Cách đây mấy năm, người ta từng bàng hoàng với vụ án Lê Văn Luyện ra tay hạ sát cả gia đình chủ tiệm vàng ở Bắc Giang. Tưởng chừng sự dã man đã đạt đến đỉnh điểm nhưng thêm một lần nữa vụ đại án ở Bình Phước do hung thủ Nguyễn Hải Dương thực hiện đã phá vỡ biên giới của sự tàn bạo.
Vụ giết người ở Vĩnh Phúc tuy không nhiều về số lượng nạn nhân, nhưng cái cách giết người làm đọng lại nhiều ám ảnh, hoảng sợ.
Cách đây hơn chục năm, lúc đó án mạng chưa nhiều như bây giờ, những tờ báo giấy chuyên viết về an ninh trật tự, đăng tải những vụ án chấn động được mọi người chuyền tay nhau đọc từng chữ, thậm chí có người còn thuộc lòng và kể lại chi tiết cho người khác nghe.
Nhưng mấy năm trở lại đây, những vụ án giết người trở nên phổ biến, chỉ cần mở mạng đọc báo hoặc lướt Facebook thôi cũng đủ thấy hàng lô hàng lốc, hiển nhiên cái gì nhiều cũng gây ngán và người đọc chỉ lướt qua. Độc giả và người dân dường như quá quen với những vụ án gây rúng động, kiểu như đâm chém, truy sát, giết người là chuyện bình thường!
Vì sao con người đối xử với nhau ngày càng man dại, có thể là anh em ruột thịt, cha con, chồng vợ đầu gối tay ấp… cũng sẵn sàng đoạt mạng nhau vì một vài mâu thuẫn nhỏ!
Phải chăng, mức độ và tính chất của những vụ án có xu hướng nghiêm trọng dần nên cơ quan chức năng chuyên trách cao nhất phải trực tiếp vào cuộc, nhiều vụ án mà chỉ huy đánh án bây giờ phải đích thân sĩ quan công an cấp cao trong khi độ tuổi hung thủ ngày càng trẻ hóa.
Rượu bia, chất kích thích, tân dược gây nghiện tràn lan từ trên mạng cho đến đời thường…thật sự là một ẩn họa về trật tự an toàn xã hội. Nạn nhân bất kể là ai, thậm chí đang ngủ vẫn bị hung thủ phê đá, ảo giác xông vào nhà…chém nhầm!
Cùng với sự phát triển của các loại hình thông tin tương tác cao, nhất là mạng xã hội, người dùng thường xuyên gặp phải những hình ảnh, thông tin về các vụ cướp giật, tai nạn giao thông, đâm chém nhau đổ máu… cũng như các clip nhạy cảm khiến nhiều người bị ám ảnh và luôn cảm thấy bất an.
Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, Giảng viên trường Đại học sư phạm TP.HCM cho biết ở lứa tuổi nhận thức, kinh nghiệm sống còn hạn chế, dễ bắt chước, các em học sinh tiếp xúc với những hình ảnh bạo lực, độc hại thì ít nhiều sẽ bị tiêm nhiễm bởi cách hành xử bạo lực.
Người ta đặt vấn đề là có thể kiện các nhà mạng xã hội khi để những hình ảnh bạo lực lây lan. Nhưng ở khía cạnh khác cũng phải thấy rằng, hiện nay bạo lực quá dễ dàng bùng phát bất cứ nơi đâu, thậm chí chốn công sở, nơi linh thiêng cũng không ngoại lệ.
Những vụ án mạng luôn mang lại nỗi đau vô bờ bến cho người thân đôi bên, để lại hậu quả dai dẳng về mặt tâm lý xã hội. Ra đường, ai cũng thu mình lại vì sợ vạ lây, sợ “họa vô đơn chí” nên thành thử cái ác có cơ hội leo thang, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám lên án.
Một xã hội mà người ta chạy đua nhau khốc liệt để giành phần thắng, tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để vượt qua đối thủ; một môi trường mà ai cũng muốn làm giàu nhưng năng suất lao động thấp kém…những nguyên nhân sâu thẳm ấy chính là ngòi nổ được hình thành trong mỗi cá nhân, chỉ chờ đến lúc phát tác.
Con người là thế, nếu giáo dục và đào tạo không khéo phần “con” sẽ lấn át phần “người”. Nói vậy để thấy rằng, một con người hư hay nên, thành hay bại chủ yếu nhờ vào giáo dục, đào tạo. Bởi cha ông ta cũng đúc kết “dân bất học bất tri lý”. Đến lượt nó, một xã hội tập hợp bởi những cá nhân được giáo dục chuẩn mực và thấm nhuần tính nhân văn thì không đến mức đối xử với nhau tàn tệ.
Bình luận (0)