Đa phần du khách khi đến với phố cổ Hội An đều thắc mắc rốt cuộc tàu phớ, đậu hủ là một hay hai? |
HOA NỮ |
Trong một ngày đầu năm, dẫn đứa bạn ở nơi khác về Quảng Nam thăm xuân đến với phố cổ Hội An, và bạn tôi cũng như bao du khách lần đầu đặt chân đến đây đều chung một thắc mắc: “Đậu hủ, tàu phớ là một hay hai?”. Ai cũng hỏi câu này đến nổi những người bán hàng ở đây cho biết họ lại thấy lạ và như thiếu thiếu điều gì nếu du khách ăn mà lại không hỏi câu này.
“Ngộ ngộ nhưng thú vị thật”
Vừa đặt chân đến phố cổ Hội An, tôi liền mời bạn thưởng thức món đậu hủ đặc trưng ở nơi đây. Cũng không phải cố tình hay mất nhiều công sức để dẫn bạn đi ăn được món đặc trưng này, vì vừa đặt chân đến với phố cổ, đâu đâu cũng nghe được câu chào mời thân thuộc: “Em ơi! Đậu hủ, tàu phớ đi”.
Du khách nào đến Hội An cũng muốn thưởng thức món đậu hủ, tàu phớ đặc trưng này |
HOA NỮ |
Nhưng vừa nhìn thấy tấm bảng chào mời khách của gánh đậu hủ lề đường, bạn tôi đã thắc mắc: “Mình biết hình như đậu hủ và tàu phớ là một sao tấm bảng này lại viết thành hai. Đáng lẽ nên viết là “đậu hủ (tàu phớ)” thì đúng hơn chứ nhỉ?”. Và ngay sau đó, bạn tôi liền hỏi cô bán hàng: “Đậu hủ, tàu phớ là một hay hai vậy ạ?”.
Cô chủ bán hàng vừa giải thích cho bạn tôi xong thì một nhóm bạn trẻ khác đến và trước khi gọi món cũng hỏi câu tương tự, và cô chủ lại giải đáp.
Món ăn dân dã nhưng thu hút rất đông người trẻ khi đến với phố cổ Hội An |
HOA NỮ |
Trần Thị Như Hạnh (25 tuổi, quê ở Hương Trà, TP. Huế, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. Nha Trang) sau khi nghe cô bán hàng ở đây giải thích thì tiếp tục xôn xao bàn tán với đám bạn về chủ đề đậu hủ, tàu phớ này.
Chia sẻ với người viết, Hạnh cho biết cô nàng khá ngạc nhiên và cũng rất ấn tượng khi hầu hết các bảng chào mời khách ở đây đều để đậu hủ và tàu phớ riêng, vì theo như Hạnh biết thì 2 món này vốn dĩ là một.
“Mình có đứa bạn ở Hà Nội thì hay gọi món này là tào phớ, tương tự như đây gọi là tàu phớ. Còn quê mình gọi là đậu hủ nên mình biết 2 món này vốn dĩ là một vì thực chất cách chế biến và nguyên liệu đều như nhau, chỉ khác nhau là tên gọi các miền thôi. Nhưng đến đây thì thấy đâu đâu cũng để thành 2 món, vì thế mà vừa thấy ngạc nhiên mà vừa ấn tượng vì thấy ai đến ăn cũng hỏi đậu hủ, tàu phớ là một hay hai”, Hạnh chia sẻ.
Mọi người thắc mắc nhiều vì cứ nghĩ là một nhưng lại để thành 2 ở trên các tấm bảng chào mời khách |
HOA NỮ |
Đi cùng với Hạnh là Nguyễn Thị Thu (sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) cũng có thắc mắc tương tự: “Trước giờ mình nghĩ là một, nhưng đến đây thấy lạ nên hỏi. Hỏi rồi mới biết được là cùng một món nhưng lại có nhiều cách gọi khác nhau và cách lý giải khác nhau cho những cách gọi này”.
Nhóm của Hạnh, Thu cũng như đứa bạn của tôi, ai ngồi ăn xong cũng tấm tắc khen ngon. Thu bày tỏ: “Đúng là đậu hủ, tàu phớ ở đây ăn khá ngon. Ngon vì được ngồi ăn kiểu vỉa hè thế này, cũng ngon vì cách chế biến và cho thêm các loại topping khác nhau, và cũng lại ngon vì những câu chuyện khá ấn tượng về nguồn gốc của các tên gọi cho món ăn này. Ngộ ngộ nhưng thú vị thật”.
Mỗi người một cách giải thích
Vì thấy ấn tượng nên đứa bạn nhất định bảo tôi phải dẫn đi ăn nhiều gánh hàng khác nhau, chỉ để nghe các cô bán hàng ở đây lý giải tàu phớ, đậu hủ là một hay hai.
Món tào phớ với đầy đủ các loại topping |
HOA NỮ |
Cửa hàng đầu tiên chúng tôi ghé đến và được rất nhiều bạn trẻ ưa thích vì trong món tàu phớ, đậu hủ ở đây còn được cô chủ “chịu chơi” cho thêm hạt sen vào.
“Hạt sen khá đắt, nên các em đến ăn các tiệm khác đâu có ai chịu chơi như chị là cho hạt sen vào đâu”, chị Lương Thị Cẩm Bình, chủ gánh chè Bình ở phố cổ Hội An, bày tỏ.
Đáp lại câu hỏi của bạn tôi cũng như nhiều du khách, chị Bình lý giải: “Đậu hủ và tàu phớ thực ra là một. Nhưng theo cách gọi trong này là đậu hủ, ngoài miền Bắc là tàu phớ, nên mình để vậy cho khách ở đâu đến đây cũng dễ biết”.
Chị Bình cùng gánh tàu phớ, đậu hủ của mình |
HOA NỮ |
Rời gánh hàng của chị Bình, ghé đến với gánh chè 2 Dì của chị Nguyễn Thị Thanh Nga. Chị Nga lại có cách lý giải khác về tên gọi đậu hủ, tàu phớ này.
Vẫn câu hỏi đậu hủ, tàu phớ là một hay hai, thì Chị Nga lý giải: “Là 2 chứ. Đậu hủ chỉ ăn với nước đường còn tàu phớ ăn với nhiều loại topping khác như trân châu, thạch, nước cốt dừa…”
Nhưng chị Nga cũng cho biết thực chất trước đây đậu hủ và tàu phớ cũng như nhau. “Thời nay mấy đứa trẻ hay ăn thêm các loại topping nên mình cũng theo chứ trước đây tàu phớ cũng chỉ ăn như đậu hủ, không có nhiều loại topping các thứ này”, chị Nga nói và lý giải thêm: “Thực chất tàu phớ có nguồn gốc từ người Hoa, và theo tiếng của họ thì được gọi là “tàu phụ”, nhưng mình nói riết rồi chữ “phụ” thành chữ “phớ”. Còn đậu hủ là người miền Trung, Nam đều gọi như vậy. Do ngày xưa mấy bà, mấy bác tự nấu ở nhà xong bỏ vào các hủ đất để mang đi bán nên gọi là đậu hủ, vì đựng trong cái hủ nên mới có tên là đậu hủ”.
Mỗi cửa hàng có những loại topping khác nhau |
HOA NỮ |
Nghe chị Nga giải thích xong, thấy khác so với những gì đã được nghe trước đó, tôi và đứa bạn quay ngược lại gánh hàng của chị Bình.
Chúng tôi hỏi: “Sao có người lại giải thích tàu phớ với đậu hủ là 2?”, lần này thì chị Bình nói: “À, thật ra là 1 nhưng 2, là 2 nhưng như 1”.
Lại ngớ người vì chưa hiểu. Chị Bình lý giải tiếp: “Thực ra là một nhưng mà có topping hay không có topping thôi. Cũng chừng đó món à, vì cũng nguyên liệu chính là đậu hủ nhưng tàu phớ là thập cẩm đầy đủ, tức là có thêm các loại topping. Còn đậu hủ chỉ là đậu hủ không và ăn với nước đường, nhưng thật ra nhiều khách đến ăn, gọi đậu hủ nhưng muốn ăn thêm các loại topping thì mình vẫn cho vào. Thành ra là 1 mà 2, và là 2 nhưng lại như 1 là thế đó. Nên mọi người đến ăn dù gọi đậu hủ hay tàu phớ thì mình vẫn hỏi là có topping hay không”.
Nghe xong, bạn tôi gật gù: “Thì ra là vậy. Có thể vì thế, vì ai đến đây cũng thắc mắc tàu phớ, đậu hủ là một hay hai mà đã tạo nên một điều gì đó rất riêng của nơi đây cho món ăn vốn dĩ rất bình dân này”.
Bình luận (0)