Sáng tạo và lòng tự trọng

07/09/2017 06:50 GMT+7

Trong những câu chuyện vui của mình, họa sĩ Lê Quảng Hà có lần nói với bạn bè, nếu muốn được giải thưởng mỹ thuật trong nước anh sẽ được ngay, “cứ vẽ công nông binh”.

Nghệ sĩ nghệ thuật thị giác Trần Lương cũng thừa nhận, có một thời, những giải thưởng và thang giá trị của mỹ thuật trong nước chỉ trong đề tài gói gọn vậy. Vẽ theo đề tài như thế mang lại giải thưởng, nhưng cũng làm cho nghệ sĩ xa dần với sáng tạo hội họa.
Không chỉ nghệ sĩ quên sáng tạo, đến ban giám khảo cũng vậy, họ quên mất việc phải xem nhiều tác phẩm hơn, đọc nhiều sách vở hơn. “Vì giám khảo lười xem, lười học, nên lâu lâu lại có việc tác giả được trao giải xong thì người ta lại phát hiện nó giống hệt một bức tranh nào đó”, ông Lương nói.
Chưa kể, ông Lương còn chứng kiến sự chụp mũ trong nghệ thuật, chẳng hạn, một người bạn của ông dù vẽ rất tốt đã bị đánh hỏng bài vẽ tốt nghiệp. Họa sĩ đó bị cho là đã vẽ người lấy báo ra đắp thay vì mặc quần áo. Trong khi, tác giả vẽ một người mặc thổ cẩm với những hoa văn li ti, do đó bị nhầm với những hàng chữ trên báo.
Một môi trường sáng tạo với thang đo nghệ sĩ như thế kéo dài trong hàng chục năm thực sự khó mà khuyến khích sáng tạo đều đặn. Sự máy móc không bị lên án càng khiến chính nghệ sĩ quên mất cả việc sáng tạo lẫn bổ sung kiến thức nền không được dừng lại. Kiến thức nền đó không chỉ nằm trong hội họa, nó còn là những lý thuyết về các vấn đề của đô thị, của dân số, sức khỏe hay pháp luật, trong đó có pháp luật về bản quyền. Tình trạng này cũng không khác nhiều ở các mảng sáng tạo khác như điện ảnh, âm nhạc và thiết kế...
Chính vì thế, nhiều tác giả khi sáng tạo đã ngang nhiên “cầm nhầm” tác phẩm của người khác. Những tác phẩm này cũng được đưa ra giới thiệu công khai. Tác giả đạo ý tưởng, thậm chí còn cho rằng tác phẩm của mình có giá trị hoàn toàn mới, hoàn toàn khác so với tác phẩm bị sao chép. Có người lại đưa ra quan điểm về sở hữu trí tuệ hoàn toàn kỳ lạ như sử dụng nhạc dưới 30 giây thì không cần xin phép. Sự kỳ quặc của hiểu biết, của thiếu tự trọng nghệ sĩ đó khó có thể được chấp nhận trong môi trường chuyên nghiệp. Sự thiếu tôn trọng pháp luật bản quyền thực sự đã có mầm mống từ sự thiếu tôn trọng sáng tạo từ trước đó rất lâu.
Đã đến lúc nghệ sĩ buộc phải tôn trọng giá trị sáng tạo của người khác, bên cạnh tự thân mình học cách sáng tạo thật sự tự trọng. Như thế, họ mới có thể trụ được trong công nghiệp sáng tạo - nơi không có chỗ cho những ai lười suy nghĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.