Sao đối xử với học sinh như vậy?

05/12/2018 04:47 GMT+7

Thay vì đi gầy dựng niềm tin sau vụ tát học sinh 231 cái, thì với cách phát phiếu “điều tra”, lãnh đạo nhà trường lại một lần nữa làm tổn thương học sinh.

Sự việc tát học sinh 231 cái tưởng đã lắng xuống, nay lại khiến dư luận bất bình khi biết trong những ngày diễn ra vụ việc này, lãnh đạo Trường THCS Duy Ninh (H.Quảng Ninh, Quảng Bình) phát phiếu với rất nhiều câu hỏi lấy ý kiến học sinh (HS) với lý do để “xác minh” thông tin.
Dư luận đã không chấp nhận hành xử của giáo viên, nay lại càng không thể đồng tình cách “giải quyết khủng hoảng” như lãnh đạo của trường vì những người này dường như chỉ nghĩ đến việc bảo vệ quyền lợi của họ mà không quan tâm gì đến tâm lý, cảm xúc của HS.
Trả lời báo chí, cô hiệu trưởng cho rằng không phải nhà trường lấy “lời khai” hay “hỏi cung”, mà chỉ để nắm bắt thông tin đa chiều. Tuy nhiên nhìn vào danh sách câu hỏi mà nhà trường phát cho HS sẽ nhận thấy khó lòng có câu trả lời chính xác, khách quan. Thử tưởng tượng các HS vừa trải qua những ngày bất ổn và sự việc diễn ra bất ngờ thì làm sao HS có thể nhớ được từng chi tiết để trả lời các câu hỏi kiểu: “Cô Thủy đứng cùng chiều hay ngược chiều với bạn N.?”, “Cô Thủy vào đã tát được mấy bạn?”, “Sau khi bị tát, má bạn N. có đỏ không?”, “Em tát vào bạn N. mạnh hay nhẹ?”...
Ngoài việc không thể nhớ chính xác từng chi tiết mà yêu cầu của các câu hỏi đặt ra, về mặt tâm lý, HS cũng khó có câu trả lời khách quan khi phải đặt vào sự lựa chọn đứng ở phía nào: bạn hay cô giáo? Đó là chưa kể cảm xúc của HS sẽ hết sức tiêu cực khi có cảm giác bị “hỏi cung” và vấn đề đang ở mức rất trầm trọng.
Đây cũng không phải lần đầu tiên lãnh đạo một trường học phát phiếu điều tra để nhằm có thông tin có lợi cho mình. Còn nhớ vào tháng 12.2016, cô Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội lúc bấy giờ đã phát phiếu để 100% cán bộ công nhân viên nhà trường và HS xác nhận cô vô tội khi ngồi trên xe taxi chạy vào sân trường và cán gãy chân một HS lớp 2.
Sau khi xảy ra những vụ việc như thế này, thay vì lo sợ làm xấu hình ảnh của nhà trường, mất uy tín của nhà giáo... rồi đi xác minh, điều tra HS nhằm có thông tin cứu vãn tình hình thì các giáo viên, nhà trường hãy nghĩ đến cảm xúc, tình cảm, thái độ của HS. Những tình huống tiêu cực như vụ tát 231 cái sẽ ít nhiều gây tổn thương đến HS. Lẽ ra, sau đó nhà trường nên có những buổi tư vấn, trao đổi, chia sẻ tâm tình để HS thoát ra tâm trạng bất ổn. Tập thể nhà trường cùng ngồi lại tìm ra những phương pháp giáo dục nhân văn, hiệu quả. Lãnh đạo nhà trường cam kết công khai với HS và phụ huynh sẽ tạo nên một môi trường học tập đúng nghĩa là giáo dục và yêu thương...
Nhưng rất tiếc những điều này chưa được thực hiện. Thay vì đi gầy dựng niềm tin cho HS thì với cách phát phiếu “điều tra” này, lãnh đạo nhà trường lại một lần nữa làm tổn thương HS.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.