Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng thí nghiệm Tái lập chương trình tế bào, Trường đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM và cộng sự đang từng bước chuẩn bị cho sự ra đời của một chú bò nhân bản vô tính đầu tiên của Việt Nam.
Giáo sư Thuận (giữa) và các sinh viên - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Tiến sĩ Thuận cho biết: “Năm 1995, Nhật tặng cho Úc và Mỹ mỗi nước 2 con bò. Họ đã lai tạo phát triển thành hàng triệu con bò, sau đó xuất khẩu ra các nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đàn bò đó con cái thì bị tiêm thuốc cho tiêu buồng trứng, con đực thì bị thiến vì nguyên tắc buôn bán thương phẩm không được nhân giống. Chúng tôi sẽ sử dụng công nghệ để nhân bản con bò vô sinh đã bị giết mổ thành những con bò có khả năng sinh sản bình thường trở lại”.
Quá trình này có thể được mô tả như sau: lấy buồng trứng của con bò cái (giống Việt Nam) vừa bị giết mổ, đưa vào phòng thí nghiệm để thu nhận trứng, sau đó nuôi cho trứng chín trong vòng 24 giờ rồi lấy nhân tế bào của trứng ra. Sau đó, đưa tế bào của con bò cần nhân bản (bò Úc) vào trứng đã được lấy nhân, kích hoạt cho trứng phát triển thành phôi nhân bản vô tính. Bước tiếp theo là chuyển phôi qua một “cô” bò khác để mang thai hộ. Quá trình mang thai này cũng trải qua 9 tháng như bao con bò khác. Hiện nay, theo tiến sĩ Thuận, các chuyên gia giỏi nhất thế giới về nhân bản vô tính khi nhân bản có tỷ lệ thành công cao nhất là 2%; nghĩa là 100 phôi sẽ chỉ có 2 con được sinh ra. Tuy nhiên, tiến sĩ Thuận cho biết năm 2009, ông và các cộng sự đã phát hiện ra kỹ thuật mới có thể nâng cao tỷ lệ thành công lên đến 7 - 8%.
Việc nhân bản vô tính bò nếu diễn ra tại Việt Nam có một ý nghĩa lớn trong khoa học, khẳng định Việt Nam cũng có khả năng tạo ra một động vật mới từ tế bào của một động vật đã chết, như các nước phát triển bậc nhất đã từng làm. Ngoài ra, việc này còn mang đến giá trị kỳ diệu khác cho con người.
Tiến sĩ Thuận lấy một ví dụ: “Một người đang điều trị bệnh ung thư sẽ bị giảm hồng cầu rất nhiều và cần bổ sung Human Erythropoietin (Human EPO), một men kích thích quá trình tạo hồng cầu. Chúng ta sẽ chuyển gien Human EPO vào tế bào của bò, sau đó dùng kỹ thuật nhân bản vô tính tạo bò nhân bản. Con bò nhân bản này sẽ trở thành một nhà máy sản xuất ra Human EPO thông qua nguồn sữa của nó. Hiện nay, một gram Human EPO trên thị trường có giá hàng triệu USD, và con bò nhân bản chuyển cấy gien này nếu thành công sẽ có giá trị cả trăm triệu USD. Đây chính là hướng đi mới của thế giới trong việc tạo ra dược phẩm quý hiếm chữa bệnh cho con người”.
Hiện dự án nhân bản vô tính bò của vị giáo sư sinh năm 1966 này đang được Trường đại học Quốc tế và Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam ủng hộ, đầu tư. Ông dự định, vào năm 2017 - 2018, chú bò vô tính đầu tiên sẽ ra đời.
Trong tương lai, việc nhân bản vô tính ở Việt Nam, theo tiến sĩ Thuận, sẽ hướng đến cả việc sản xuất nội tạng sinh học cho con người, như ông và các cộng sự ở Hàn Quốc đã từng nghiên cứu thành công vào năm 2009, đó là nhân bản vô tính heo để tạo ra trái tim và thận cho cơ thể người có thể sử dụng mà không bị đào thải.
|
Bình luận (0)