Các em nói cười rộn rã, hân hoan bởi từ nay đã có một nơi thật hoành tráng, tiện nghi hiện đại để sinh hoạt vui chơi sau giờ học tập. Tiếng đàn tiếng hát điệu múa lời ca sẽ tiếp tục vút lên từ đây, ươm mầm cho những tài năng trẻ thơ của Sài Gòn sau 42 năm nước nhà thống nhất.
Rồi bỗng dưng chợt nhớ đúng ngày 29.4.1975, tôi cũng là một đứa trẻ, đang ở cùng gia đình tại Vũng Tàu, ngồi nghe vẳng lại tiếng súng nổ ở đâu đó phía cầu Cỏ May hoặc Núi Lớn, Núi Nhỏ. Những tiếng súng đó là dư vọng kết thúc một cuộc chiến kéo dài, chấm dứt bao tang tóc, đổ nát hoang tàn. Lúc ấy, tôi cứ nhìn về phía xa, cứ mường tượng rằng đó là Sài Gòn, để nghe từ nơi ấy, qua làn sóng radio nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cất lên lời hát của bài Nối vòng tay lớn. Từ bấy cho đến giờ, đã trải biết bao biến thiên của một giai đoạn lịch sử, nhưng lòng như chợt chùng lại khi nghe các em cất lên lời những bản nhạc vui tươi vào sáng tháng tư này, ở góc phố kia.
Những lần về quê hỏi thăm các bậc phụ huynh, tôi biết thêm nhiều bạn trẻ lập gia đình giờ đã vững chân ở TP.HCM, lại thấy vui vui. Không phải là các bạn muốn ly hương, nhưng với những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi nhà, thì TP.HCM là nơi dung nạp và tạo điều kiện cho nhiều người thi thố, thể hiện năng lực. Mà không chỉ ở quê tôi, nhiều nơi trên đất nước này hội tụ về, nơi thường được mọi người nói đùa là “hợp-chủng-quốc thu nhỏ”. Bởi vậy, vùng đất này đôi khi tôi trộm nghĩ, đó là một “thành phố cưu mang”, bên những điều người ta thường nói về nó, như là “thành phố nghĩa tình”, “thành phố của những bước chân mưu sinh”…
Tôi cũng là một trong muôn vạn số đó, với hơn 20 năm ở nơi này. TP.HCM có lẽ phải vượt qua nhiều nỗi truân chuyên, đa đoan của một cơ thể sống luôn phải dung nạp đủ thứ, để phải gồng mình sản sinh ra một thứ đề kháng. Thứ đề kháng ấy, có thể sẽ giúp cho bao lớp trẻ lớn lên, giỏi giang và khởi nghiệp thành công. Đẹp ngay từ nơi ươm mầm, đúng như ý tưởng kiến trúc của ngôi nhà thiếu nhi mới vừa cắt băng khánh thành hôm nay.
29.4.2017
Bình luận (0)