Vẽ bằng… phế liệu
Hoàng Thị Mỹ Trinh (lớp 8A, Trường THCS Tân Lập) đoạt giải nhất cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn tỉnh Quảng Trị”. Vốn con nhà nông nên ý tưởng vẽ tranh tận dụng từ phế liệu rất gần gũi với cô bé có mái tóc đen tuyền này. Sự sáng tạo của Trinh đến một cách khá lẹ làng nhưng hẳn trong tâm hồn em đã có sự ấp ủ từ lâu lắm. Em đã thu lượm được rất nhiều phế phẩm trong nhà mình và hàng xóm để tạo nên một bức tranh quê hương sau 8 đêm mày mò đến tận khuya. “Bức tranh của em đã được gửi đi dự thi ở cấp cao hơn, nhưng anh có thể tưởng tượng ra nó như là một bức họa đồng quê giản dị nhất trên khổ giấy lớn. Ở đó, có một ngôi nhà làm bằng xốp và rơm nằm e ấp bên hàng dừa bằng chổi đót, có một cây cầu bằng vỏ trứng bắc qua một thác nước nhỏ làm bằng những viên đá li ti, có tổ chim làm bằng hạt cà phê và mây trời bằng bông gòn nữa”, Trinh như mê mẩn trong một khoảng trời riêng của mình khi kể về bức tranh.
|
Giật mình, Trinh ngẩng đầu lên mở đôi mắt tròn xoe nhìn tôi rồi bâng quơ hỏi: “Đâu có gì đẹp hơn quê hương mình phải không anh?”. Thấy tôi gật đầu, Trinh nói luôn: “Em cũng biết thế nên mới dùng đề tài quê hương để lồng ghép kêu gọi mọi người hãy biết tận dụng đồ phế thải, để làm cho quê hương mình đẹp thêm, xanh thêm”.
Trò chơi về lịch sử
Sáng tạo của Võ Thị Thu Hoài (lớp 9B, Trường THCS Tân Liên, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) là “Phần mềm tìm hiểu lịch sử” đoạt giải ba của cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Trị”. “Phần mềm của em giống như một trò chơi trả lời câu hỏi về kiến thức lịch sử lớp 8 và 9. Người chơi sẽ được đi tiếp khi trả lời đúng từng câu hỏi”, Hoài nói.
|
Điều bất ngờ nhất là dù Hoài đã sáng tạo ra một phần mềm khá công phu nhưng nhà lại không có… máy tính. Hoài bảo dù rất mê nhưng không có tiền để sắm nên toàn bộ thời gian tìm tòi cũng như sáng tạo ra phần mềm em đều phải thực hiện ở phòng máy của trường hoặc sang nhà bạn. “Thường thì sau thời gian đến trường và phụ bố mẹ trông em, hái cà phê, hễ lúc nào rảnh là em lại sang nhà bạn thôi. Lúc đầu cũng hơi ngại nhưng vì em đến không phải để chơi nên các bạn ấy và ba mẹ của các bạn cũng rất khuyến khích”.
Cô bé nhút nhát này mong muốn sáng tạo của mình sẽ giúp các bạn đồng trang lứa học tốt môn tin học và củng cố kiến thức môn lịch sử. “Đặc biệt là môn lịch sử vì ngay ở lớp em thôi cũng có nhiều bạn ngó lơ môn này trong khi em thấy lịch sử là môn học rất bổ ích, giúp ta hiểu biết về quá khứ và tiếp thu truyền thống của dân tộc, quê hương”, Hoài trò chuyện.
Nguyễn Phúc
>> Chung tay xây dựng quê hương
>> Vì biển đảo quê hương
>> Chuyện quê hương
>> Quê hương dưới cánh dù
Bình luận (0)