Theo tính toán quỹ đạo của các nhà thiên văn, sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan-ATLAS) di chuyển quanh mặt trời theo chu kỳ khoảng 80.660 năm.
Nó được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 22.2.2023 bởi kính thiên văn đặt tại Nam Phi của dự án khảo sát khả năng va chạm của các tiểu hành tinh với trái đất (viết tắt là ATLAS).
Sau thời điểm cận nhật diễn ra vào ngày 27.9, hôm nay 12.10 sao chổi này đến gần với trái đất nhất trong quỹ đạo của nó. EarthSky thông tin từ đây, sao chổi C/2023 A3 sẽ chuyển từ sự xuất hiện ngắn ngủi vào lúc rạng sáng sang bầu trời phía tây lúc chạng vạng.
"Nó có thể trở nên rõ ràng bắt đầu từ khoảng ngày 12.10, đây là ngày tiếp cận gần nhất với trái đất. Nếu nó sống sót sau cuộc "chạm trán" với mặt trời, sao chổi sẽ có một màn trình diễn tuyệt vời vào giữa tháng 10", chuyên gia dự đoán.
Chuyên gia nói rằng đã rất lâu rồi chúng ta mới thấy một sao chổi trải dài trên bầu trời buổi tối. Nếu may mắn, sao chổi C/2023 A3 sẽ tô điểm cho bầu trời của chúng ta từ ngày 14 - 24.10.
Theo đó, người Việt có thể nhìn về phía tây ngay sau khi mặt trời lặn để tìm sao chổi Tsuchinshan-ATLAS. Đó là lúc sao chổi Tsuchinshan-ATLAS có thể sáng trên bầu trời buổi tối sớm. Đáng mong chờ sau sao chổi này, vào cuối tháng 10 sẽ có một sao chổi mới xuất hiện. Nhiều người yêu thiên văn kỳ vọng sẽ có thể quan sát các sao chổi hiếm gặp trên.
Bình luận (0)