Sao cứ đẩy vào giá

06/12/2016 06:13 GMT+7

Dư luận bức xúc về cách mà ngành điện vẫn thường dùng lâu nay là cái gì cũng đẩy vào giá điện, bất kể chi phí đó hợp lý hay vô lý.

Chẳng thế nên mới có chuyện tréo ngoe là Tổng công ty điện lực miền Bắc “ép” các đơn vị thành viên phải mua các loại biển cảnh báo có giá cao gấp hàng chục lần, sau đó hạch toán vào giá điện.

Trong khi theo quy định của Bộ Công thương thì các loại biển báo này có thể sơn trực tiếp hoặc lắp đặt biển rời vào các cột điện thuộc diện cảnh báo. Cách này vẫn đang dùng, rẻ hơn rất nhiều lần, cũng chẳng kém hiệu quả hơn nhưng bỗng dưng buộc phải thay. Ngẫm mãi vẫn không hiểu, sao Tổng công ty điện lực miền Bắc (NPC) lại “thích” tốn kém đến vậy. Bởi với vai trò nhà đầu tư thì phương án nào hiệu quả mà ít chi phí nhất chắc chắn sẽ được chọn. Nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tiết giảm chi phí luôn được các doanh nghiệp (DN) đặt lên hàng đầu. Vậy mà NPC lại “đi ngược”. Hai lý do được dư luận quan tâm. Thứ nhất như nói trên, chi phí này được đẩy vào giá điện và người dân, DN chính là người chi trả cuối cùng. NPC chẳng mất gì. Thứ hai, như lo lắng của nhiều người liệu có khuất tất tài chính gì chăng?
Thực ra chuyện “cái gỉ, cái gi, cái gì cũng đẩy vào giá” của ngành điện đã xảy ra nhiều lần trong những năm qua. Gần đây nhất hồi cuối tháng 5 vừa rồi, dư luận bức xúc khi dự thảo Nghị định ban hành quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn điện lực VN (EVN) nêu rằng, chi phí sản xuất kinh doanh của ngành này sẽ "cõng" luôn cả chi phí hiếu, hỷ, nghỉ mát... Trước đó, EVN cũng gây sốc khi tính cả tiền xây biệt thự, sân tennis vào giá điện. Rồi lỗ tỷ giá, nguyên nhiên vật liệu, dịch vụ mua ngoài... cái gì cũng được đẩy vào giá. Đó là lý do giá điện trong nhiều năm qua chỉ có một chiều tăng, không giảm.
Tình trạng cái gì cũng đẩy vào giá càng trở nên đáng lo ngại hơn khi hồi đầu tháng 10 vừa qua, dự thảo quy chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công thương soạn thảo cho phép EVN được tăng giá điện 20%/năm. Nhiều người đang tự hỏi, có phải vì quota tăng giá được nới rộng nên một số DN ngành điện bắt đầu “vung tay” trong việc đầu tư những cái không đáng tương tự trường hợp của NPC nói trên?
Bất cứ là lý do gì, sở dĩ ngành điện dễ dàng đẩy mọi cái vào giá vì điện vẫn đang độc quyền. Đã độc quyền lại được quyết định tăng giá thì những chuyện tréo ngoe như nói trên chắc chắn sẽ còn tiếp diễn.
Điện là một trong những hàng hóa đầu vào thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu dùng và sức cạnh tranh của DN, của nền kinh tế. Vì vậy đã đến lúc, không thể để ngành điện tùy tiện đề ra các chi phí bất hợp lý như thế này nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.