Sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan-ATLAS) được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 22.2.2023 bởi kính thiên văn đặt tại Nam Phi của dự án khảo sát khả năng va chạm của các tiểu hành tinh với trái đất (viết tắt là ATLAS).
Sau thời điểm cận nhật diễn ra vào ngày 27.9, hôm nay 12.10 sao chổi này đến gần với trái đất nhất trong quỹ đạo của nó. EarthSky thông tin từ đây, sao chổi C/2023 A3 sẽ chuyển từ sự xuất hiện ngắn ngủi vào lúc rạng sáng sang bầu trời phía tây lúc chạng vạng.
Theo tính toán của các nhà thiên văn, sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan-ATLAS) di chuyển quanh mặt trời theo chu kỳ khoảng 80.660 năm. Điều này đồng nghĩa với việc sau sự kiện lần này, phải chờ đến hơn 80.000 năm sau, trái đất mới có thể "hội ngộ" chúng.
Hướng dẫn cách ngắm sao chổi
Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) cho biết từ hôm nay 12.10, người yêu thiên văn Việt Nam và thế giới đã có thể bắt đầu quan sát sao chổi này khi nó "trở lại" bầu trời đêm lúc chạng vạng. Dưới đây là hướng dẫn quan sát sao chổi hôm nay và các ngày tới đây.
- Ngày 12.10: Sao chổi nằm cao khoảng 8° ngay phía trên đường chân trời hướng tây và tỏa sáng với độ sáng biểu kiến - 1,0. Bạn sẽ có khoảng nửa giờ đồng hồ để quan sát trước khi nó lặn đi vào lúc 18 giờ 30 phút.
- Ngày 13.10: Với độ sáng biểu kiến là 0, bạn có thể tìm thấy C/2023 A3 nằm cao khoảng 12° vào lúc 18 giờ. Bằng mắt thường, sao chổi này hiện lên dưới dạng một sáng mờ nằm sát đường chân trời. Nó sẽ hiện diện ở khu vực này trong khoảng một giờ trước khi lặn đi sau 19 giờ.
- Ngày 14.10: Nằm ngay ở gần ranh giới giữa hai chòm sao hoàng đạo Virgo (Xử Nữ) và Libra (Thiên Bình), C/2023 A3 tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là 0,5. Nó dần xuất hiện ngay sau khi ánh sáng hoàng hôn dần tắt ở độ cao khoảng 16° và lặn đi sau 19 giờ 15 phút.
- Ngày 15.10: C/2023 A3 ở lại lâu hơn qua mỗi ngày khi vào ngày 15.10, bạn có khoảng một giờ rưỡi để quan sát nó. Đổi lại tầm nhìn ngày càng được cải thiện, độ sáng của sao chổi này giảm dần. Hãy bắt đầu tìm kiếm C/2023 A3 từ sau 18 giờ, lúc này, nó đang lơ lửng ở cao khoảng 20° so với đường chân trời.
- Ngày 16.10: Nếu thời tiết ủng hộ, hãy bước ra ngoài và tìm kiếm C/2023 A3. Tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là 1,0, sao chổi này vẫn rất sáng và tương đối dễ dàng có thể tìm thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, trăng tròn có thể gây cản trở một chút tới buổi quan sát của bạn. Nó nằm cao khoảng 25° vào lúc 6 giờ tối và lặn xuống phía dưới đường chân trời sau 19 giờ 50 phút.
Để quan sát sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan - ATLAS), bạn hãy tìm về những nơi tối trời cùng một không gian rộng rãi và tầm nhìn bao quát về phía tây. Nếu sử dụng ống nhòm hay kính thiên văn, hãy đảm bảo các nguyên tắc an toàn khi quan sát một vật thể gần mặt trời trong giai đoạn đầu khi sao chổi này mới xuất hiện trở lại.
Bình luận (0)