh nhiều xương máu cho đất nước, thì người nghệ sĩ phải rất thận trọng”, ông Long nói.

Han Sara lên tiếng về tiết mục làm mới Cô gái mở đường' bị cho phản cảm

Nhà nghiên cứu âm nhạc này cho rằng, không chỉ là phần lời mà phần trình diễn, trong đó có cách ăn mặc của nghệ sĩ, vũ điệu cũng phải sáng tạo sao cho phù hợp. “Làm mới không phải là tạo nên cái đối chọi, biến cái cao cả thành cái tầm thường, mà phải hiểu về bối cảnh ra đời của tác phẩm, giá trị của tác phẩm, tác động xã hội của tác phẩm đó nữa”, ông Long bày tỏ.

Thận trọng chứ không phải e dè

Thời gian qua, nhiều ca sĩ thực hiện chuỗi clip cover (hát lại) trên kênh YouTube cá nhân, có thể kể đến Vicky Nhung, Trịnh Thăng Bình, Bảo Anh, Phương Phương Thảo, Dương Edward, Hà Nhi hay Hòa Minzy - Anh Tú - Hứa Kim Tuyền… Sự phổ biến của việc cover còn thể hiện qua các chuỗi chương trình như The cover show (phát 20 giờ 30 thứ tư hằng tuần trên VTV3) và chương trình talk show cùng tên phát YouTube (thứ bảy hằng tuần), hay The cover arena (phát trên YouTube)…

Không thể phủ nhận, việc cover, hay khoác “áo mới” cho ca khúc cũ cho thấy việc sáng tạo với âm nhạc cũ là một phần của dòng chảy âm nhạc mới. Theo nhạc sĩ Hoài Sa, Giám đốc âm nhạc The cover show, ca khúc cũ được chọn làm mới thường là những ca khúc hay, có giá trị nhất định, nhưng cũng là ca khúc đã gắn với ký ức của nhiều người. Bởi vậy, ca sĩ hát lại ca khúc cũ thường dễ bị “soi” và không phải lúc nào khán giả cũng dễ dàng chấp nhận việc làm mới một tác phẩm đã ăn sâu vào tiềm thức của họ.

Xuất hiện 'em gái Hương Tràm' khiến Phương Uyên trố mắt ngạc nhiên

Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Minh Nhiên, cần phải hiểu rằng cover không đơn thuần chỉ là hát lại ca khúc, mà là công việc đòi hỏi không chỉ ca sĩ mà cả nhạc sĩ hòa âm, nhà sản xuất cũng phải sáng tạo, để tạo nên dấu ấn mới cho bài hát. Nhạc sĩ này cho rằng quan trọng nhất vẫn là các nghệ sĩ phải có sự hiểu biết bởi nếu làm tốt, cover cũng là một trong những cách giúp ca sĩ - nhất là ca sĩ trẻ, có thể tiếp cận hoặc mở rộng đối tượng khán giả của mình. Bên cạnh đó, việc một ca sĩ trẻ làm mới những ca khúc vượt thời gian, gắn với lịch sử dân tộc còn là cách để đưa những ca khúc này một lần nữa “sống lại”, thêm phần tươi mới, dễ tiếp cận với công chúng trẻ.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, cũng không nên e ngại việc làm mới những ca khúc cũ, nhất là những ca khúc cách mạng, mang giá trị lịch sử và coi đó là những tác phẩm “thiêng” không thể chạm tới. Ông Long cho rằng: “Khán giả không nên khắt khe về sự sáng tạo trên tác phẩm cũ của người nghệ sĩ, còn người nghệ sĩ cũng không nên khép kín lại sự sáng tạo của mình với những tác phẩm cũ. Chúng ta khuyến khích sự sáng tạo. Chỉ có điều là cần có thái độ trân trọng với tác phẩm mà họ lấy đó làm cái nền để tạo nên cái mới”.

“Sự sáng tạo đó cần theo đúng “đường ray”. Người nghệ sĩ phải làm sao để mang đến sức sống mới cho tác phẩm cũ hoặc tạo ra những tác phẩm phái sinh mà khán giả qua đó lại tìm đến và lắng nghe cả những tác phẩm nguyên bản. Làm được như vậy thì nghệ sĩ còn góp phần lan tỏa những giá trị của các tác phẩm cũ”, ông Long nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.